Châu Âu trong vòng xoáy khủng hoảng di cư
Khủng hoảng di cư ở châu Âu ngày càng cho thấy rõ sự thảm khốc của nó khi tiếp tục khiến khoảng 200 người đến từ châu Phi, Trung Đông và châu Á thiệt mạng trong hành trình vượt biển ở ngoài khơi Lybia, trong khi chính quyền Áo hôm 28-8 cũng cho hay họ phát hiện 70 người di cư bị chết trong một xe tải đông lạnh.
Xe tải đông lạnh bị bắt giữ ở biên giới Áo - Hungary
sau khi bị phát hiện chở thi thể của 70 người di cư.
Nguồn:EPA
Tìm đến “thiên đường” châu Âu
Theo tờ Krone của Áo, đến chiều cùng ngày, chính quyền Hungary đã bắt giữ 3 người ở nước họ có liên quan đến vụ xe đông lạnh chở người di cư bị chết. Tuy nhiên, phía Chính phủ hai nước này vẫn chưa xác nhận thông tin nói trên. Cả hai thảm họa này đều là hậu quả của làn sóng người di cư trái phép chạy trốn khỏi các vùng chiến sự và nghèo đói, tìm kiếm một cuộc sống ở “thiên đường” châu Âu, đẩy châu lục này vào một cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II.
Hãng tin AP dẫn lời một quan chức ngành an ninh giấu tên ở thị trấn Zuwara, phía Tây Libya, nơi con tàu chở người di cư trái phép xuất phát, cho hay có khoảng 400 người đã leo lên con thuyền này. Rất nhiều người trong số họ đã bị mắc kẹt bên trong thân tàu khi nó bị lật trong hôm 27-8.
Đến tối hôm 27-8, lực lượng cảnh sát biển Libya đã giải cứu được 201 người, trong số đó có 147 người đã được chuyển tới một cơ sở dành cho người nhập cư trái phép ở thành phố Sabratha, phía Tây thủ đô Tripoli. Đa số người di cư đều đến từ khu vực cận Sahara ở châu Phi, Pakistan, Syria, Morocco và Bangladesh.
Còn theo lực lượng cảnh sát biển Italy, 1.430 người đã được cứu sống trong hàng loạt các chiến dịch cứu hộ dọc bờ biển Libya hôm 27-8. Một con tàu buôn sau đó cũng phát hiện thêm 2 thi thể người di cư. Được biết lực lượng cảnh sát biển Libya vẫn bị hạn chế về khả năng cứu hộ do phụ thuộc chủ yếu vào các tàu cỡ nhỏ, tàu cao su và thậm chí là tàu đánh cá.
Zuwara - một thị trấn nhỏ gần biên giới Tunisia - từ lâu đã là một nơi tiếp nhận phần lớn những người di cư trái phép muốn tìm đường sang Italy. Chưa kể đến thị trấn này, thì Libya cũng đang dần trở thành một tuyến đường vận chuyển người lớn nhất đến châu Âu.
Những kẻ buôn người lợi dụng kẽ hở luật và tình trạng hỗn loạn ở nước này để vận chuyển trái phép người dân Syria đến Libya thông qua Ai Cập, trong khi những người di cư ở châu Phi đến đây thông qua Niger, Sudan và Cộng hòa Chad. Mọi dòng người đổ về Libya sau đó sẽ lên các con thuyền của chúng vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu.
Số người thiệt mạng lên đến hàng nghìn
Theo Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), có hơn 2.300 người di cư đã thiệt mạng trong hành trình vượt biển đến châu Âu tính từ đầu năm đến nay, so với mức 3.279 người trong suốt 12 tháng năm 2014.
Trên đất liền, làn sóng người di cư và người tị nạn đã quét qua khu vực phía Bắc châu Âu thông qua vùng Balkan trong những ngày qua, với hàng nghìn người đến từ Syria, Afghanistan và Pakistan tìm cách băng qua Serbia để đến Hungary - nơi có đến 140.000 người di cư bị bắt giữ do thâm nhập trái phép tính từ đầu năm đến nay.
Đa số những dòng người di cư và tị nạn này đều mong muốn đến các quốc gia thuộc khu vực Bắc và Tây Âu như Thụy Điển hay Đức - những nước có mức sống cao nhất nhì châu Âu - để sinh sống. Hungary, nằm trong vùng đi lại tự do theo Hiệp ước Schengen, hiện đang xây dựng một hàng rào lớn kéo dài biên giới nước này với Serbia để đối phó với cái mà họ gọi là một “mối đe dọa” đối với an ninh và sự thịnh vượng của châu Âu.
Ở Áo, lực lượng cảnh sát ban đầu cho biết số người chết được tìm thấy trong một chiếc xe tải đông lạnh gần biên giới Hungary là khoảng 50 người, nhưng sau đó nâng lên 70 người và dự báo sẽ còn có thêm nhiều thông tin chi tiết sau đó.
Chiếc xe tải này bị phát hiện từ hôm 27/8 sau khi cảnh sát tuần tra phát hiện chất dịch từ các thi thể đang phân hủy rỉ ra từ cửa sau của chiếc xe này.