Manchester United: Được yêu nhiều nhưng ghét không ít
Ở thời điểm hiện tại, Manchester United (M.U) vẫn là CLB có số lượng người hâm mộ nhiều nhất trên thế giới và Brand Finance (tổ chức chuyên đánh giá giá trị thương hiệu) đã tiếp tục xếp United ở vị trí thương hiệu bóng đá đắt giá nhất toàn cầu năm 2015…
Manchester United vẫn đang là thương hiệu số 1.
Thế nhưng, khi tờ The Mirror (Anh) mới đây đã khảo sát lấy ý kiến độc giả với câu hỏi: “Theo bạn, đội bóng nào bị ghét nhất tại giải ngoại hạng Anh?”. Câu trả lời rất bất ngờ khi chính là… M.U. Đội bóng tự hào rằng họ được hâm mộ nhất thế giới lại chính là đội bị ghét nhất ở quê nhà.
Trên thực tế, đây là kết quả không quá bất ngờ bởi trong những năm qua, MU đều dẫn đầu trong danh sách “bị ghét” ở Premier League, bất chấp việc họ đang là CLB đang có số lượng CĐV nhiều nhất trên thế giới. MU là thương hiệu đắt giá nhất thế giới, được Brand Finance đưa ra dựa trên cơ sở tính toán phân tích hiệu quả đầu tư tiếp thị, hiệu quả kinh doanh và vốn chủ sở hữu thương hiệu...
Nhưng những điều tra của Mirror, đã cho thấy M.U là đội bóng bị ghét nhất tại nước Anh và nó hoàn toàn trái ngược với số lượng fan hâm mộ họ bên ngoài xứ sở sương mù. M.U hiện là CĐV có lượng CĐV đông đảo nhất thế giới, lên tới 650 triệu người. Man United bị ghét, hoặc nói thẳng theo ngôn ngữ của người trẻ là “GATO” bởi họ… quá giỏi hay nói cách khác quá nổi tiếng và việc MU bị ghét ở trong nước là điều quá bình thường.
Họ bị ghét bởi tại giải ngoại hạng Anh, còn có những người yêu Arsenal, Manchester City, Liverpool, Chelsea. Tình yêu riêng với CLB của mình, cũng hệt như sự ghét bỏ của bất cứ CĐV nào. Cũng như những người yêu Man United thì yêu hết mình. Còn những người ghét bỏ Quỷ đỏ, đơn giản là họ đã dành tình yêu cho CLB của mình trong trái tim.
Thời còn tại vị, Sir Alex Ferguson làm được những việc vĩ đại cho CLB mà không đồng nghiệp nào nghĩ tới và để theo được, có được thành công như vậy thì ngay cả bây giờ cũng là thách thức lớn với họ. Sau triều đại của Sir Alex Ferguson, M.U đã trải qua 2 mùa lao đao, thành tích suy giảm rõ rệt, nhưng họ vẫn cứ là một tên tuổi lớn.
Ở mùa giải 2013-2014 thảm họa dưới tay HLV David Moyes, M.U không giành quyền dự cúp châu Âu những vẫn kết thúc mùa giải với khoản lãi hơn 110 triệu bảng. Đến cuối mùa trước, khi M.U tiếp tục không có danh hiệu, hãng tư vấn tài chính nổi tiếng Brand Finance đã thông báo, M.U chính là câu lạc bộ đầu tiên trong lịch sử có giá trị vượt mốc 1 tỷ bảng.
Hai mùa không giành nổi danh hiệu nào, thậm chí phá hàng loạt “kỷ lục” đáng xấu hổ về số trận thua hay số bàn thua. Nhưng điều đó vẫn không ngăn cản được sự phát triển của thương hiệu hàng đầu mang tên M.U. Bản hợp đồng tài trợ trị giá 750 triệu bảng với Adidas mang về cho M.U một khoản tiền quá “khủng”.
Vốn đã giàu, M.U sẽ còn giàu hơn nữa nhờ hai hợp đồng tài trợ của Chevrolet (ký hợp đồng tài trợ 7 năm với tổng trị giá 357 triệu bảng) và Adidas… Các đối tác của MU đến lúc này đã lên đến con số 17 và nó đưa MU trở thành thương hiệu thu hút, ăn khách nhất trong số các CLB bóng đá trên thế giới.
Ở mùa giải này, M.U đang có những dấu hiệu dần hồi sinh dù rằng các fan của họ vẫn chưa hài lòng hoàn toàn về lối chơi và nhất là những thương vụ chuyển nhượng vừa qua. Cùng với đó, nỗi lo M.U dần đánh mất bản sắc khi chiêu mộ nhiều hảo thủ và gạt bỏ những tài năng trẻ cũng khiến fan của họ không khỏi lo lắng. Họ lo lắng khi cả 2 HLV kế nhiệm Sir Alex đã mắc những sai lầm nghiêm trọng.
Với David Moyes, nguyên nhân thất bại của HLV này là do đã loại bỏ toàn bộ các thành viên trong BHL cũ như Mike Phelan, Rene Meulensteen, Eric Steele… Còn lúc này, Van Gaal đang bị đánh giá là sai lầm qua những thương vụ chuyển nhượng vội vàng và khoản tiền mua sắm quá lớn trong 2 năm qua và nó đang tạo nên sức ép vô hình với cựu thuyền trưởng ĐT Hà Lan.
M.U vẫn luôn hãnh diện với chất lượng từ các cầu thủ “cây nhà lá vườn” của mình. Đó là bản sắc của CLB này, từ “Những đứa trẻ của Busby”, đến “Thế hệ 1992” lừng danh của Sir Alex Ferguson.
Lúc này khả năng đua tranh ngôi vô địch của M.U bị đe dọa bởi các đối thủ quen thuộc như Chelsea, M.C, Arsenal hay Liverpool. Nhưng trên thị trường, M.U vẫn vô đối từ khi bóng còn chưa lăn. Nhưng theo nghiên cứu của tiến sĩ Tom Markhan, một người rất am hiểu về giá trị thị trường của các đội bóng Anh, M.U vẫn đang là câu lạc bộ giàu nhất của giải ngoại hạng Anh với khoảng 1,85 tỷ bảng, bỏ xa đội kế tiếp là Arsenal (1,1 tỷ bảng).
MU bị ghét, bị ghen tị vì… họ quá giỏi. Theo kết quả khảo sát của The Mirror, trung bình cứ 100 người được hỏi thì có tới 68 người “khó chịu” với M.U. Con số này cao hơn 3 người so đội xếp thứ hai là Chelsea.
Việc Chelsea không được lòng cổ động viên (CĐV) thì có thể dễ dàng giải thích là do họ sở hữu huấn luyện viên (HLV) thích gây tranh cãi Jose Mourinho kèm theo lối chơi quá chặt chẽ đến mức thực dụng. M.U thì ngược lại, bất kể khi thành công hay thất bại, họ vẫn luôn nỗ lực hướng tới lối chơi đẹp mắt, cống hiến. Chính vì thế, lượng CĐV yêu mến M.U trên toàn thế giới là rất lớn.
Thậm chí, tại Việt Nam, khi Manchester City (M.C) du đấu vào cuối tháng 7 vừa qua, không ít người hâm mộ đã chia sẻ khi nói đến giá vé: Nếu đây là M.U thì vé có đắt gấp 3 lần mức giá này sẽ vẫn mua để vào sân xem “Quỷ đỏ” chơi bóng.
Việc M.U bị ghét ngay trên “sân nhà” có thể được lý giải bằng nguyên nhân ban đầu tưởng như bất ngờ, nhưng thực tế lại rất dễ hiểu. M.U ở thời điểm nào cũng giữ được sự kiêu hãnh và tư cách “bề trên” như thế, họ không bị các CĐV đối phương ghét mới là chuyện lạ.