Hà Nội tăng cường thanh tra công vụ

Lục Bình (ghi) 06/09/2015 06:05

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn về công tác đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) với Đại Đoàn Kết. Ông Sơn cho biết, dù đã có nhiều cải thiện sau những nỗ lực cải cách, nhưng “điểm trũng” về chất lượng của cán bộ công chức (CBCC) cần nhanh chóng cải thiện trong thời gian tới, hướng tới nền hành chính phục vụ thực sự.

Ông Lê Hồng Sơn.

“Được mùa” nhờ nỗ lực cải cách hành chính

Nối về lý do “được mùa” của Hà Nội trong xếp hạng CCHC kể cả trong PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) lẫn ParIndex(chỉ số CCHC), Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết: Để có hiệu quả ngay sau một thời gian ngắn đẩy mạnh CCHC thì rất khó. Tuy nhiên, sau những nỗ lực của chính quyền Thủ đô, CCHC những năm gần đây đã có chuyển biến tích cực. Từ nhiều năm, Hà Nội coi CCHC là yêu cầu khách quan, nhu cầu nội tại của mỗi cơ quan đơn vị.

Bởi, nếu không cải cách, hiệu quả công việc không cao, năng suất thấp, theo đó khó thu hút được đầu tư. Hà Nội đã liên tục rà soát những điểm trũng, tìm giải pháp căn cơ để khắc phục, có lẽ vì lẽ đó đã đạt được những hiệu quả nhất định. Việc Hà Nội vươn lên đứng thứ 3 trong 63 tỉnh thành về chỉ số CCHC mới được Bộ Nội vụ công bố cũng như tăng thêm 7 bậc PCI năm 2014 đã minh chứng cho những nỗ lực của Hà Nội.

Theo ông Sơn, công tác CCHC trong những năm qua được Thành ủy, HĐND, UBND các đoàn thể của Thủ đô đặc biệt quan tâm. Toàn bộ hệ thống chính trị của Hà Nội đã vào cuộc một cách hiệu quả. Từ việc Thành ủy Hà Nội ban hành những chủ trương chỉ đạo công tác CCHC đến UBND triển khai nhiều giải pháp tăng cường sự chỉ đạo điều hành khá bài bản.

Đặc biệt việc rút kinh nghiệm về CCHC từ những lần công bố chỉ số liên quan đến CCHC trước, Hà Nội đã rà soát đánh giá lại lĩnh vực, tiêu chí chưa hoàn thiện để có chỉ đạo điều hành tập trung quyết liệt đồng bộ hơn. Đó là lý do khiến Hà Nội đã lên hạng trong năm nay.

Hà Nội đứng thứ 3/53 tỉnh thành trong bảng tổng sắp về CCHC, điều này đòi hỏi Hà Nội phải tiếp tục duy trì, phát huy nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc. Đặc biệt phải liên tục khắc phục khó khăn, yếu kém để phục vụ tốt hơn, dân hài lòng hơn, đó là mục tiêu chính trong những năm tới.

Cán bộ là khâu then chốt

Trả lời câu hỏi thời gian tới Hà Nội sẽ làm gì để hướng tới nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và DN là mục tiêu phấn đấu? ông Sơn cho biết: Thứ hạng trong bản tổng sắp của chỉ số CCHC đã phân hóa rất rõ bộ, ngành, địa phương nào thực hiện công tác CCHC tốt hơn.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất không phải là thứ hạng mà sự hài long người dân, chất lượng phục vụ được người dân, DN đánh giá, ghi nhận mới là thước đo quan trọng nhất. CCHC làm sao để rút ngắn thời gian người dân đến cơ quan công quyền, cắt giảm chi phí tuân thủ; sao cho thu hút được đầu tư qua đó nâng cao cuộc sống người dân đấy mới là đích đến của CCHC, ông Sơn khẳng định.

Vì vậy, thời gian tới Hà Nội triển khai nhiều giải pháp, trước hết tập trung chỉ đao xóa những vùng “trũng” về CCHC.Theo đó sẽ ban hành sửa đổi, đổi mới cơ chế chính sách để phát huy hết tiềm năng thế mạnh của Thủ đô, tổ chức thực thi tốt chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước trên địa bàn.

Đặc biệt, xây dựng nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ CBCC Thủ đô. Đây là những lĩnh vực dù Hà Nội được xếp thứ hạng cao nhưng so với nhóm lĩnh vực khác còn thấp hơn.

Đồng thời, tiếp tục đưa ra sáng kiến CCHC, đặc biệt những sáng kiến mang tính đột phá tạo sự chuyển biến tích cực. Theo ông Sơn, hiện Hà Nội đang thí điểm cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 trong nhiều lĩnh vực; thí điểm đề án cung cấp dịch vụ công bằng mô hình một cửa, một cửa liên thông để có lợi cho dân rút ngắn thời gian, chi phí tuân thủ TTHC. Ông Sơn tin rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng của chính quyền cũng như sự đồng thuận của nhân dân, công tác CCHC của Hà Nội đạt được kết quả như yêu cầu nhiệm vụ để ra.

Nói rõ về công tác nâng cao chất lượng CBCC trong thời gian tới, ông Sơn khẳng định, đây là khâu chốt của then chốt. Thời gian qua Hà Nội đã quan tâm, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng cán bộ. Do đó đã có đổi mới thi tuyển công chức thông qua thi trên máy tính đẻ bảo đảm khách quan, chính xác, Việc đào tạo, bồi dưỡng CBCC về lý luận lẫn chuyên môn nghiệp vụ nhất là tinh thần thái độ phục vụ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là kỉ luật, kỉ cương hành chính phải được giữ vững. CBCC phải có thái độ phục vụ đúng mực với nhân dân. Muốn biết cán bộ có phục vụ dân tốt hơn phải tăng cường thanh kiểm tra, giám sát công vụ. Đây là một trong những công cụ quản lý nhà nước quan trọng. Bởi tăng cường thanh kiểm tra định kỳ lẫn đột xuất sẽ phát hiện những điểm còn thiếu sót, chấn chỉnh uốn nắn kịp thời.

“Chúng tôi cũng ý thức rằng việc nâng cao chất lượng cán bộ, nhất là thái độ phục vụ là việc không dễ. Tuy nhiên, thủ tục dù tinh gọn đến mấy nhưng tắc ở khâu cán bộ cũng sẽ là vô nghĩa. Vì vậy, nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ sẽ phải làm thường xuyên, quyết liệt mới có hiệu quả”, ông Sơn nói.

Lục Bình (ghi)