Tháng Tám trời mạnh thu

Trần Thanh Phương 01/09/2015 09:10

“Tháng Tám trời mạnh thu” là tên một bài viết của một người cộng sản, một nhà văn, nhà báo tài hoa Nguyễn Văn Nguyễn, quê ở Mỹ Tho nay là tỉnh Tiền Giang, nhân dịp kỷ niệm 5 năm Cách mạng tháng Tám thành công, đăng ở báo Thống Nhất Nam Bộ năm 1950. Tôi mượn cái tên thật thích hợp, vừa hay vừa đẹp ấy làm tựa cho bài viết này như chính cuộc cách mạng vĩ đại của chúng ta. Bài viết của ông Nguyễn Văn Nguyễn chỉ vỏn vẹn trên dưới 1.000 chữ nhưng lại chỉ ra đầy đủ ý nghĩa của cuộc Cách mạng tháng Tám,

Tiểu đoàn Nguyễn Văn Tố, Sài Gòn, 1945.

Ảnh: Bùi Đình Túy

Đêm 24 rạng 25/8/1945, Xứ ủy và Ủy ban Tổng khởi nghĩa phát động giành chính quyền về tay nhân dân ở Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định. Ngay đêm 24/8, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát chỉ đạo một nhóm công nhân dựng lên một kỳ đài cao 15 mét bằng gỗ, bọc vải đỏ, ghi tên 9 vị uỷ viên Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ (lúc bấy giờ gọi là Lâm ủy hành chánh Nam Bộ) tại ngã tư đại lộ Charener (nay là đường Nguyễn Huệ), đại lộ Bonard (nay là đường Lê Lợi).

Từ nửa đêm 24/8/1945, hàng trăm ngàn quần chúng từ “vành đai đỏ” Bà Điểm, Hóc Môn, Bình Chánh, Chợ Đệm…, từ các nơi Tân Bình, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre… rầm rập tiến vào trung tâm thành phố, vũ trang bằng súng đủ loại, vũ khí thô sơ, tầm vông vạt nhọn, giáo mác tua tủa, cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm với băng rôn ủng hộ Việt Minh. Cả thành phố rung chuyển dưới chân theo nhịp “một hai” của hàng trăm ngàn đến triệu người biểu tình vừa đi vừa hát bài “Lên đàng” và hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”.

Rạng sáng 25/8/1945, cả thành phố Sài Gòn là biển người với cờ, biểu ngữ và băng rôn (thường viết trên ván sơn đỏ làm cờ. Khẩu hiệu viết trên đệm bàng hoặc trên tấm phên tre vì lúc bấy giờ vải rất hiếm). Cuộc biểu tình vĩ đại ấy có đủ các lứa tuổi, nam nữ, không phân biệt tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, dân tộc.

Từ nửa đêm 24/8/1945, hàng trăm ngàn quần chúng từ “vành đai đỏ” Bà Điểm, Hóc Môn, Bình Chánh, Chợ Đệm…, từ các nơi Tân Bình, Gia Định , Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre… rầm rập tiến vào trung tâm thành phố, vũ trang bằng súng đủ loại, vũ khí thô sơ, tầm vông vạt nhọn, giáo mác tua tủa, cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm với băng rôn ủng hộ Việt Minh. Cả thành phố rung chuyển dưới chân theo nhịp “một hai” của hàng trăm ngàn đến triệu người biểu tình vừa đi vừa hát bài “Lên đàng” và hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”.

8h sáng 25/8/1945, đoàn biểu tình dẫn đầu là các ủy viên trong Xứ ủy Nam Kỳ, Kỳ bộ Việt Minh, Ủy ban khởi nghĩa, đại biểu các đảng phái, tôn giáo… từ Tổng hành dinh của Ủy ban khởi nghĩa ở số 6, Colombert (nay là đường Alexandre de Rhodes) kéo đến Dinh đốc lý Sài Gòn (nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh). Đến 10h trưa 25/8/1945, đoàn biểu tình đến trước Dinh đốc lý và tràn ngập các đường trung tâm thành phố đến cột cờ Thủ Ngữ, chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, Dinh Toàn quyền, Sở thủ…

Ra trước ban công Dinh đốc lý, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thay mặt Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ dõng dạc đọc ba lần danh sách Lâm ủy hành chánh Nam Bộ do Trần Văn Giàu làm Chủ tịch, được đồng bào vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Thay mặt Lâm ủy hành chánh Nam Bộ, Chủ tịch Trần Văn Giàu tuyên bố: “Nước ta hôm nay bắt đầu thực hiện nền độc lập, chế độ cộng hòa dân chủ được thành lập tại Nam Bộ, kêu gọi toàn dân quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do”.

Tiếp theo, Nguyễn Văn Nguyễn, đại diện Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản kêu gọi hết thảy anh chị em thợ thuyền, nông dân, binh lính và các giới đồng bào… đem toàn lực ủng hộ Lâm ủy hành chánh Nam Bộ đương thực hiện một nước Việt Nam độc lập, dân chủ và làm cho người Việt Nam tự do sung sướng…”. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn toàn thắng!

Nhà thơ Hưởng Triều (Trần Bạch Đằng) lúc đó vừa bước sang tuổi 19, đã cảm nhận được tình cảm cách mạng qua những vần thơ trong bài “Chào cách mạng”. Xin trích mấy câu: “Xin chào cách mạng thành công/ Sài Gòn như ngọn thác hồng đổ xuôi/ Ngàn năm có một ngày vui/ Đùng đùng chuyển đất rung trời là đây/ Lưng chừng Thủ Ngữ cờ bay/ Miệng reo mà tưởng đang say mơ màng/ Nước này tên nước Việt Nam/ Chạy từ cửa ải Nam Quan chạy vào/ Cờ này nền đỏ vàng sao/ Là cờ độc lập, tự hào, tự do…”.

Trong hồi ký của mình, giáo sư Trần Văn Giàu nhớ lại: “Tối 23/8/1945, tôi giở lại sách “Trên đường khởi nghĩa” để đọc và suy xét cái việc mình đang làm, sắp làm. Tôi “thuộc bài” lắm rồi. Tôi giảng về vấn đề này trước nay đến mấy chục lần. Vậy mà cứ thấy cần đọc lại kinh điển. Trước nay mình giảng về “khởi nghĩa là một nghệ thuật” chớ đã áp dụng lần nào đâu. Bây giờ chính mình phải bắt tay vào việc khởi nghĩa ấy. Đọc lại Lê nin thì lòng tự tin, tin Đảng, tin dân sẽ mãnh liệt hơn…”.

Sau khi giành được chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ (23-26/8/1945), một trong những việc làm đầu tiên của Xứ ủy và Lâm ủy hành chánh Nam Bộ là tìm mọi cách để nối liên lạc với Trung ương Đảng và Chính phủ để nắm các chủ trương đường lối. Cuối tháng 8-1945, Trung ương cử hai cán bộ cao cấp là Hoàng Quốc Việt và Cao Hồng Lãnh vào giúp ban lãnh đạo Nam Bộ. Hai đại biểu của Xứ ủy Nam Bộ dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân ở Tân Trào là Ung Văn Khiêm và Hà Huy Giáp về lại Sài Gòn. Xứ ủy và Ủy ban Nam Bộ nhanh chóng tổ chức việc đón tù chính trị ở Côn Đảo về đất liền, đoàn ghe gồm 32 chiếc vượt qua sóng to, gió lớn, tới Côn Đảo ngày 16/9/1945 (vì gặp một trận gió mạnh, 7 chiếc ghe bị trôi dạt, một thủy thủ rơi xuống biển mất tích).

Tối 22/9/1945, đoàn ghe trở về đất liền. Hay tin Pháp đánh Sài Gòn, đoàn ghe tìm cập bến Đại Ngãi (Sóc Trăng) vào sáng 24/9. Đoàn ghe chở các tù chính trị, trong đó có cụ Tôn Đức Thắng, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng và nhiều người khác.

Chiều 2/9/1945, cùng một lúc với các tỉnh, thành khác trong cả nước, Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh Nam Bộ tổ chức Lễ Độc lập tại Sài Gòn. Nhà báo Trần Tấn Quốc tường thuật: “Cuộc lễ Độc lập cử hành đúng 2 giờ chiều. Nhưng mới 12 giờ trưa, dưới mặt trời đứng bóng, một biển người từ các vùng ngoại ô kéo về đại lộ Cộng Hòa (tức lộ No rô đôm vừa đổi tên), nay là đường Lê Duẩn, tập trung sau nhà thờ Đức Bà. Một người trong cuộc kể lại: Hôm ấy, hầu hết người Sài Gòn đổ ra đường. Đúng là một rừng người chưa từng thấy từ lâu lắm rồi ở thành phố bên bờ Bến Nghé này! Theo dự kiến, Ban tổ chức buổi lễ sẽ tiếp sóng bản “Tuyên ngôn Độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc trên làn sóng 32 mét của Đài phát thanh Bạch Mai (Hà Nội). Thế nhưng do Đài phát thanh ở Hà Nội và máy thu ở Sài Gòn đã quá cũ kỹ, nên việc tiếp sóng không thể thực hiện được. Thay vào đó, Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chánh Nam Bộ Trần Văn Giàu phát biểu với nhân dân Nam Bộ. Ông nói: “Việt Nam, từ một nước thuộc địa đã trở thành một nước độc lập.… Việt Nam đang tiến bước trên đường sống, sống danh dự với toàn cầu. Hôm nay, tuân lệnh của Chánh phủ Trung ương do đồng chí Hồ Chí Minh lãnh đạo, chúng ta làm lễ Độc lập mừng những ngày thắng lợi đầu tiên.”. Rồi ông nhắc nhở đồng bào: “Mừng thắng lợi, nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi (…). Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại vòng nô lệ”.

Kết thúc bài diễn văn, ông kêu gọi đồng bào “cương quyết chống mọi xâm lăng” và “hãy sẵn sàng chiến đấu”. Nhà cách mạng, nhà hùng biện, nhà triết học, thầy của nhiều nhà sử học là những danh xưng mà mọi người thường gắn với cái tên Trần Văn Giàu khi nhắc đến những ngày Cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ, nhắc đến những bộ sử được coi là kinh điển của Việt Nam thế kỷ 20. Với mỗi danh xưng ấy, người ta đều thấy một con người Trần Văn Giàu lấp lánh.

Cách đây gần 5 năm, trong lễ tiễn biệt giáo sư Trần Văn Giàu về cõi vĩnh hằng, trong lời điếu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải đọc, đã trân trọng nhắc lại: “Tháng 8-1945, trong điều kiện xa Trung ương, đồng chí Trần Văn Giàu cùng Xứ ủy quán triệt những chỉ thị của Trung ương Đảng vào giữa năm 1945, đã “tương kế tựu kế” chủ động tổ chức phong trào Thanh niên Tiền phong, một phong trào thanh niên yêu nước hoạt động công khai do Xứ ủy chỉ đạo, cùng Thanh niên cứu quốc, đội ngũ đông đảo trong phong trào công nhân và nhân dân lao động xây dựng một đạo quân chính trị hùng hậu làm nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trong bão táp cách mạng của quần chúng giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn- Chợ Lớn- Gia Định và khắp các tỉnh Nam Bộ, góp phần quyết định sự toàn thắng của cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại của cả nước!

Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, giành chính quyền về tay nhân dân cũng như sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc ta vào mùa thu ngày 23-9-1945 là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, của Hồ Chủ tịch, là công lao của toàn Đảng, toàn dân ta. Đối với Nam Bộ, có vai trò quan trọng của người lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp là Trần Văn Giàu.

Chiều 2/9/1945, cùng lúc với các tỉnh, thành khác trong cả nước, Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh Nam Bộ tổ chức Lễ Độc lập tại Sài Gòn. Nhà báo Trần Tấn Quốc tường thuật: Cuộc lễ Độc lập cử hành đúng 2 giờ chiều. Nhưng mới 12 giờ trưa, dưới mặt trời đứng bóng, một biển người từ các vùng ngoại ô kéo về đại lộ Cộng Hòa (nay là đường Lê Duẩn), tập trung sau nhà thờ Đức Bà. Hôm ấy, hầu hết người Sài Gòn đổ ra đường. Đúng là một rừng người chưa từng thấy từ lâu lắm rồi ở thành phố bên bờ Bến Nghé này!

Trần Thanh Phương