Góp ý phương thức đổi mới Thừa phát lại
Ngay tên gọi “Thừa phát lại” cũng rất khó hiểu, cần nghiên cứu để đặt tên cho phù hợp với nội dung công việc của nó. Có thể thay bằng cụm từ “Văn phòng hỗ trợ Tư pháp và Hỗ trợ viên Tư pháp” thì dễ hiểu hơn cụm từ Thừa phát lại.
Ngày 2/6/2005 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2010. Ngày 24/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và thực hiện thí điểm tại một số tỉnh và thành phố. Ngày 23/11/2012, Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thí điểm chế định thừa phát lại. Ngày 18/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Cho đến nay vẫn chưa có Luật, mới có Nghị định của Chính phủ để điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
Theo định nghĩa đã được nêu ra trong các văn bản hướng dẫn thì Thừa phát lại được hiểu là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự bao gồm: “Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự; Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án”.
Việc giải thích nêu trên có phần rối rắm, đặc biệt là về mối quan hệ giữa thừa phát lại với cơ quan thi hành án. Trong xét xử mới có các bên đương sự là nguyên đơn và bị đơn. Trong thi hành án thì có: bên phải thi hành án và bên được thi hành án. Dùng cụm từ “…tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự” là không rõ là theo yêu cầu của bên phải thi hành án hay bên được thi hành án. Vì nhiều lẽ, bên phải thi hành án chắc không yêu cầu thi hành án.
Qua thực tiễn thí điểm cho thấy, các Văn phòng Thừa phát lại chỉ làm được nhiều hơn việc tống đạt và lập vi bằng. Còn việc xác minh điều kiện thi hành án và thi hành án thì hầu như chưa làm được gì. Điều này là tất yếu. Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức xã hội. Họ không thể làm các việc đòi hỏi phải có quyền lực hành chính.
Hơn nữa việc giao cho Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự, vô hình trung đã tạo cớ cho các cơ quan thi hành án dân sự lẩn tránh trách nhiệm. Các bản án đã có hiệu lực pháp luật phải được thực thi một cách rốt ráo để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng được thi hành án và để bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật. Đó là chức năng, nhiệm vụ và lý do để tổ chức ra cơ quan thi hành án dân sự. Cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động và bằng mọi biện pháp hợp pháp thực thi đầy đủ bản án đã có hiệu lực thi hành.
Về hình thức hoạt động, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định Thừa phát lại hoạt động thông qua hình thức Văn phòng Thừa phát lại. Văn phòng Thừa phát lại do một Thừa phát lại thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại do từ hai Thừa phát lại trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.
Theo quy định tại Điều 1, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì: “Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định pháp luật. Trong đó, vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”.
Qua tổng kết hoạt động thí điểm cho thấy rằng hoạt động của Thừa phát lại đã góp phần giảm bớt sự quá tải trong hoạt động chuyên môn của Tòa án thông qua việc tống đạt các mệnh lệnh của Tòa án đối với các bên đương sự. Nó cũng góp phần đảm bảo thuận lợi cho các việc giải quyết tranh chấp dân sự thông qua việc lập các vi bằng. Nói chung đây là cách xã hội hóa một phần các công việc của Tòa án.
Tuy nhiên, hiện nay chế định Thừa phát lại vẫn còn xa lạ đối với công chúng. Nhiều người chưa quen nhìn nhận và sử dụng Thừa phát lại như một dịch vụ trong lĩnh vực tư pháp như lập vi bằng để hỗ trợ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức mình.
Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thừa phát lại trong giai đoạn thí điểm, Nghị định quy định Văn phòng Thừa phát lại được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy vậy các Văn phòng Thừa phát lại vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính vì thu không đủ bù chi.
Về quan điểm có ý kiến cho rằng coi hoạt động Thừa phát lại là một loại hình bổ trợ tư pháp chưa thật ổn. Công việc của loại hình này mang tính chất hỗ trợ chứ không phải bổ trợ. Nó cũng khác với hình thức Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc có công nhận nó là loại hình bổ trợ tư pháp hay không thì cần phải nghiên cứu thêm. Mối quan hệ giữa cơ quan thi hành án với thừa phát lại như đã quy định trong Nghị định của Chính phủ cũng chưa thật rành mạch.
Ngay tên gọi “Thừa phát lại” cũng rất khó hiểu, cần nghiên cứu để đặt tên cho phù hợp với nội dung công việc của nó. Có thể thay bằng cụm từ “Văn phòng hỗ trợ Tư pháp và Hỗ trợ viên Tư pháp” thì dễ hiểu hơn cụm từ Thừa phát lại.
Dẫu vậy, về thực tiễn, Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện cho hoạt động thừa phát lại (tạm gọi theo tên cũ, chừng nào chưa được thay bằng tên mới) phát huy được tác dụng. Vì đây là cách xã hội hóa hoạt động tư pháp đã được áp dụng ở nhiều nước khác.