Bài học từ quả vải
Mùa vải thiều năm 2015, nhờ làm tốt công tác thị trường và nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, tiêu thụ vải thiều được mùa cả về lượng lẫn giá bán. Mức giá bán năm nay cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Vải thiều đã có mặt tại châu Âu
Cụ thể, sản lượng đạt 195.000 tấn quả tươi, giá bán trung bình đạt 15.000 đồng/kg, cao hơn năm 2014 khoảng 3.000 đồng/kg, niên vụ vải thiều năm 2015 của tỉnh Bắc Giang đã đạt kết quả tốt, cho giá trị sản xuất đạt khoảng 2.900 tỷ đồng và giá trị xuất khẩu đạt 1.700 tỷ đồng (khoảng 80 triệu USD). Tổng doanh thu từ tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang đã đạt 4.600 tỷ đồng. Năm nay, lần đầu tiên vải thiều Lục Ngạn được xuất ngoại sang Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Canada, các nước ASEAN. Sản lượng xuất khẩu đạt 85.500 tấn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn.
Lãnh đạo tỉnh cũng cho biết thị trường tiêu thụ năm nay có sự thay đổi so với năm 2014. Theo đó, tiêu thụ nội địa chiếm 55% tổng sản lượng (năm 2014 chiếm 48%), thị trường xuất khẩu 45% (giảm 7% so với 2014). Thay vì chỉ có mặt tại một số tỉnh, thành phố lớn như trước, quả vải đã được được tiêu thụ khắp toàn quốc. Tổng số lượng tiêu thụ nội địa là 104.500 tấn. Riêng thị trường phía Nam khoảng 62.700 tấn, chiếm 60%. Đây là năm đầu tiên tiêu thụ nội địa đã cao hơn xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bắc Giang: Cây vải được trồng tại địa phương từ năm 1946, đến nay đã hình thành thương hiệu, trở thành sản phẩm nông nhiệp nổi tiếng của tỉnh. Hiện tại, diện tích vải thiều ở đây đã lên đến gần 32.000ha, sản lượng hằng năm đạt khoảng 200.000 tấn, trong đó, hơn 1/3 diện tích được sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Địa phương cũng đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ của Israel và công nghệ bảo quản nông sản CAS (công nghệ bảo quản tế bào) của Nhật Bản, có thể bảo quản chất lượng trái cây gần như nguyên bản trong vài tháng đến 10 năm và các công nghệ theo tiêu chuẩn châu Âu vào sản xuất. Bên cạnh đó tỉnh Bắc Giang cũng quyết liệt trong việc xây dựng và giữ vững thương hiệu vải thiều bằng nhiều giải pháp. Theo đó, UBND tỉnh và các DN đã chủ động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, trong đó, vải thiều được quảng bá, giới thiệu một cách hiệu quả hơn khi được Vietnam Airline chọn làm món tráng miệng cho thực khách trên hơn 1.000 chuyến bay. Đáng chú ý, Bắc Giang đã mời sứ quán của 10 nước tại Hà Nội đến các vùng trồng vải tham quan, thưởng thức nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, các DN tham gia xuất khẩu được địa phương trích ngân sách hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết hồ sơ, thủ tục.
Kinh nghiệm từ sản xuất, tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang cho thấy, nếu được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng và tăng cường mối liên kết “4 nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp thì giá trị nông sản sẽ được nâng lên và thị trường sẽ rộng mở, nông dân không còn phải ngậm ngùi với tình cảnh được mùa rớt giá.