Sáng mãi bài học về lòng dân, về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Đoàn kết dân tộc rộng rãi với sức mạnh của muôn người như một, Mặt trận Việt Minh đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám sáng mãi bài học về lòng dân, về sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc. Tổng kết bài học về phát huy sức mạnh toàn dân trong Cách mạng Tháng Tám là để vận dụng hiệu quả trong công cuộc xây dựng dân giàu nước mạnh và giữ vững độc lập chủ quyền đất nước.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Đại Đoàn Kết trân trọng giới thiệu ý kiến phát biểu của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Khả Phiêu:
Gần dân, sát dân sẽ phát huy được sức mạnh của dân
Bài học của Cách mạng Tháng Tám cần phải được tổng kết cẩn thận không phải cho quá khứ, mà để vận dụng thế nào vào hiện nay. Chúng ta nói nhiều nhưng quan trọng là cần phải chuyển hóa bài học của Cách mạng Tháng Tám vào bối cảnh hiện nay để công cuộc xây dựng đất nước tiến nhanh, tiến mạnh hơn. Bài học cơ bản của Cách mạng Tháng Tám là đoàn kết toàn dân, nhân dân đứng lên làm cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ. Nhưng Cách mạng Tháng Tám không chỉ giải phóng dân tộc xong là thôi, mà là để đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Khi khó khăn, chúng ta vận động 1 người để từ đó có 10 người, trăm nghìn người đi theo hưởng ứng và bây giờ cũng phải làm được như vậy. Những bài học trong quá khứ cần được phát huy, trong đó cần chú trọng tránh việc quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa. Gần dân, sát dân sẽ phát huy được sức mạnh của dân qua đó xây dựng đất nước theo con đường Bác Hồ đã chọn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân:
Muốn tập hợp đoàn kết phải hiểu được lòng dân
Có thể nói, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sự chiến đấu hàng nghìn năm của chúng ta trong giai đoạn Cách mạng Tháng Tám được phát huy vì có 2 điều kiện.
Điều kiện thứ nhất là sức mạnh đại đoàn kết đã được Đảng lãnh đạo và định hướng để từ tình cảm của người dân được tập hợp lại trở thành sức mạnh hiện hữu chứ không phải tại thời điểm đó mới đem lại tác dụng. Chính vì thế nên bài học ở đây là sức mạnh đại đoàn kết thông qua sự lãnh đạo của Đảng đem lại yếu tố tăng cường mới.
Thứ hai, sức mạnh đại đoàn kết đã trải qua một một quá trình tập dượt từ năm 1941 khi có Mặt trận Việt Minh và đến tháng 8 năm 1945 mới thể hiện ở việc hình thành các cuộc xuống đường của hàng vạn người ở Hà Nội và các địa phương khác, đe dọa, gây áp lực đối với những người trong bộ máy chính quyền của chế độ cũ, qua đó mới tạo thành lực lượng cách mạng để dẫn đến thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám.
Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.
Từ năm 1941, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã nhận định rằng cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 sẽ kết thúc, Đồng minh sẽ thắng lợi. Đây là thời cơ để chúng ta thực hiện giải phóng dân tộc. Cuộc đấu tranh của chúng ta lúc đó theo đuổi hai mục tiêu vừa giải phóng dân tộc, vừa đem lại ruộng đất cho người trong nước, xóa bỏ bóc lột. Đến giai đoạn năm 1941, Trung ương Đảng đã chuyển hướng, chỉ còn một mục tiêu đó là chống đế quốc, giải phóng dân tộc. Mọi lực lượng từ công nhân, nông dân, trí thức, cả những người địa chủ yêu nước đều có thể tham gia vào lúc này bởi cùng một mục tiêu là giành lại độc lập dân tộc. Mục tiêu giành lại ruộng đất cho người cày chúng ta để chậm lại. Đây là quyết định rất quan trọng để từ đó tạo nên sự gắn bó dân tộc trong vòng 5 năm trời.
Cùng với đó, chúng ta cũng đã hình thành lực lượng Việt Minh ở các địa phương để làm công tác tuyên truyền. Như ở Hà Nội đã có Việt Minh thành Hoàng Diệu- lực lượng này có sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của học sinh ở Hà Nội, ngoài việc tuyên truyền còn diệt trừ ác ôn. Những hoạt động này đã góp phần gây sự hoảng sợ cho kẻ địch.
Phát xít Nhật đã gây ra nạn đói làm chết hơn hai triệu người Việt Nam. Tội ác này đã đẩy bức xúc của nhân dân Việt Nam lên một giai đoạn mới, căm thù, phẫn uất cao độ. Vì thế, chỉ có một con đường đánh đuổi phát xít Nhật để giành lại độc lập, giành lại mạng sống cho mình. Nếu không nắm bắt thời cơ này, chúng ta sẽ không giành được độc lập, giành lại mạng sống của mình. Sức mạnh đại đoàn kết có lý do lịch sử, hoàn cảnh lịch sử, tạo điều kiện gắn bó lại để đất nước ta giành độc lập dân tộc.
Chúng tôi có gặp các cán bộ lão thành cách mạng tham gia Cách mạng Tháng Tám, các bác có nói, lúc đấy mà không có người dân ủng hộ thì khó thành công. Sở dĩ người dân theo mình vì người dân biết rằng mình sẽ làm những việc theo được nguyện vọng của nhân dân. Bài học đó là muốn tập hợp đoàn kết nhân dân thì phải biết nhân dân muốn gì và phải tổ chức hành động đáp ứng đúng nhu cầu nhân dân. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là phải nắm bắt được đúng tâm tư, nguyện vọng của người dân và chuyển tâm tư, nguyện vọng đó đến các cơ quan của Đảng, Nhà nước cũng như đoàn thể để tổ chức triển khai thực hiện.
Trong suốt từ sau năm 1975 đến giờ chúng ta cũng luôn đặt ra yêu cầu MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân mà gần đây nhất trong Hiến pháp 2013 khẳng định lại quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân nhưng đồng thời cũng có quyền thay mặt nhân dân giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, thấy rằng việc đó đúng, làm tốt, hiệu quả đến đâu để đáp ứng nhu cầu nhân dân và những việc gì chưa tốt, chưa hiệu quả cũng phải phản ánh với nhân dân.
Tức là hoạt động Mặt trận một mặt hiểu được chủ trương của Đảng, mặt khác góp phần đưa chủ trương đó thành hiện thực không phải chỉ vận động mà không giám sát. Từ chỗ phản ánh, tuyên truyền chuyển sang chức năng là vừa vận động phong trào vừa làm giám sát.
Nhưng để dân tin thì chúng ta không phải chỉ nói việc tốt mà những gì yếu kém chúng ta cũng phải lắng nghe, cùng thảo luận cho được và phản ánh kịp thời với Đảng, Nhà nước để có hướng giải quyết kịp thời đem lại niềm tin cho người dân. Chẳng hạn như 2 năm trước chúng tôi thấy rằng giá sữa vẫn tăng trong khi chi phí không tăng và những người làm sữa có lợi nhuận nhưng vẫn tăng thì những người làm Mặt trận nên tổ chức kiểm tra lại giá sữa và Thủ tướng chỉ đạo là cần phải có một giá trần sữa vừa đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất sữa nhưng người dân cũng được hưởng lợi ích. Những ý kiến kịp thời đó mới đem lại lợi ích cho người dân.
Sức mạnh đại đoàn kết là một tài sản vô giá. Một lo lắng hiện nay là một số người trong bộ máy chính quyền chưa thật sự lắng nghe ý kiến người dân. Trong ngắn hạn chính quyền là người nắm trong tay quyền lực, nhưng chúng ta không bao giờ quên rằng chính quyền nằm trong tay người dân. Nếu trong ngắn hạn một bộ phận có thể là bất chấp ý kiến nhân dân, có thể làm theo ý của mình nhưng dài hạn ý kiến người dân là quyết định cuối cùng, lúc đó chúng ta là người gánh chịu hậu quả do không lắng nghe ý kiến người dân từ vấn đề quy hoạch, từ vấn đề môi trường, vấn đề chính sách cũng như các lĩnh vực khác…
Theo tôi, yếu tố nguy cơ lớn nhất là chúng ta đừng nhìn thấy những khả năng của chính quyền trong ngắn hạn, kết quả trong ngắn hạn mà có thể cho rằng mình không lắng nghe ý kiến đầy đủ của người dân. Đấy mới là sức mạnh cuối cùng.
Thứ hai, để đất nước phát triển, chúng ta vận động người dân với tình cảm yêu nước nhưng phải chấp hành pháp luật. Hiện nay có một số người dân không chấp hành pháp luật một cách công khai mà chính quyền chưa vào cuộc xử lý một cách thỏa đáng thì không hợp lý.
Mới đây, trên truyền hình có giới thiệu hiện tượng một số địa phương như ở Lai Châu khai thác cát trái phép trên sông công khai với hàng chục chiếc tàu, diễn ra nhiều tháng trời mà không bị xử lý. Họ công khai vi phạm pháp luật nhưng chính quyền sở tại không xử lý cương quyết. Nếu chúng ta không làm việc này, với những người dân bị sạt lở mất nhà làm sao khiến họ tin vào bộ máy chính quyền của mình thật sự vì dân nữa? Chúng tôi thấy đã đến lúc phải nói không với công khai vi phạm pháp luật, nói không với việc không có chế tài xử lý vi phạm trong quá trình phát triển đất nước như hiện nay.
Ở thời điểm Cách mạng Tháng Tám, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, phát xít Nhật ở Đông Nam Á bắt đầu suy yếu. Hoàn cảnh đó nhiều nước giống chúng ta nhưng chỉ có Việt Nam cướp chính quyền. Vấn đề là sức mạnh đại đoàn kết chúng ta đã được tổ chức tập hợp phát huy từ nhiều năm trước, đến thời điểm đó khi thời cơ đến tạo sức mạnh vượt qua đối kháng của phát xít Nhật và tay sai.
Thời điểm hiện nay Mặt trận bên cạnh việc hàng quý tổ chức thu nhận ý kiến của người dân phản ánh, chính quyền các cấp 6 tháng 1 lần có báo cáo trước Quốc hội và Chính phủ về tâm tư nguyện vọng của người dân và các ý kiến của người dân, sắp tới còn chăm lo tạo ra các phong trào cách mạng ở từng khu vực địa bàn phù hợp với khả năng và điều kiện của nhân dân để người dân thấy Mặt trận nghe dân, cùng nhân dân làm những điều có ích cho đất nước và cho chính nhân dân.