Tiếng nói cất lên từ mênh mông dâu bể cuộc đời
(Nhà nghiên cứu Lý Hoài Thu trò chuyện với nhà thơ Trần Anh Thái)
Nhà thơ Trần Anh Thái
Xin chào nhà thơ Trần Anh Thái, có lẽ chúng ta bắt đầu câu chuyện từ những cái tên bởi theo tôi, đối với một tác phẩm trường ca, tên tác phẩm đã bao chứa trong nó tư thế xúc cảm, kích thước không gian và biên độ nội dung. Anh có mất nhiều thời gian để tìm tên tác phẩm hay không?
Nhà thơ Trần Anh Thái |
TRẢ LỜI: Tên Tác phẩm với tôi là khởi đầu. Là mã số đi vào thế giới tinh thần của tác phẩm, là những suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc, tưởng tượng, khát vọng và ý chí...Kinh Thánh có nói “ Khởi đầu là lời”. Không có nó thì mọi thứ trở nên hoang mang, hỗn độn. Chúng ta cứ thử hình dung: Khi đứa con của ta được sinh ra, nếu nó không được đặt tên thì sự việc sẽ thế nào. Thì mỗi người sẽ gọi nó theo cách của mình. Người được gọi sẽ trở nên bối rối, ngơ ngác, thụ động trong một mớ âm thanh láo nháo và hỗn độn . Rút cục, nó luôn tồn tại lờ mờ trong cái thế giới âm thanh láo nháo và hỗn độn ấy. Vì thế, khi một tác phẩm viết ra tôi luôn bắt đầu cho nó một cái tên tạm thời, để trong quá trình sáng tác, cố gắng bám sát vào ý đồ ban đầu mà mình đã đặt ra. Cố nhiên điều này là không thể. Vì quá trình viết là quá trình sáng tạo. Nên sau khi tác phẩm hoàn tất, tôi giành thời gian đáng kể đặt ra hàng loạt các tên gọi khác nhau, sau đó mới thực hiện việc lựa chọn và loại bỏ. Việc đặt tên như vậy cho một tác phẩm không thể vội vàng. Nó phải được cân nhắc kỹ lưỡng, nhìn ngắm ở nhiều góc độ, chiều kích khác nhau. Nhưng cuối cùng nói gì thì nói, tên tác phẩm phải phản ánh được tinh thần căn bản của tác phẩm. Nếu không thì việc đặt tên cho tác phẩm trở nên vô nghĩa...
Xin anh vui lòng nói kỹ hơn cái tên của trường ca “ Đổ bóng xuống mặt trời”. Trong bộ ba trường ca của anh, tôi thích nhất cái tên này.
TRẢ LỜI: Cái tên “Đổ bóng xuống mặt trời” là cả một câu chuyện dài. Sau năm 1975, kết thúc chiến tranh tôi được nghỉ phép ra Bắc, về quê thăm nhà. Dọc đường đi, tôi thấy tràn ngập không khí ăn mừng chiến thắng. Giương mặt ai cũng háo hức, hoan ca. Người ta hớn hở nói cười, ăn mừng, nhảy múa, hội họp...Cứ như cả thế giới này, chỉ có niềm vui chiến thắng của họ là nhất, là vĩnh cửu bất tận. Hồi ấy, tôi còn nghe một ông lãnh đạo cao cấp của đảng hùng hồn, lạc quan tuyên bố đại loại: Chỉ 5 năm nữa dân ta sẽ giàu có ấm no. Mỗi gia đình nông dân ít nhất sẽ có một xe máy, một ti vi, một tủ lạnh, một đầu máy khâu... Người dân tin vào lời hứa ấy, bừng bừng khí thế kiêu hãnh, mơ mộng chờ đợi... Khi về tới làng mình, trái với sự ồn ào lạc quan tếu về chiến thắng ở các ga tàu, thành phố, thị trấn mà tôi đi qua, là một không khí yên tịch, âm trầm. Phía trước nhà tôi, hàng xóm ở hai bên, phía sau ngay sát tường nhà đều có người thân chết trận. Có gia đình hai ba người con hy sinh ở chiến trường...Nỗi đau như sụp xuống từng căn nhà nghèo xác, đơn sơ của người dân làng tôi...
Hôm ấy, cậu tôi xách về hai chiếc đèn măng xông và bộ loa, đài to tướng đặt ở giữa nhà, rồi ông hô hét mọi người dựng rạp, chuẩn bị “ ăn mừng” tôi thoát chết trận. Cha tôi đi đâu về nhìn thấy đống loa đài, phông màn rủng rỉnh, ông bắt dẹp bỏ hết. Tối đó, ông chỉ cho thắp vài ngọn đèn kỳ nhỏ, khách khứa là những người thân nhất trong gia đình. Ông cấm không ai được hò hát ầm ĩ. Ông nói gọn lỏn: Hàng xóm chồng, con người ta chết đầy ra đấy, ầm ĩ làm gì.... Mấy ngày nghỉ phép tôi lang thang đến từng nhà trong làng chơi. Quê tôi khi ấy nghèo đói. Giương mặt ai cũng hiện lên sự lam lũ, khắc khổ và cam chịu. Nhưng có một sự lạ là không ai kêu ca gì về sự khốn khó, đói nghèo. Đằng sau cái lam lũ và khốn khổ ấy là một cái gì rắn chắc, mạnh mẽ, không khuất phục...
Một hôm tôi theo mẹ lang thang ra dòng sông ngoài cánh đồng chơi. Tôi bất ngờ nhìn thấy bóng mẹ tôi đi phía trước, bên bờ sông. Bóng bà in trùm xuống mặt nước. Cái bóng của bà to lớn, uy nghi, sừng sững đổ lên bóng mặt trời nhỏ nhoi, xa tít dưới tận đáy sông. Tôi chợt nghĩ : Hóa ra mặt trời không phải lúc nào cũng to lớn, kỳ vĩ như người ta tưởng, người ta thường thấy. Sau này khi viết trường ca “ Đổ bóng xuống mặt trời”, cái bóng in trên mặt nước của mẹ tôi luôn ám ảnh. Nó to lớn, bền vững và mạnh mẽ hơn hết thảy. Đó cũng chính là “ cái bóng” của những người dân nghèo khổ, lam lũ và cam chịu ở làng tôi. Cái tên “ Đổ bóng xuống mặt trời” ra đời từ đấy.
Anh được thừa kế gì từ thế hệ các tác giả trường ca thời chống Mỹ về thi pháp thể loại?
TRẢ LỜI: Tôi sinh ra và lớn lên ở miền duyên hải thuộc đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Người làng tôi đời này qua đời khác sống lam lũ cùng sự vật vã thăng trầm giữa hai con nước thủy triều lên xuống. Nó chính là những khúc ca bi tráng và trữ tình về thân phận con người. Những câu ca dao, tục ngữ, những chuyện kể bằng văn vần mà tôi học được đầu tiên là những tiếng hát cất lên từ thẳm sâu của trạng thái tâm thức bi tráng và trữ tình đó. Nó song hành cùng với niềm vui và nỗi đau khổ mà chúng tôi đã phải chịu đựng và trải qua. Và cũng bởi vì sau những nhọc nhằn mất mát đau thương để sinh tồn, sau những cuộc chiến tranh tàn khốc, tội ác và hận thù, người dân làng tôi luôn khao khát vươn tới cuộc sống thanh bình, mỹ cảm cao thượng, trong đó có vẻ đẹp của tình yêu và thơ ca. Cũng bởi lẽ đó người làng tôi có một tình yêu thơ ca thật hiếm hoi và họ có một khả năng cảm thụ thơ ca mạnh mẽ. Thơ nói chung và đặc biệt là trường ca được cất lên như một ý thức về lẽ sống trong sự sinh tồn ấy. Và cũng vì vậy mà trường ca “ Đổ bóng xuống mặt trời” là một trường ca được kế thừa toàn bộ tinh thần của truyền thống văn hóa dân tộc. Nó là tiếng nói được cất lên từ mênh mông dâu bể của cuộc đời. của mỗi phận người, thân phận nhân dân...
Còn đâu là những tìm tòi, đổi mới của Trần Anh Thái và các tác giả cùng thời?
Nhà thơ Trần Anh Thái |
TRẢ LỜI: Như chị thấy đấy, bản chất của văn học là sáng tạo. Văn học có bị ảnh hưởng lẫn nhau nhưng đó là sự ảnh hưởng của tinh thần sáng tạo chứ không phải sự lặp lại tác phẩm của người khác. Lặp lại chính mình đã là quá dở, vì nó cho người ta thấy anh là kẻ lười biếng, nhưng còn thể tất. Lặp lại người khác thì đó không phải là tác phẩm văn học đúng nghĩa. Văn học kiêng kỵ nhất là sự vay mượm, bắt chước cho dù bất kỳ đó là ai, tác phẩm thiên tài cỡ nào. Văn học suy cho cùng là chính mình. Một cái tôi trong tận cùng xô dập, tận cùng cảm xúc để tiến tới một bung mở sáng tạo mới mẻ. Đương nhiên giữ được là chính mình hoàn toàn không dễ nếu không nói rằng đây là sự sống còn của người sáng tác. Trong các trường ca “ Đổ bóng xuống mặt trời”, “ Trên Đường” và “ Ngày Đang Mở Sáng” tôi đã viết với một tinh thần như vậy, một tinh thần là mình, tự do thoải mái. Không bị ràng buộc bởi những luật tắc, những khuôn mẫu sáo mòn, bảo thủ cứng nhắc. Các trường ca của tôi thường không sử dụng bất cứ một câu lục bát nào như chị thường bắt gặp trong các trường ca trước đó. “Đổ bóng xuống mặt trời”, “ Trên Đường” và “ Ngày Đang Mở Sáng” hoàn toàn là thơ tự do với nhiều đoạn thơ, văn xuôi, thậm chí có cả những đoạn đối thoại ảo. Và nữa, có khi là những lời nói thông thường. Một cái tôi đa thanh đa sắc! Cái tôi thuần túy về thân phận con người, làng xóm quê hương, đất nước. Nhân vật trong các trường ca này cũng thế. Họ là những người dân bình dị, không có một chút địa vị nào trong xã hội. Họ là những người mẹ, người chị, người anh, đồng đội... Họ là những con người đại diện cho tầng lớp nông dân. Một tầng lớp lam lũ, nhiều buồn đau và hạnh phúc nhưng luôn rắn chắc và bền vững. Nhưng chính họ mới là người thực sự vĩ đại. Họ là mặt trời, và còn lớn hơn cả mặt trời. Họ mới là những người làm nên sự thống nhất vĩ đại giữa hai miền Nam Bắc 1975, chứ không phải ai khác...
Trường ca cổ điển coi trọng yếu tố tự sự, trường ca hiện đại tập trung hơn vào việc khắc hoạ chân dung chủ thể trữ tình. Đây là một phương diện cách tân và thành tựu của trường ca đương đại. Cái tôi Trần Anh Thái mang dáng dấp và phẩm tính của nhân vật văn chương hậu hiện đại. Anh quan niệm thế nào về vấn đề này?
TRẢ LỜI: Thật ra đối với người sáng tác khi ngồi trước trang giấy rất ít khi gò bó mình vào một khuôn mẫu, lối viết nào cố định có sẵn. Với tôi, văn học là con người. Viết là đi về phía con người. Là “ Trên đường” đi vào cùng tận cõi lòng, chiều sâu thân phận con người. Như chị đã thấy, trong các trường ca “Đổ bóng xuống mặt trời”, “Trên Đường” hoặc “Ngày đang mở sáng”... đều được thể hiện tổng hợp của nhiều hình thức diễn đạt khác nhau. Khi thì là câu thơ, khi là một giấc mơ, khi là một đoạn văn xuôi,, khi là những đoạn đối thoại ngắn như một đoạn đối thoại của kịch. Nghĩa là, một cách thể hiện đa thanh, đa sắc. Về nội dung, tôi thường viết về chiến tranh. Những năm tháng khốc liệt, chết chóc của cuộc chiến luôn ám ảnh và chi phối tôi trong mọi sáng tác sau này. Tôi cũng không thể hiểu nổi, làm thế nào mà tôi còn có thể sống để trở về và là người cầm bút viết văn như bây giờ... Viết về chiến tranh như chị thấy, người ta thường bày tỏ niềm hân hoan và sự kiêu hãnh và đôi khi là sự háo hức, lạc quan quá đà của người ra trận chỉ biết có xông tới và chiến thắng. Người lính trong các trường ca của tôi khi trở về sau chiến tranh không là những khúc hoan ca mà là “ Giấc ngủ tôi quay vào bóng tối/ Những chiếc gai đinh găm phía đầu giường/Có gì đó như đang vỡ/ Tiếng bom rơi xé rít chân trời... Là em gái tôi khóc đẫm tà nước mắt, là hàng xóm khăn tang đứng nép góc đường. Là ngọn đèn kỳ vặn nhỏ và câu chuyển rầm rì của người làng. Là người chị héo hon đi tìm hài cốt chồng, là giỗ tết đi mua hương hoa về thắp trời không vì không biết ngày tháng anh hy sinh. Là ông Hác thương binh ba lần sinh con ra đều chết yểu. Tấm huy chương của ông Tạng cất vào ba lô thi thoảng lấy ra xem như người ngớ ngẩn, sống dở chết dở điên khùng...Trong trường ca “Ngày đang mở sáng”, chị thấy tôi không chỉ viết về những con người ở “ Phía bên này cuộc chiến” mà còn viết cả những nhân vật ở “ Phía bên kia cuộc chiến”. Viết về thân phận họ, về cái chết của họ và những nỗi bất hạnh, mất mát, đau thương mà những người thân yêu của họ phải gánh chịu. Tôi nhớ không nhầm thì dường như trong các trường ca trước đây rất ít viết về những người “ bên kia cuộc chiến”...Nếu có thì dứt khoát là “ Ta tốt địch xấu” một mô típ khá quen thuộc, một chiều...
Và hơn như thế là sự tôn vinh những con người chân đất giản dị bình thường. Nhưng chính họ chứ không phải “ Ông to bà lớn nào” có khả năng chấm dứt cuộc chiến tranh, đưa đất nước đến thống nhất trọn vẹn. Họ là mặt trời, thậm chí hơn cả mặt trời. Tên họ cao hơn mọi tôn giáo lễ nghi...
Hiện tại anh có tiếp tục viết trường ca?
TRẢ LỜI: Tôi vừa hoàn thành xong một trường ca mới. Trường ca này tôi viết từ năm 2012 nhưng cho đến nay mới hoàn thành. Còn sắp tới nếu còn hứng thú thì viết tiếp, không thì viết văn xuôi. Nghề của tôi là nghề viết mà chị...