Tết Độc lập về Lệ Thủy xem đua thuyền
Hòa chung không khí kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9, nắng vàng trải dài trên dòng Kiến Giang, đến hẹn lại lên, hàng ngàn người con xứ Lệ (Lệ Thủy, Quảng Bình) sống trên mọi miền quê hương, đất nước đều mong muốn trở về quê hương để vui Tết Độc lập khi đắm mình trong những điệu hò khoan và xem lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên dòng Kiến Giang.
Làm lễ hạ thủy thuyền bơi, đò đua ở Lệ Thủy
Khoẻ khoắn điệu hò đẩy thuyền...
Nói đến Lệ Thuỷ, nhiều người liền nhớ tới câu ca dao: Dù ai đi tây, về đông/ Mồng Hai tháng Chín cũng mong về nhà/ Về xem lễ hội quê ta/ Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay. Có mặt tại Lệ Thuỷ vào những ngày cận kề Tết Độc lập, chúng tôi chứng kiến nhiều đò bơi của các làng ở hai bên dòng Kiến Giang lần lượt chọn ngày tốt, giờ tốt làm lễ “hạ thuỷ” để tổ chức bơi thụa (luyện tập). Không khí yên ả trong ngày mùa ở quê lúa Lệ Thuỷ bỗng tan biến, mà thay vào đó là rộn ràng tiếng mõ, tiếng reo hò, tiếng cổ vũ của người dân khi chuẩn bị cho lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống của quê hương. Bên tả, bên hữu dòng Kiến Giang, những giọng hò khoan được người dân đồng sức đồng lòng cất lên khi cùng nhau đẩy thuyền hạ thủy...
Ông Đặng Ngọc Tuân, người đã nhiều năm dày công nghiên cứu, sưu tầm về hò khoan Lệ Thuỷ cho biết: Hò đẩy thuyền ở Lệ Thuỷ được sử dụng khi đẩy thuyền ở trên bờ sông hoặc tại nơi cất giữ thuyền về đến bến. Nội dung các câu hò thường chỉ để phục vụ việc đẩy thuyền cho nhịp nhàng và mạnh mẽ. Thông thường trong hò đẩy thuyền ở Lệ Thuỷ, thường có một người có giọng hò tốt đứng ra hò cái “Hai bên đứng lại hai hàng/ Người mụi, (đầu thuyền) kẻ lái rập ràng cho mau”. Khi người hò cái vừa dứt, lập tức tất cả trai tráng đã bám tay chắc chắn vào mạn thuyền vừa đồng thanh hò xố: “Hô hè nì, hô hè nì,...” theo nhịp của hò cái. Hò đẩy thuyền thường là những câu lục bát, chủ yếu để động viên các chàng trai, cô gái đang tham gia đẩy thuyền “Đường còn dài lắm anh ơi/ Gắng sức mà đẩy cho mau xuống rào”. Hay như “Hai bên bốn bề hợp sức cho đông/ Đẩy thuyền xuống sông kịp giờ đại lợi/ Hô hè, hô hè...”.
Những câu hò đẩy thuyền được các cất lên sôi nổi, rộn ràng. Khi những câu hò phục vụ cho việc đẩy thuyền đã cạn thì người hò cái chuyển sang hò các câu ví von “lời thanh, ý tục” hoặc hài hước để gây cười cho những người đẩy thuyền. Trong khi những chàng trai vừa hò, vừa đẩy thuyền thì những cô gái đã nhanh nhẹn đặt các đà (con lăn) bằng thân cây gỗ tròn dưới đáy thuyền cho con thuyền đỡ ma sát với mặt đất. Thuyền được đẩy đến đâu thì điệu hò rộn ràng đến đó, cho đến lúc thuyền được đẩy xuống nước, bọt tung trắng xoá trong tiếng vỗ tay vui mừng, phấn khởi của bà con... thì điệu hò mới kết thúc. Có lẽ, điệu hò khoẻ khoắn này là nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng truyền thống ở vùng quê sông nước nơi đây.
Đò bơi nam (nằm bên phải), thuyền đua nữ (nằm bên trái)
Rộn ràng sông nước Kiến Giang!
Về nguồn gốc của Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang ở Lệ Thuỷ, theo các cụ kể lại rằng: Vào một đêm nọ, vị Thần hoàng làng nằm chiêm bao thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đến bảo: “Muốn cho mưa thuận gió hoà thì cứ mỗi dịp khai xuân nên có lễ hội cầu đảo, đua thuyền để khai thông sông rạch...” Từ đó, hằng năm cứ mỗi độ xuân về, sau khi công việc đồng áng đã xong, dân cư vùng sông nước xứ Lệ lại tổ chức đua thuyền trên sông, mừng một mùa vụ mới với mong muốn mưa thuận, gió hoà, đồng ruộng tốt tươi, cuộc sống bình yên.
Trong sách “Ô Châu cận lục”, do Dương Văn An, người làng Tuy Lộc, xã Lộc Thuỷ, (huyện Lệ Thuỷ) viết: “Sang xuân mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh, gái lịch. Hạ đến, bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa, nơi ca...”
Chầm bơi của nam
Trước khi vào cuộc đua, các làng xã đã có sự chuẩn bị thật kỳ công, nào là việc chọn gỗ, chọn thợ thầy có bí quyết nhà nghề để đóng những con thuyền đua dài, thon nhẹ, mũi nhọn, có độ lướt nhanh là những tiêu chuẩn mà mỗi con thuyền đều phải có. Ngoài ra, các làng còn chuẩn bị đội trai bơi, gái đua dày dặn kinh nghiệm, có sức khoẻ tốt và đặc biệt là mỗi thuyền đua bơi muốn giành giải phải có một người cầm lái kỳ cựu, biết tìm, lựa chọn cho mình một đường đi ngắn nhất để đạt đích sớm nhất.
Tập luyện trước ngày diễn ra lễ hội đua thuyền
Đến ngày hội đua chính thức, từ rạng sáng các thuyền lần lượt nối đuôi nhau diễu hành trên sông, sau đó các thuyền bơi đua xếp hàng vào vị trí xuất phát. Có lẽ, giây phút hồi hộp nhất là hiệu lệnh xuất phát, đây là thời khắc buông phao, là điểm náo nhiệt nhất trong cuộc đua, với tiếng trống thúc dục liên hồi, tiếng mõ gõ nhịp, tiếng hô quyết tâm của các trai bơi, tiếng hò reo của lớp lớp người trên hai bờ sông động viên trai bơi, gái đua.
Hạ thủy đò bơi nam
Đường bơi đi qua nhiều làng xã, từ khu vực hạ lưu ở An Lạc lên đến thượng lưu ở Mỹ Thuỷ, cả một chặng sông dài đều nằm trong phạm vi của lễ hội. Cuộc đua diễn ra, dọc hai bên bờ sông, người người đứng chen chân để xem trên đường đua có những cuộc giành giật, bứt phá ngoạn mục, bất ngờ, hấp dẫn của các đội. Khi thuyền đua đến khúc sông nào thì trên cả hai bờ sông, người có nón vẫy nón, người cầm mũ ngoắt mũ... cổ vũ cuồng nhiệt. Có người nhào cả xuống sông khoát nước cho trai bơi, gái đua để động viên, tạo niềm hưng phấn cho các tay đua trên đường bơi. Với truyền thống của làng mình, người hâm mộ đều bái phục tinh thần ngoan cường, thượng võ của đò bơi xã Hồng Thuỷ, xã Cam Thuỷ những năm trước chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Những năm gần đây, phải kể đến các làng có truyền thống bơi đua đáng khâm phục như An Xá, Tuy Lộc, Quảng Cư, Xuân Lai...
Hạ thủy thuyền đua nữ
Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, người dân Lệ Thuỷ vui mừng chào đón Tết Độc lập và tổ chức đua thuyền để mừng Quốc khánh 2-9. Từ đó đến nay, hằng năm trên dòng Kiến Giang lễ hội đua thuyền truyền thống được duy trì, phát huy và trở thành lễ hội truyền thống cấp tỉnh. Có thêm một điều đặc biệt thiêng liêng đối với lễ hội này, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, nhân dân ở huyện Lệ Thuỷ, gia đình nào cũng vậy, đều có bàn thờ Bác Hồ đặt ở vị trí trang trọng. Trong ngày vui trọng đại năm 2015 này, mỗi gia đình ở Lệ Thủy sum họp bên nhau đều gói bánh trái, hái hoa quả vườn nhà, làm mâm cơm kính cẩn dâng lên bàn thờ Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con ưu tú của quê hương Lệ Thủy. Theo người dân Lệ Thuỷ thì làm mâm cơm kính dâng lên Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trước là tưởng nhớ đến công ơn to lớn của Người và tri ân Đại tướng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng bảo vệ Tổ quốc; sau là để con cháu sum vầy liên hoan mừng ngày Tết độc lập, mừng lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống của quê hương.
Đò bơi làng Thạch Bàn được hạ thủy
Về Lệ Thuỷ mừng Tết Độc lập, cùng với bọt nước tung toé, sóng nước dậy sóng thì nhấp nhô nón trắng, mũ màu, cờ hoa tạo nên một không gian lễ hội thật rộn ràng, xốn xang lòng người.