Thanh Hóa: Phát huy lợi thế đường Hồ Chí Minh để phát triển du lịch miền Tây
Miền Tây xứ Thanh có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, bởi không chỉ có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, đặc sắc mà còn có lợi thế khi trục giao thông huyết mạch của Tổ quốc - đường Hồ Chí Minh chạy qua một số huyện có khu, điểm du lịch trọng điểm.
Đường Hồ Chí Minh, đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa dài 133 km, đi qua 6 huyện: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân và Thọ Xuân. Đây là con đường vừa có giá trị giao thông, vừa có giá trị lịch sử, được xác định là lợi thế hết sức quan trọng cho các huyện miền Tây xứ Thanh trong việc liên kết phát triển du lịch.
Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát các khu, điểm du lịch có tiềm năng phát triển ở phía Tây đường Hồ Chí Minh, Thanh Hóa có đầy đủ các điều kiện thuận lợi để quy hoạch, phát triển các khu, điểm, tuyến du lịch tại khu vực này. Với các trung tâm du lịch được xác định như: Trung tâm du lịch huyện Cẩm Thủy; trung tâm du lịch Cửa Đạt, Lam Kinh... Trong đó, Cẩm Thủy với hệ thống kết cấu hạ tầng KT - XH tương đối phát triển đã giúp cho địa phương này đang trở thành một trong những trung tâm kinh tế, chính trị của cả khu vực Tây - Bắc Thanh Hóa.
Cùng với đó, trong điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, Cẩm Thủy được đánh giá là khu vực có nguồn tài nguyên du lịch nổi trội, bao gồm: Điểm du lịch suối cá Cẩm Lương, Cửa Hà, Chùa Rồng, Hồ Hai Dòng, Chùa Vọng… cộng với nét văn hóa truyền thống trong sinh hoạt, giao tiếp của dân tộc Mường, rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch sinh thái, tham quan thắng cảnh, nghiên cứu văn hóa cộng đồng người thiểu số.
Có thể nói, phát triển du lịch Cẩm Thủy với hạt nhân chính là điểm du lịch suối cá thần Cẩm Lương không chỉ góp phần cải thiện đời sống kinh tế - văn hóa của cư dân bản địa, đẩy sự phát triển cụm du lịch Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận, động lực chính để phát triển du lịch phía Tây và Tây Bắc của tỉnh. Cùng với đó, Cửa Đạt, Lam Kinh được xác định là trung tâm phát triển của khu vực đường Hồ Chí Minh, hình thành bởi 2 khu du lịch nổi tiếng của tỉnh.
Trước hết, nói về khu du lịch văn hóa lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân). Đây là một quần thể kiến trúc cổ, đang được tôn tạo để trở thành một trung tâm văn hóa lễ hội, lịch sử truyền thống có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt (Thường Xuân) với cảnh đẹp, khí hậu trong lành, mát mẻ rất phù hợp cho hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng của du khách thập phương. Gần công trình này còn có một số điểm du lịch “vệ tinh” hấp dẫn như: Hang Lãm, thác bảy tầng, Hội thề Lũng Nhai, đền Bà Chúa Thượng ngàn… đặc biệt là cảnh quan và hệ thống thực vật ở Khu BTTN Xuân Liên. Với lợi thế sẵn có, nơi đây có thể triển khai quy hoạch phát triển thành khu du lịch chuyên đề sinh thái rừng - hồ.
Để phát triển hai khu du lịch Lam Kinh - Cửa Đạt thành trung tâm du lịch trọng điểm mang tính văn hóa lịch sử truyền thống, việc phát huy lợi thế đường Hồ Chí Minh với du lịch phía Đông của tỉnh, cũng như các tỉnh lân cận được xác định là hướng đi quan trọng trong quá trình phát triển du lịch miền Tây. Ngoài ra, một số huyện khác như: Ngọc Lặc, Thạch Thành, Như Xuân cũng được xác định là những điểm dừng chân phục vụ du khách.
Được biết, để phát huy hơn nữa ý nghĩa, giá trị lịch sử tuyến đường Hồ Chí Minh trong phát triển du lịch, tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng tuyến du lịch văn hóa - lịch sử đường Hồ Chí Minh. Hướng tới xây dựng tuyến du lịch này trở thành tuyến du lịch đặc sắc của tỉnh, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Về vấn đề này, Nguyên Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL Thanh Hóa Doãn Văn Phú đã từng đề cập tới và cho rằng, để phát huy lợi thế đường Hồ Chí Minh, trước hết tại các trung tâm du lịch phải xác định được các khu, điểm du lịch trọng tâm và các khu, điểm du lịch vệ tinh. Đồng thời cần tạo ra mối liên kết về du lịch của cả tỉnh, các tỉnh lân cận và quốc tế, nhằm tạo sự hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau trong hoạt động du lịch. Đặc biệt cần quan tâm đa dạng hóa hình thức và sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm đà bản sắc văn hóa địa phương, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của du khách.