Thiếu từ quà lưu niệm đến sản phẩm du lịch
Vắng sản phẩm du lịch đặc thù đã đành, nhưng du lịch Việt hiện cũng thiếu cả quà lưu niệm “made in Việt Nam” thứ thiệt. Nếu như quà lưu niệm cho khách du lịch từ lâu đã trở thành nguồn lợi nhuận không nhỏ cho ngành du lịch của nhiều quốc gia thì Việt Nam vẫn đang loay hoay...
Dù phong cảnh tươi đẹp, vùng Tây bắc vẫn chưa thu hút du khách.
Dự án Chương trình phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh Châu Âu tài trợ (Dự án EU-ESRT) vừa tổ chức tổng kết các hoạt động tại 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu, Sơn La và Phú Thọ) giai đoạn 2011-2015. Theo đánh giá, sau 5 năm việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù ở các địa phương nói trên vẫn là một thách thức lớn.
Từ câu chuyện sản phẩm du lịch, nhìn rộng ra, hiện tại việc tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù ở mỗi vùng miền cũng như tạo ra nét riêng cho quà lưu niệm cũng là một vấn đề của du lịch Việt.
Vắng sản phẩm du lịch đặc thù
Sản phẩm du lịch là toàn bộ những dịch vụ tạo ra các hàng hóa văn hóa mang tính đặc thù, chứa đựng những giá trị văn hóa đặc trưng bản địa; đáp ứng và làm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Hiểu theo cách đó thì sản phẩm du lịch đặc thù là sản phẩm gắn liền với đặc trưng của mỗi vùng miền.
Đơn cử như mưa Huế. Từ tháng 10/2012, tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa vào khai thác sản phẩm du lịch trong mưa Huế (du lịch vào mùa mưa). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Năm du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012. T
rước đó, ý tưởng khai thác “Mưa Huế” như một sản phẩm du lịch đặc trưng đã được đưa ra tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu du lịch Huế” vào tháng 2-2011. Mưa trở thành một đặc điểm của Huế, là nhân tố góp phần hình thành nên nhiều giá trị văn hóa cốt lõi của xứ Huế, từ ẩm thực đến âm nhạc. Do đó, việc biến mưa trở thành sản phẩm du lịch là một ý tưởng thú vị nhằm khai thác những giá trị đặc trưng của xứ Huế.
Nhà nghiên cứu văn hoá Huế Hồ Tấn Phan nhìn mưa Huế qua nét ẩm thực, cho rằng nhìn vào khối lượng của những ấm, chén, khay trà, dụng cụ hỏa thực... từ triều đình đến người dân xứ Huế đủ thấy sự hình thành khá rõ nét một phong cách riêng phù hợp với điều kiện mưa dầm gió lạnh triền miên của vùng đất này. Rõ ràng, ý tưởng đưa “Mưa Huế,” từ những bất lợi về mặt thời tiết thành sản phẩm du lịch được coi là sự sáng tạo- dù nhỏ nhưng ý nghĩa.
Tất nhiên, ngoài mưa, Huế cũng đã có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù khác nhằm tạo ra sự khác biệt, tạo thương hiệu riêng, bao gồm: Nhóm sản phẩm thông qua các hoạt động trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá, tìm hiểu của du khách. Tài nguyên chính là những giá trị độc đáo của di sản, văn hóa triều Nguyễn, của vùng văn hóa Huế; di sản và văn hóa làng cổ Phước Tích, kiến trúc đặc sắc của chùa cổ, làng cổ; di sản và văn hóa Chăm ở Huế…
Nhưng không phải địa phương nào cũng biến được những giá trị văn hóa đặc thù, hoặc thế mạnh riêng thành sản phẩm du lịch đặc thù. Ở những địa phương được hưởng lợi từ Dự án EU-ESRT suốt 5 năm qua, các chuyên gia của dự án đã đánh giá: 8 tỉnh đã xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo và khác biệt như: tỉnh Điện Biên xây dựng quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang - Mường Phăng; tỉnh Phú Thọ tổ chức chương trình Hát xoan làng cổ trong dịp giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội đền Hùng ...
Nhưng các vấn đề liên quan đến phát triển sản phẩm du lịch, tiếp thị và xúc tiến du lịch vẫn là những thách thức lớn.
Thiếu quà lưu niệm “made in Việt Nam”
Vắng sản phẩm du lịch đặc thù đã đành, nhưng du lịch Việt hiện cũng thiếu cả quà lưu niệm “made in Việt Nam” thứ thiệt. Nếu như quà lưu niệm cho khách du lịch từ lâu đã trở thành nguồn lợi nhuận không nhỏ cho ngành du lịch của nhiều quốc gia thì Việt Nam vẫn đang loay hoay với việc tìm sản phẩm lưu niệm đặc trưng riêng của mình.
Trên thực tế, số tiền mà khách quốc tế chi tiêu tại Việt Nam vẫn còn quá thấp, thậm chí tính đến yếu tố trượt giá qua từng năm thì chi tiêu của du khách ngày càng giảm. Hầu hết các chuyên gia du lịch đều cho rằng, một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do sản phẩm lưu niệm của Việt Nam còn quá nghèo nàn và thiếu đặc trưng riêng nên không kích thích được du khách mua sắm.
Trong khi đó, dù Việt Nam là một đất nước giàu bản sắc văn hóa và sở hữu nhiều làng nghề, song để tìm một sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn riêng của Việt Nam quả thật không có nhiều lựa chọn. Đơn cử ngay tại Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến với hơn 1000 làng nghề thủ công truyền thống nhưng cũng chưa tìm ra được sản phẩm lưu niệm dành cho khách du lịch đặc trưng nhất và phù hợp với khách du lịch.
Việc chậm trễ xác định quà lưu niệm đặc trưng tại các điểm đến ở địa phương rõ ràng không chỉ làm cho ngành du lịch mất đi nguồn ngoại tệ không nhỏ mà còn bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước. Nhưng theo lãnh đạo ngành du lịch, việc đa số các địa phương còn lúng túng với câu chuyện về quà lưu niệm không phải là trách nhiệm riêng của ngành du lịch hay ngành Công thương mà còn của Hiệp hội làng nghề, Sở NN&PTNN, cùng các ngành liên quan khác.
Người viết bài này đã mua được một chiếc bút máy được làm từ thân tre ở một cửa hàng lưu niệm tại phố cổ Hà Nội. Thật mừng vì nghĩ đó là quà lưu niệm thuần Việt. Nhưng nhìn kỹ phía trong thân bút có những dòng chữ “made in China”. Thật buồn, bởi mối băn khoăn về món quà lưu niệm gắn liền với du lịch Việt vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải suốt nhiều năm qua.