GS Ngô Bảo Châu: Phải theo đuổi cái đẹp

Huyền Trang 30/08/2015 06:15

Thật hiếm khi giới trẻ Việt Nam được cùng lúc gặp gỡ với hai nhà toán học nổi tiếng thế giới: GS Cédric Villani và GS Ngô Bảo Châu. Cả hai giáo sư đều từng giành giải thưởng Fields danh giá và buổi nói chuyện của họ ở Hà Nội đã tiếp thêm ngọn lửa đam mê và tình yêu khoa học tới các bạn trẻ.

GS Ngô Bảo Châu: Phải theo đuổi cái đẹp

GS Ngô Bảo Châu (bên trái) và GS Cesdric Vallina (giữa)
trong một buổi nói chuyện về toán học tại Hà Nội.

Đã yêu thì không hỏi tại sao

Khi được hỏi vì sao lại yêu môn toán, GS Villani trả lời: "Bởi vì tình yêu không bao giờ có câu trả lời. Đã yêu thì không biết tại sao được. Tôi thường nói rằng, toán so với các môn khoa học khác là môn gần gũi nhất. Bởi vì lời giải chỉ có thể có trong đầu của chúng ta thôi… Còn đối với các môn khoa học khác chúng ta phải tin tưởng vào giải pháp của người khác hơn. Ví dụ trong lĩnh vực về nguyên tử chẳng hạn, ai trong chúng ta đã nhìn thấy nguyên tử? Các bạn tin tưởng là có nguyên tử bởi các bạn tin vào các nhà khoa học. Trong toán học các bạn không cần phải tin vào ai hết, các bạn hoàn toàn có thể kiểm chứng được bản thân mình. Bản thân tôi khi còn ngồi trên ghế trường trung học, hết giờ tôi gặp giáo viên và nói rằng cách chứng minh của giáo viên là không đúng. Có những giáo viên cũng thừa nhận... Và sau này khi tôi trở thành giảng viên thì thường là học sinh cắt lời tôi và nói rằng trong lời giải của thầy có nhầm lẫn, có sai. Tôi cũng phải công nhận, không thì tôi sẽ nói “tôi làm sai như thế để xem các em có chú ý theo dõi thầy giảng hay không”.

Còn GS Ngô Bảo Châu thì nói tình yêu toán học của mình có lí do. Khi mà chúng ta là sinh viên hay học sinh học toán thì khác với khi chúng ta nghiên cứu về toán. Khi tôi ở trường cấp 3 tôi là học sinh giỏi và tôi giải toán rất nhanh. Đó là bởi tôi có đầu óc logic và nhanh chóng giải quyết được vấn đề, nhưng thực tế thì nó chỉ là một cách cơ học thôi giống như một vận động viên thể thao vậy. Khi chúng ta học toán, và khi chúng ta nghiên cứu toán thì như chúng ta ở trong thế giới riêng của mình. Chúng ta bắt đầu tạo ra mọi thứ giống như khi chúng ta viết một tác phẩm văn học. Chúng ta tạo ra vấn đề của chính chúng ta. Tạo ra các nhân vật, các nhân vật này luôn có sự giao lưu với nhau. Chúng ta biết các nhân vật này bởi vì chúng ta là người tạo ra, nhưng chính các nhân vật này sau đó lại khiến chúng ta ngạc nhiên. Các nhân vật có sự tương tác với nhau, thậm chí sau đó chúng ta không hiểu nữa… Chính bản thân chúng ta lại bị những thứ chúng ta sáng tạo ra làm cho ngạc nhiên. Đấy chính là thời điểm tôi nghĩ rằng mọi thứ nó bừng sáng.

“Tôi cũng xin dùng hình ảnh ẩn dụ, tức là khi chúng ta ở trong một căn phòng tối và chúng ta sờ tới các đồ vật xung quanh. Đột nhiên khi ánh sáng lóe lên và chúng ta nhìn thấy thứ mà chúng ta sờ trong bóng tối. Mọi thứ trở nên sáng rõ. Nhưng đó cũng là thời điểm chúng ta cảm thấy buồn. Bởi vì khi mọi thứ đã trở nên sáng rõ rồi, có nghĩa là thế giới đó không còn thuộc về chúng ta nữa. Lúc đó chúng ta sẽ phải công bố với mọi người khác, và như vậy chúng ta phải rời xa thế giới mà chính chúng ta tạo ra”, GS Ngô Bảo Châu phân tích.

Nói về cách dạy toán trong các nhà trường hiện nay, GS Châu chia sẻ: Tôi nghĩ cũng có một số sai lầm trong cách dạy toán hiện nay. Có khi chúng ta nhấn mạnh đến quá nhiều phần lý thuyết. Ông cũng kể một câu chuyện: “Mới đây Viện của tôi cũng có tổ chức một cuộc thi do sinh viên tự tổ chức, dành cho học sinh trung học. Khi được tham gia vào BGK chấm điểm, tôi đã rất ngạc nhiên. Có những học sinh rất giỏi toán, gặp vào vấn đề cần giải quyết sẽ có những cách giải quyết vô cùng nghiêm ngặt và chỉ chú ý đến khía cạnh về toán học thôi, nhưng mà chúng tôi cũng nhận thấy trong cách tiếp cận như vậy thì cũng có những điểm khiếm khuyết của họ. Bởi vì các em không quan tâm đến những vấn đề đặt ra ngay từ đầu của đề bài, đó là làm thế nào để tưới cây với kĩ thuật tiết kiệm nước? Tôi nghĩ rằng các em chỉ quan tâm đến toán thôi không coi cây là gì hết. Trong khi đó có những em khác, là những người không giỏi toán bằng thì lại quan tâm đến cây. Các em này về giải pháp đưa ra về toán thì không phải xuất sắc tuy nhiên về cách tiếp cận lại rất hay trên các phương diện khác".

Với con cái không nên ép buộc

Hiện nay rất nhiều bạn trẻ nói toán khó, và họ muốn làm điều gì đơn giản hơn. Đặt tình huống này vào các gia đình có bố mẹ là GS toán học như GS Cédric Villani, ông cho hay: Tôi bao giờ cũng cố gắng không ép con phải đi theo hướng của mình. Tạo điều kiện cho các cháu có thể học những môn mà các cháu muốn, và sau đó tôi cũng sẽ xem sau. Bởi vì bây giờ con tôi đang học lớp chuyên về âm nhạc. Khi mà các cháu nhìn thấy tôi làm việc về các cuốn sách tôi viết, hoặc đọc sách nghiên cứu về toán thì tôi nhận ra rằng tôi chính là tấm gương cho các cháu.

Với GS Châu cũng vậy: “Tôi nghĩ rằng tất cả những gì của tôi, và đặc biệt những đam mê nghiên cứu toán học của tôi đã làm cho hai con gái của tôi sợ. Cách đây một thời gian, tôi thấy con gái lớn của tôi (năm nay 20 tuổi) chui vào gầm bàn trong một góc tối nhất. Tôi thấy lo. Lúc đó con tôi có một bộ diện rất khó nhìn, và tôi hỏi “con làm gì đó”? Lúc đó con gái tôi nói rằng “con đang học toán”. Tôi cũng đang cố gắng điều chỉnh”. Ông kể thêm câu chuyện: Tôi nghĩ mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái khá phức tạp. Bố tôi cũng là nhà khoa học, và bố tôi mới chỉ cố gắng dạy tôi toán có đúng một lần thôi. Nhưng không hiệu quả lắm. Lúc đó ông đã cho tôi một đề toán, và tôi cố giải nó. Tôi trình bày bài giải nhưng bố tôi cũng không hiểu nghĩa là gì. Sau 10 phút thì tôi cảm thấy khá khó chịu, và bảo con không hiểu bố đang định làm gì. Từ đó bố tôi không bao giờ dạy toán cho tôi nữa".

GS Châu cho biết, ông đã rất may mắn vì ngày cấp 2 được học giáo viên rất giỏi. Đây là những giáo viên đã khuyến khích, kích thích ông học hỏi, kích thích trí tò mò của ông. “Khi mà bố tôi muốn tôi thi vào lớp chuyên thì lần đầu tiên tôi đã trượt. Sau đó thì có tác động rất lớn đối với tôi khi tôi gặp lại các giáo viên của mình. GS của tôi đã nói rằng, đấy là cái để tôi cố gắng về sau. Tôi cũng nghĩ vấn đề đặt ra thách thức là vấn đề quan trọng. Lúc đầu thì tôi không tự giải quyết được các vấn đề của mình. Khi tôi không giải được sẽ cảm thấy bức xúc. Khi mà nhìn thấy lời giải thì tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ, chính vì thế mà tôi bắt đầu thích toán. Bởi vì bài toán càng khó thì càng thấy thích nó. Đây là kinh nghiệm tiếp xúc đầu tiên của tôi về toán học. Đó là thách thức đối với lòng tự ái. Khi đó tôi học lớp 6, khoảng 11 tuổi”.

Chỉ thành công khi chân thành yêu quí

GS Châu cho rằng, con người chúng ta có bản năng, nhiều khi không cần toán chúng ta cũng hiểu được vấn đề. Nhưng tôi nghĩ rằng với tiến bộ của khoa học kĩ thuật, với internet, với máy tính chúng ta sẽ có phương tiện để hiểu rõ ràng hơn về xã hội, về tự nhiên, hiểu hơn rất nhiều so với những gì bản năng chúng ta có thể hiểu được khi mà chưa có nhiều phương tiện này.

GS Cédric Villani cũng khẳng định: Chúng ta cần hiểu rõ rằng mọi thứ đều liên hệ với nhau. Trước đây người ta nghĩ rằng toán học rất khác các môn khoa học khác. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta nhận thấy rằng giữa toán học và các môn khoa học khác ngày càng gắn kết hơn, ngày càng có giao diện. Người ta cũng áp dụng ngày càng nhiều các ứng dụng về toán học cho doanh nghiệp… Rõ ràng mọi người ngày càng nhận ra tầm quan trọng của các môn khoa học, toán học. Bởi vì chúng ta mới đi vào một kỷ nguyên mới với tầm quan trọng của các dữ liệu, và thế giới của chúng ta đang được hưởng lợi từ nghiên cứu công cụ tiên tiến. Với smart phone, chúng ta có thể kết nối với rất nhiều nơi, luôn luôn có kĩ thuật mới phân tích cơ sở dữ liệu. Chúng ta cũng đã có được những giải pháp tối ưu hóa để có được những phân tích tốt hơn. Điều này chúng ta chỉ có thể làm được ở hiện tại, vì trước đây các máy tính của chúng ta chưa có đủ khả năng để làm điều này. Nó khiến cho toán học trở nên gần gũi hơn, được áp dụng trực tiếp trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Nhiều người không chỉ gọi GS Ngô Bảo Châu và GS Cédric Villani là nhà toán học mà còn là “thầy phù thủy” nắm trong mình bí quyết để thành công. Về điều này, GS Ngô Bảo Châu nói: Tôi nghĩ rằng, mình chỉ có thể thành công bất cứ cái gì khi mình chân thành yêu quý nó. Những gì tốt đẹp không phải là những gì dễ dàng đạt được, mà phải kiên trì. Nếu như mình không có sự quan tâm, dốc sức với một lĩnh vực thì không bao giờ đạt được kết quả. Điều thứ hai, tôi có thể nói rằng, khi chúng ta tiến bộ thì chúng ta phải lựa chọn, vì khi đứng giữa ngã ba đường chúng ta cũng sẽ không biết đi theo con đường nào. Trong trường hợp đó (toán học cũng vậy), có một nguyên tắc vô cùng cơ bản, tuy nhiên rất hiệu quả, cái gì đẹp chúng ta phải nên theo. Có thể trong cuộc sống hàng ngày nguyên lý tôi vừa nói không phải lúc nào cũng áp dụng được. Nhưng chúng ta quan tâm và dành tâm huyết nhiều cho điều chúng ta mong muốn thì sẽ đạt được kết quả…

Huyền Trang