Đảm bảo hài hòa lợi ích cho các tôn giáo
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng với pháp lệnh nghị định 92 đã góp phần quản lý tốt nhưng có nhiều vấn đề chưa quản lý được đủ tầm, vì vậy cần có luật để công tác quản lý hiệu quả hơn. “Làm sao để hoạt động tôn giáo phù hợp với người có đạo nhất đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích chung của xã hội”.
Quang cảnh hội nghị.
Ảnh: Hoàng Long
Ngày 4/9, dưới mái nhà chung Mặt trận, Hội nghị tiếp xúc với đại diện lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận do Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam tổ chức đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, cởi mở, qua đó khẳng định tinh thần hoà hợp và đoàn kết giữa các tôn giáo cũng như tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam chủ trì cuộc tiếp xúc.
Trong những năm qua, triết lý nhân sinh “tốt đời đẹp đạo” luôn động viên đồng bào các tôn giáo và nhân dân cả nước trong một mái nhà chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng lòng xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, việc Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam tổ chức các cuộc tiếp xúc với đại diện các lãnh đạo tôn giáo còn có sự tham dự của đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Tôn giáo Chính phủ, các tổ chức đoàn thể, cùng nhiều đại diện thuộc các bộ, ban ngành Trung ương cũng không nằm ngoài mong mỏi được lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của đồng bào có đạo.
Trước đó, ngày 16/8, tại TP Hồ Chí Minh, Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam cũng đã có một cuộc tiếp xúc với đại diện 32 tổ chức tôn giáo và đã ghi nhận rất nhiều ý kiến, kiến nghị sâu sắc.
Và một trong những nội dung được nhiều đại diện tôn giáo tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận quan tâm, dành thời gian góp ý trao đổi tại hội nghị lần này là dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
“Sợ xếp hạng di tích”
Chùa nào linh thiêng nhất Đây là câu hỏi mà Thượng toạ Thích Quảng Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đặt ra. Vì theo Thượng toạ Thích Quảng Hà, hiện nay có một tổ chức đứng ra công nhận “Chùa linh thiêng nhất Việt Nam”. Nghệ An vừa có hai ngôi chùa được tổ chức này công nhận là Chùa linh thiêng nhất Việt Nam. Vậy những chùa còn lại, chưa được công nhận thì không linh thiêng? Theo Thượng toạ Thích Quảng Hà, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cần xem xét, can thiệp và thống nhất trong công tác xếp hạng. Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, phía Giáo hội cần có ý kiến chính thức tổ chức nào công bố danh hiệu này. Mặt trận xin ghi nhận để làm rõ cũng như đảm bảo quyền của Giáo hội giữ gìn uy tín, danh dự của mình. |
Đại diện cho tiếng nói của các tăng ni, Phật tử, Hoà thượng Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Phật giáo là một tôn giáo có truyền thống lâu đời với tinh thần “hộ Quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”.
Trong đó rất nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo có đóng góp quan trọng trong nền văn hoá của Việt Nam. Từ văn hoá vật thể đến văn hoá phi vật thể đã được nhà nước công nhận.
Tuy nhiên, Hoà thượng Thích Gia Quang cũng nêu ra một vấn đề lộn xộn trong việc quản lý và công nhận xếp hạng di tích vì không biết trách nhiệm của ngành Văn hoá, nhà chùa đến đâu. Trong dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo lại chưa đề cập đến vấn đề này.
“Thông qua cuộc tiếp xúc của Mặt trận với các tôn giáo, chúng tôi mong sao có sự phân công trách nhiệm để quản lý, tu bổ nhằm phát huy giá trị văn hoá của các cơ sở di tích. Hiện nay, nhiều chùa không thích xếp hạng di tích nữa vì phải theo những quy định chặt chẽ mà quy định mỗi nơi một kiểu, tuỳ từng địa phương. Điều này là nguyên nhân gây nên những mâu thuẫn giữa nhà chùa và địa phương, cần phải xử lý thoả đáng” - Hoà thượng Thích Gia Quang nhấn mạnh.
Xung quanh câu chuyện “nhà chùa không thích xếp hạng di tích”, đến từ Nam Định, Thượng toạ Thích Quảng Hà - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khẳng định: “Nói thật, chúng tôi sợ xếp hạng di tích”.
Theo Thượng toạ Thích Quảng Hà, trong Phật giáo, chùa nào cũng thờ Phật Thích ca, hầu hết các chùa đều được xếp hạng di tích lịch sử, không quốc gia thì ở địa phương. Tuy nhiên việc xếp hạng di tích chùa làng ở một số địa phương lại không thông qua cơ quan chủ quản là Giáo hội.
Đành rằng, đình là của làng nhưng đã là chùa thì phải thuộc sự quản lý của Giáo hội. Cho nên, Thượng toạ Thích Quảng Hà mong rằng, trong việc xếp hạng, các địa phương nên thông qua Giáo hội không nên tự động xếp hạng.
Khẳng định về công tác quản lý tôn giáo còn nhiều bất cập, nhất là ở các địa phương, Thượng tọa Thích Chiếu Tạng, Phó Trưởng ban Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội lấy ví dụ khi xuống làm việc một huyện ở Hà Nội nhưng có cán bộ không nắm được những văn bản quy định pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Từ thực tế trên Thượng tọa Thích Chiếu Tạng đề nghị nếu bộ luật đi vào cuộc sống phải có những người quản lý tôn giáo hiểu biết về tôn giáo đó. “Đây là một bộ luật nhạy cảm, cần nhiều trí tuệ mới đi hết được những “ngóc ngách” của đời sống nên cần phải có các cán bộ quản lý tôn giáo chuyên nghiệp không nên để ở nơi này nơi khác mỗi địa phương áp dụng một cách” - Thượng tọa Thích Chiếu Tạng khẳng định.
Đọc kinh thánh, nhiều phạm nhân được giác ngộ
Mục sư Vũ Hùng Cường, Quản nhiệm Hội thánh Hải Dương, Hội thánh Tin Lành Việt Nam cho rằng phải làm sao luật dễ nhớ, dễ hiểu nhưng hướng dẫn phải thật chi tiết. Đi vào góp ý cụ thể, ông bày tỏ ủng hộ quy định trong dự luật cho phạm nhân được đọc kinh thánh trong tù. “Đây là một quy định tiến bộ. Có những phạm nhân làm chuyện tàn ác nhưng khi được đọc kinh thánh, họ đã khóc và sau đó có người đã trở thành mục sư” - Mục sư Cường cho biết.
Nguyên Thư ký Hội thánh Tin Lành Hà Nội Công Văn Tụ cũng bày tỏ đây là việc làm cần thiết. Vừa qua công an Hà Nội cũng đã tạo điều kiện để Hội thánh Tin lành Hà Nội vào trại giam trao kinh thánh cho nhiều tội phạm cộm cán. “Sau khi nghe chúng tôi giảng đạo và được đọc kinh thánh, nhiều anh em đã giác ngộ”, ông Tụ chia sẻ.
Tuy nhiên theo ông Tụ trong dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều điều quy định trùng với các điều trong bộ Luật khác đã có nên trong quá trình soạn thảo cần xem xét tránh việc luật trùng với luật.
TS Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo TP Hà Nội cũng cho rằng, còn nhiều khái niệm từ ngữ không chính xác trong dự thảo Luật. Như Điều 2 quy định: Tín đồ tôn giáo là người tin, theo một tôn giáo.
“Tin là trong đầu, không ai biết được, cũng không quản lý được. Nội hàm mà không chính xác thì làm sao xác định được ngoại diên”, TS Phạm Huy Thông khẳng định. Cũng như vậy, theo TS Phạm Huy Thông, không thể phân biệt sinh hoạt tôn giáo với hoạt động tôn giáo. Chỉ có tôn giáo chưa được công nhận và được công nhận chứ không có khái niệm tôn giáo hợp pháp và tôn giáo không hợp pháp.
Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân,
Phó Chủ tịch Lê Bá Trình cùng đại diện các tổ chức tôn giáo tại hội nghị.
Ảnh:Hoàng Long
Loại trừ tệ nạn lãng phí
Ông Bùi Thanh Hà - Phó ban Tôn giáo Chính phủ:Xây dựng Luật để phát huy tốt hơn vai trò của các tôn giáo Trên cơ sở ý kiến các đại biểu, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh sao cho phù hợp hơn. Mục tiêu xây dựng bộ luật là để đảm bảo tốt hơn quyền hoạt động cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo, khắc phục được những điểm hạn chế lâu nay trong thực tế đồng thời đảm bảo phát huy được vai trò, truyền thống của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong đời sống xã hội. |
Lễ sanh Thượng Mai Thanh, Đầu họ đạo Cao Đài Thánh thất thủ đô, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo góp ý thẳng vào tệ nạn lãng phí trong xã hội.
Ông cho rằng, đời sống của đa số nhân dân nhất là ở vùng miền núi, hải đảo còn thiếu thốn. Hiện nay có rất nhiều người không có tiền chữa bệnh, trẻ con còn chưa được đi học đầy đủ, phải bỏ học giữa chừng vì quá nghèo. Nhưng ngược lại, một số cơ quan, một số cán bộ và nhiều người tiêu xài lãng phí. Nhiều người xài tiền ngân sách không biết xót vì cho rằng đấy là của chung.
“Với suy nghĩ như vậy tôi mong rằng MTTQ đóng góp với Đảng, Nhà nước cần có một cuộc vận động chống lãng phí trong cán bộ để họ biết nhận thức xót xa khi tiêu tiền của chính người thân đóng góp”, Lễ sanh Thượng Mai Thanh nói.
Về việc không truyền bá tôn giáo, tiến hành các nghi lễ tôn giáo tại cơ sở giáo dục y tế và bảo trợ xã hội do tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thành lập và quản lý, Lễ sanh Thượng Mai Thanh cho rằng quy định như vậy trong dự thảo Luật là không phù hợp vì những cơ sở này có những nét sinh hoạt mang màu sắc tôn giáo.
“Như cách chào hỏi nhau trong tôn giáo không bắt tay mà chắp tay xá chào nhau, khi ăn cơm hàng ngày thay vì mời người trên tại gia đình thì tôn giáo đọc kinh trước khi ăn hoặc lấy dấu… đó cũng là nghi thức tôn giáo. Đừng hiểu cứ quỳ lạy, cúng lễ mới là nghi thức tôn giáo. Mong ban soạn thảo nghiên cứu thêm về vấn đề này”, Lễ sanh Thượng Mai Thanh đặt vấn đề.
Bên cạnh những ý kiến trao đổi rất thẳng thắn về nhiều vấn đề trong công tác quản lý, hoạt động tôn giáo, nhiều đại biểu tôn giáo chia sẻ những tâm tư rất đời của mình. Như chuyện cả cuộc đời đi tu theo đạo, đến lúc từ trần, lại gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức tang lễ. Có những địa phương có đến 7,8 cuộc họp bàn chuyện tang lễ như thế nào, táng ở đâu.
Theo các đại biểu, Luật cũng cần quy định việc này, cụ thể trong việc từ trần, có được xây tháp, xây mộ phần trong đất của cơ sở tôn giáo hay không. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đây là tâm nguyện rất chính đáng của các vị chức sắc tôn giáo, những người đã nguyện cả cuộc đời đi tu, hành đạo.
Cần có luật để công tác quản lý hiệu quả hơn
Trân trọng những ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sau hai cuộc lắng nghe ở hai miền Nam- Bắc có nhiều ý kiến, đối thoại rất đáng trân trọng, đặc biệt là việc góp ý cho dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
“Chúng ta làm luật để những người dân có đạo vận hành được. Trong trường hợp chưa ra luật mà người dân có ý kiến rồi từ đó điều chỉnh- điều này tốt hơn nghìn lần nếu ra luật mà không nghe dân nói” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, thời gian qua, Ban Tôn giáo các địa phương đã tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo luật. Nhưng nếu để tất cả tôn giáo, đồng bào có đạo đều có ý kiến thì không có điều kiện để làm mà phải có biện pháp thu thập đầy đủ ý kiến cuối cùng chính thức bằng văn bản của 14 tôn giáo, từ đó tập hợp trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.
Trao đổi về việc có hay không nên có luật, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng với pháp lệnh nghị định 92 đã góp phần quản lý tốt nhưng có nhiều vấn đề chưa quản lý được đủ tầm, vì vậy cần có luật để công tác quản lý hiệu quả hơn.
“Làm sao để hoạt động tôn giáo phù hợp với người có đạo nhất đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích chung của xã hội” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.