Con cá tra trong chuỗi liên kết

Quốc Trung 29/08/2015 20:21

Thời gian qua, mô hình nuôi cá tra công nghiệp liên kết giữa doanh nghiệp với người nông dân ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) được nhân rộng, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Tín hiệu vui cho cá tra

Năm 2013 ông Nguyễn Văn Đời, ấp Tân An, xã Tân Phong, bắt đầu nuôi cá tra với diện tích 5.000m2, và cũng gặp nhiều thua lỗ. Nhưng ông Đời vẫn quyết tâm bám trụ với con cá. Được học tập kinh nghiệm, kỹ thuật để thực hiện mô hình nuôi cá tra công nghiệp theo chuỗi liên kết, năm 2014 ông đã áp dụng mô hình này với diện tích 10 ha, trong đó diện tích nuôi chính là 9 ha, được chia làm 11 ao. Do có nhiều ao nuôi quanh năm và giá biến động từ 20.000 - 24.500 đồng/kg, trong 9 ao nuôi của ông có ao lời hoặc lỗ một ít, nhưng tính chung ông vẫn lãi từ mô hình nuôi hình này gần 1,4 tỷ đồng/năm.

Tương tự, ông Lê Quang Vinh ở xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành, An Giang) cũng như rất nhiều hộ dân nuôi cá tra ở đây từng rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều lúc đã tính tới chuyện “treo ao”. Tuy nhiên “Khi ở địa phương triển khai chương trình nuôi cá tra theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, tôi quyết liều một phen”- ông Vinh bộc bạch đồng thời cho biết: “Từ khi nuôi đến lúc thu hoạch, người dân chúng tôi không phải lo lắng như trước. Từ kỹ thuật nuôi, đến tiền mua thức ăn, rồi đầu ra cho con cá… Nhưng nay thì khỏe re, cá tới độ thu hoạch được nhà máy đến tận nơi thu gom, chế biến xuất khẩu. Công ty sẽ tính toán tới chuyện lợi nhuận của người dân, bằng cách lấy giá trị của sản lượng cá trừ đi chi phí thức ăn, thuốc men đã sử dụng, phần còn lại chính là lợi nhuận, nông dân nhận thông báo đến ngân hàng lãnh tiền”.

Theo tính toán của những người dân tham gia vào chuỗi liên kết, giá thành cá trong chuỗi giảm trên 500 đồng/kg so với nuôi tự do và lợi nhuận mỗi kg cá thấp nhất 1.500 đồng/kg. So với nuôi tự do, lợi nhuận cao hơn từ gần 50 đến 55 triệu đồng/ha/vụ cá.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra, khoảng tháng 8-2014, các ngân hàng thương mại đã thống nhất cho hai doanh nghiệp ở ĐBSCL vay vốn thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ cá tra là Công ty TNHH Hùng Cá ở Đồng Tháp và Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An ở An Giang. Tính đến cuối tháng 12-2014, các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho Công ty Hùng Cá trên 1.400 tỷ đồng và cho Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An 235 tỷ đồng.

Tham gia chuỗi này, nông dân được vay vốn bằng hình thức tín chấp lên đến 90%, còn lại 10% là thế chấp. Khi ký hợp đồng liên kết nuôi cá với người nông dân, Công ty Hùng cá đầu tư ao và toàn bộ chi phí, kỹ thuật; người nông dân chỉ chịu trách nhiệm nuôi, đến lúc thu hoạch chia lời theo tỷ lệ thỏa thuận giữa 2 bên. Việc cho vay theo mô hình liên kết chuỗi chính là phương thức hữu hiệu gắn chặt người nuôi cá với doanh nghiệp..

Mặc dù thực hiện chuỗi liên kết chỉ mới được thời gian ngắn, nhưng không chỉ phía doanh nghiệp thấy được đây là hướng đi bền vững, mà người nông dân cũng đã lấy được sự tự tin và cùng tham gia vào chuỗi liên kết này. Ông Lê Chí Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, nhận định: Trước tình trạng khó khăn của ngành hàng cá tra thời gian qua, thì mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất đến tiêu thụ là lối ra tốt để vực dậy ngành cá tra một cách bền vững...

Quốc Trung