Mặt trận là mái nhà chung để các tôn giáo cùng phát triển
Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận kiến nghị của Thượng tọa Thích Thanh Quyết về việc Mặt trận nên thành lập Hội đồng hoặc Ủy ban Đoàn kết các tôn giáo. “Mặt trận vẫn luôn là mái nhà chung của các tôn giáo để các tôn giáo cùng phát triển”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết.
Ảnh: Hoàng Long
“Qua việc thường xuyên tiếp xúc, tăng cường đối thoại, lắng nghe, trao đổi, tiếp thu ý kiến của các tôn giáo về thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật nói chung và đối với tôn giáo nói riêng, Mặt trận làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân với tôn giáo, giúp cho việc giải quyết các nhu cầu hợp pháp, chính đáng của các tôn giáo một cách hiệu quả” đó là những chia sẻ của Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh tại Hội nghị tiếp xúc với đại diện lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận do Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam vừa tổ chức cuối tuần qua.
Thành lập Hội đồng hoặc Ủy ban Đoàn kết các tôn giáo
Hoan nghênh sáng kiến của Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân, của các tôn giáo, Thượng tọa Thích Thanh Quyết đề nghị Mặt trận cần duy trì định kỳ 3 tháng, 6 tháng tổ chức Hội nghị tiếp xúc và thời gian tới cần mở rộng thêm với việc tiếp xúc theo chuyên đề để trên cơ sở đó Mặt trận làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân với tôn giáo, giúp cho việc giải quyết các nhu cầu hợp pháp, chính đáng của các tôn giáo.
Khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngay từ khi ra đời đã là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam và từ đó đến nay mọi hoạt động của Giáo hội và Mặt trận đều có sự phối hợp, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau rất hiệu quả, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng để hoạt động phối hợp giữa hai bên được tốt hơn, hiệu quả hơn Ban Thường trực Ủy ban TW MTTQ Việt Nam cùng Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng bàn bạc, trao đổi để xây dựng Chương trình phối hợp giữa hai bên về vận động, phát huy vai trò của Phật giáo Việt Nam tham gia phát triển cộng đồng, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mở rộng đối ngoại nhân dân Phật giáo...
Tại Hội nghị, GSTS Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam đã trao đổi xung quanh đề nghị của Thượng tọa Thích Thanh Quyết về việc Mặt trận nên nghiên cứu, kiến nghị Đảng, Nhà nước thành lập Hội đồng hoặc Ủy ban Đoàn kết các tôn giáo trực thuộc MTTQ Việt Nam. Theo Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, về kiến nghị này, Mặt trận sẽ tham khảo ý kiến của các tôn giáo khác xem có nhu cầu này không. “Mặt trận vẫn luôn là mái nhà chung của các tôn giáo để các tôn giáo cùng phát triển”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. |
Đối với vấn đề mở rộng đối ngoại nhân dân Phật giáo, Ủy ban TW MTTQ Việt Nam cùng Giáo hội bàn bạc, phối hợp vừa triển khai đối ngoại nhân dân vừa tăng cường vận động tăng ni, phật tử là người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, trước mắt là ở các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...
Hay như để tăng cường đoàn kết tôn giáo vào các ngày lễ trọng của tôn giáo hàng năm, Mặt trận nên chủ trì tổ chức Đoàn đại biểu của các tôn giáo cùng đại diện một số tổ chức thành viên của Mặt trận đi thăm hỏi, chúc mừng các tổ chức tôn giáo bạn. Đây là truyền thống đoàn kết, gắn bó, chia sẻ của người Việt Nam cần được nhân rộng, phát huy.
“Mặt trận nên nghiên cứu, kiến nghị Đảng, Nhà nước thành lập Hội đồng hoặc Ủy ban Đoàn kết các tôn giáo, do Mặt trận chủ trì, thành phần tham gia có đại diện lãnh đạo của tất cả các tổ chức tôn giáo đã được công nhận và một số chuyên gia giỏi về chính sách và công tác tôn giáo. Định kỳ, Hội đồng họp phản ánh, bàn bạc, trao đổi, đối thoại với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về các vấn đề có liên quan đến chính sách, luật pháp tôn giáo và những việc phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách tôn giáo qua đó tăng cường đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, giúp cho Đảng, Nhà nước, Mặt trận kịp thời nắm bắt đầy đủ tâm tư nguyện vọng, ý kiến của các tôn giáo, đồng thời cũng giúp các tôn giáo hiểu đúng và nắm bắt kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam”, Thương tọa Thích Thanh Quyết đặt vấn đề.
Phát huy sức mạnh mềm của các tôn giáo
Đối với các chính sách pháp luật hiện hành về tôn giáo, Thượng tọa Thích Thanh Quyết đề nghị Mặt trận kiến nghị Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật hiện hành về tôn giáo cần có những nội dung quy định cụ thể để quản lý và phát huy được những giá trị tốt đẹp trong tôn giáo truyền thống của dân tộc.
Cùng với đó hệ thống luật pháp cũng cần sớm bổ sung các quy định cụ thể, rõ ràng về vấn đề pháp nhân tôn giáo. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các tổ chức tôn giáo hợp pháp trong đời sống xã hội, là điều kiện để phát huy tốt vai trò và sức mạnh mềm của các tôn giáo tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia ứng phó với các vấn đề có tính chất toàn cầu như xoá đói giảm nghèo, đoàn kết và ổn định xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, mở rộng và tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân các nước…
Đối với dự thảo lần thứ 5 dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho rằng mặc dù có nhiều đổi mới theo hướng tiến bộ và cởi mở hơn, tuy nhiên các quy định thể hiện sự bảo hộ và đảm bảo của Nhà nước đối quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, trong đó có người nước ngoài đang làm ăn, sinh sống ở Việt Nam và các quy định theo hướng khuyến khích, phát huy các giá trị tốt đẹp của tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng còn khiêm tốn.
Đối với tên gọi của Luật, Thượng tọa Thích Thanh Quyết đề nghị tên gọi của Luật là Luật về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, vì bản thân tín ngưỡng, tôn giáo là vấn đề rất rộng, trừu tượng và bao hàm cả ý niệm tâm linh của mỗi cá nhân mà luật pháp không thể can thiệp. Song Nhà nước cần và rất cần phải quy định và luật pháp quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Về việc Tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài (điều 44) cần bổ sung thêm quy định “Nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc của Việt Nam tham gia phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ, chức sắc là người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài” qua đó góp phần phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo Việt Nam tham gia tập hợp, đoàn kết người Việt Nam có tín ngưỡng tôn giáo đang sinh sống ở nước ngoài, thượng tọa Thích Thanh Quyết nêu ý kiến.
Đối với quy định về Hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (Điều 47), theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết trong dự thảo Luật không có quy định cụ thể mà dẫn chiếu “theo các quy định của pháp luật có liên quan” là thiếu tính minh bạch, dễ tùy tiện khi thực hiện. Do đó nên dẫn chiếu cụ thể nguồn hoặc xác định các quy phạm trực tiếp.
Cùng với đó trong dự án Luật cần tăng cường thêm các điều khoản quy định cụ thể việc Nhà nước bảo hộ và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; đồng thời bổ sung thêm các điều quy định việc khuyến khích và phát huy đối với các giá trị tốt đẹp của tôn giáo trong các hoạt động an sinh xã hội, phát triển cộng đồng, chống bá quyền, bạo lực, chiến tranh, bảo vệ môi trường, tăng cường đối ngoại nhân dân tôn giáo...