Hoàn thiện chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

P.V 30/08/2015 15:09

Chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn. Hiện có khoảng 94 chính sách đặc thù hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn được thể chế qua 3 Nghị định, 1 Nghị quyết của Chính phủ và 90 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Cơ chế, chính sách đã từng bước thay đổi về quan điểm, tư duy, phân cấp mạnh cho địa phương trên cơ sở công khai, minh bạch trong công tác xây dựng và lập kế hoạch, từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ chuyển dần sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, từ “cho không” chuyển sang cho vay.

Tuy nhiên, một số chính sách còn thiếu đồng bộ. Hiệu quả và tác động của chính sách còn chưa đạt yêu cầu. Việc phân công quản lý, chỉ đạo, điều hành một số chính sách còn chồng chéo... Nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế đối với chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng và chính sách giảm nghèo nói chung, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi cơ chế quản lý và điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đồng bộ hóa tổ chức quản lý, gắn Chương trình mục tiêu quốc gia với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; thể chế hóa quy trình lập và triển khai kế hoạch đầu tư cấp xã có sự tham gia của người dân thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế tài chính chung để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho việc lồng ghép nguồn lực được thuận lợi và nghiên cứu, đề xuất tăng định mức xây dựng chính sách nói chung và chính sách giảm nghèo nói riêng theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí xây dựng chính sách.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sửa đổi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm đồng bộ hóa, tập trung nguồn lực, theo hướng: Phân nhóm, gồm chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chính sách hỗ trợ phát triển sinh kế; thực hiện chính sách dựa vào cộng đồng, gắn sản xuất với thị trường nhằm tăng cường giám sát nội bộ, khuyến khích tự vươn lên thoát nghèo bền vững; giao nhiệm vụ cho bộ, ngành đúng đắn, đảm bảo không trùng lặp về nội dung và địa bàn.

Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc bán trú tại vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn; chỉ đạo các trường dân tộc nội trú phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để tổ chức giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu cho học sinh dân tộc nội trú.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sinh kế để giảm nghèo chung trên cả nước (bao gồm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngành nghề nông thôn) và phân cấp cho các địa phương cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ này phù hợp với đặc thù của địa phương.

P.V