Phim hình sự trở lại

Nguyễn Thịnh 04/09/2015 22:43

Sau một thời gian vắng bóng, dòng phim truyện hình sự bắt đầu trở lại gây chú ý cho dư luận. Dù đã cố gắng đi sâu lột tả tình tiết, nhưng khán giả vẫn tiếc nuối và kỳ vọng có những bộ phim hình sự Việt mổ xe sâu hơn những mâu thuẫn, xung đột xã hội đương thời chứ không đơn thuần là sự ca ngợi việc đánh án giỏi của công an.

Phim hình sự trở lại

Cảnh phim “Thề không gục ngã”.

Vừa phát sóng tập cuối của bộ phim hình sự “Kẻ giấu mặt”, HTV7 đã tiếp nối ngay một bộ phim hình sự khác có tên là “Thề không gục ngã”.
“Thề không gục ngã” lên sóng từ ngày 2/9, là bộ phim về những sinh hoạt của cộng đồng người Hoa hiện đang sinh sống tại TP HCM.

Những con người chân chất làm ăn, đoàn kết gắn bó kiếm sống, nhưng bên cạnh đó cũng có những kẻ xấu, lợi dụng tính cộng đồng này để làm sai pháp luật Việt Nam. Nhưng với tình đoàn kết, sự đấu tranh với cái ác… những con người Hoa-Việt lương thiện phấn đấu vươn lên vì cuộc sống tốt đẹp ngày mai.

Trước đó, trên kênh truyền hình VTV1 đã phát sóng bộ phim truyện truyền hình “Câu hỏi số 5”, tiếp nối cho loạt phim Cảnh sát hình sự. Bộ phim “Câu hỏi số 5” bắt đầu bằng việc băng đảng tội phạm khét tiếng Thiên Cơ bị triệt phá, ông trùm Quý sa lưới, nhưng tiếp đó lực lượng công an trong phim này phải đối đầu với một vụ án mới có mức độ nghiêm trọng và tinh vi hơn với 4 án mạng liên tiếp xảy ra.

Ngoài ra, kênh An ninh phát sóng lại bộ phim “Những đứa con biệt động Sài Gòn phần 2” với độ dài 35 tập chủ yếu khai thác vào các chuyên án ma túy có thật.

Nhìn vào tần suất xuất hiện phim hình sự Việt trên sóng truyền hình, có thể nói, dòng phim này bắt đầu trở lại chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ. Rất dễ nhận thấy rằng, các nhà làm phim đã nắm bắt ưu thế, đặc trưng của dòng phim hình sự vốn rất thu hút trí tò mò, yêu thích chuyện gay cấn, phiêu lưu… của khán giả.

Với những cảnh hành động ly kỳ, hấp dẫn, với những màn đấu trí giữa mưu lược của những người bảo vệ công lý với sự gian trá, thủ đoạn của giới tội phạm… dòng phim hình sự luôn là món ăn tinh thần được số đông khán giả tìm chọn.

Bên cạnh đó, dòng phim này còn mang ý nghĩa của cuộc chiến chống lại cái ác, cuộc đấu tranh vì sự bình yên, công bằng và chính nghĩa giữa cái thiện và cái ác nên có tính giáo dục cao và hấp dẫn, không khô khan.

Trước những bộ phim này, từng có một số phim hình sự, mô phỏng những câu chuyện có thật, những nguyên mẫu có thật trong thực tế, như: “Bạch Hải Đường”, “Người không mang họ”, “Lời sám hối muộn màng” “Chạy án”, “Những đứa con biệt động Sài Gòn”…

Đây là những bộ phim có chất lượng cao, từ kịch bản cho đến diễn xuất, bởi chúng đều được bắt nguồn từ chất liệu của đời sống, không phải chỉ là sự sáng tạo của tác giả nên có sức sóng và sự lay động, ám ảnh khán giả.

Song, bên cạnh một số bộ phim sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn khán giả bởi những câu chuyện hay, những cảnh phim được đầu tư công phu và ly kỳ… nếu đòi hỏi khắt khe hơn, thì nhìn vào chất lượng của một số phim hình sự, vẫn chỉ mang tính ca ngợi những cuộc phá án, đánh án của lực lượng công an mà chưa đi sâu vào khai thác những xung đột, mâu thuẫn để nảy sinh cái ác, nảy sinh tội phạm… trong xã hội hiện tại. Từ đó tìm cách lý giải nó, lý giải nguyên nhân làm nảy sinh cái ác, nảy sinh tội phạm trong xã hội là từ đâu?

Thiếu những bộ phim thực sự mang đậm hơi thở của đời sống, chỉ có sự sáng tạo, tưởng tượng của tác giả mà không có những phân tích, lý giải về mặt tâm lý, nguyên nhân khiến nảy sinh tội ác của nhân vật; cũng thế, thiếu những nhân vật chính diện có chiều sâu tâm lý và bề dày thân phận để làm đối trọng cho nhân vật phản diện trong phim… thì bộ phim đó dẫu hay cũng chỉ dừng ở sự giải trí cho công chúng, chưa đạt tới tầm nghệ thuật giáo dục được.

Nguyễn Thịnh