Xuất khẩu thủy sản: Cơ hội bứt phá

Nhật Minh 06/09/2015 23:41

So với tháng 7, tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản không sáng sủa hơn, kim ngạch xuất khẩu vẫn sụt giảm. Riêng ngành thủy sản, xuất khẩu tôm năm nay gặp nhiều khó khăn, kéo theo sự sụt giảm của toàn ngành. Nhưng người ta vẫn hy vọng cuối năm mới là thời điểm diễn ra nhiều dịp lễ, tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân các nước trên thế giới sẽ gia tăng.

Xuất khẩu thủy sản: Cơ hội bứt phá

Xuất khẩu thủy sản hy vọng vào thời điểm cuối năm. Ảnh:TL.

Sụt giảm 8 tháng đầu năm

Theo Bộ NN&PTNT, tháng 8/2015, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiếp tục gặp khó khăn, giá trị xuất khẩu ước đạt 2,4 tỷ USD, giảm 285,7 triệu USD (-10,7%) so với tháng 7/2015 và giảm 95 triệu USD (-3,8%) so với tháng 8-2014. Riêng đối với ngành thủy sản, chỉ tính riêng tháng 8, xuất khẩu của ngành này đạt kim ngạch 554 triệu USD ( giảm 7,1%) so với tháng 7-2015.

Bộ NN&PTNT đánh giá, hầu hết các mặt hàng nông sản chính đều có khối lượng xuất khẩu giảm so với tháng 7. Duy chỉ có ngành rau quả là có sự gia tăng vượt trội. Tính chung 8 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt trên 9,2 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng xuất khẩu thủy sản đạt gần 4,13 tỷ USD, giảm tới 17,5% so với cùng kỳ 2014.

Những con số nói trên cho thấy, xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu thủy sản nói riêng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trong tháng 8. Đặc biệt, xuất khẩu tôm 8 tháng đầu năm sụt giảm nặng, sức mua tại các thị trường trên thế giới yếu, trong đó, thị trường Trung Quốc có thời điểm ngừng nhập khẩu tôm sú của Việt Nam khiến cho xuất khẩu tôm trong thời gian qua thực sự bấp bênh.

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, xuất khẩu tôm 8 tháng đầu năm giảm tới 17% kéo theo xuất khẩu toàn ngành thủy sản sụt giảm rõ rệt.

Xuất khẩu thủy sản: Cơ hội bứt phá - 1

Nỗ lực tìm giải pháp bứt phá

Xuất khẩu tôm sang Mỹ
có thể giảm 40%

VASEP dự báo nửa cuối năm 2015, xuất tôm sang Mỹ đạt 375 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2014, đưa tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ cả năm đạt 638 triệu USD, giảm 40% so với năm 2014. Đồng USD tăng giá mạnh khiến cho áp lực cạnh tranh tại đây rất lớn, các nước đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ khiến giá nhập khẩu bị ép giảm. Tôm Việt Nam khó cạnh tranh với tôm của Ấn Độ và Indonesia khi giá trung bình cao hơn 1-2 USD/kg. Sáu tháng đầu năm, giá tôm Việt Nam xuất sang Mỹ trung bình là gần 12 USD/kg, trong khi tôm Ấn Độ chỉ 10,2 USD/kg, tôm Indonesia 10,3 USD/kg.

V.Ly

Bộ NN&PTNT vẫn đang nỗ lực đưa ra những giải pháp để cải thiện tình hình xuất khẩu thủy sản. Hàng loạt các cuộc hội thảo, hội nghị đã được tổ chức trong suốt thời gian qua không nhằm ngoài mục đích tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu của ngành này.

Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), ngoài một nguyên nhân quan trọng khiến xuất khẩu tôm sụt giảm trong thời gian qua, là do một thời gian dài, đồng tiền Việt Nam bị “neo” theo đồng USD, trong khi đó các đồng tiền khác giảm giá khiến con tôm Việt Nam không cạnh tranh được với các nước.

Sự tăng giá đột biến của đồng USD so với nhiều đồng tiền khác tại các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam (Nhật Bản, EU…) đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN ngành thủy sản: xuất khẩu sụt giảm, lợi nhuận giảm, nhiều DN lỗ.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT), thông thường các năm, nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng thủy sản của người dân tại các thị trường quốc tế hầu như trầm lắng trong giai đoạn từ đầu năm đến tháng 8, tháng 9. Và 3 tháng cuối năm mới là giai đoạn nhu cầu gia tăng.

Bởi vậy, theo quy luật, cuối năm nay, xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng là sẽ có sự bứt phá. Để cải thiện tình hình xuất khẩu thủy sản, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, ông Tiệp cho rằng, cần phải nỗ lực trong việc tìm kiếm thị trường mới, mở cửa thêm nhiều thị trường khác nhau.

“Việc chúng ta đang tiến hành đàm phán và tiến tới ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) là cơ hội lớn để các DN ngành thủy sản có thể mở thêm nhiều thị trường mới, tìm kiếm các thị trường tiềm năng".

Ở một khía cạnh khác, vấn đề về chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các thị trường thế giới.

Bởi vậy, giới chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, các DN thủy sản muốn giữ vững được trên thị trường quốc tế và cả thị trường nội địa, việc cần làm của họ luôn là giữ chữ tín bằng cách duy trì được chất lượng, đảm bảo an toàn cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, đối với cả thị trường quốc tế cũng như thị trường nội địa, yếu tố chất lượng cần phải được các DN xuất khẩu thủy sản đặt lên hàng đầu.

“Chúng ta đang tiến hành ký kết nhiều FTA, và các DN Việt Nam thừa hiểu rằng, đối với thị trường quốc tế, vấn đề về chất lượng, kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được các nước quan tâm đầu tiên và đưa ra những quy định vô cùng chặt chẽ, nghiêm ngặt. Bởi vậy, DN Việt muốn đứng vững, luôn phải tuân thủ nghiêm các quy định đó. Có như vậy, họ mới giữ được chữ tín và có thể duy trì được lâu dài” – ông Nam nêu quan điểm.

Nhật Minh