Nghi lễ của người Ê Đê

BẮC PHONG (tổng hợp) 07/09/2015 15:05

Đồng bào Ê Đê sống tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên. Từ xa xưa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của đồng bào là rất phong phú. Điều đó thể hiện qua các lễ hội mà xuất phát từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cùng với niềm tin vào trời đất, các vị thần.

Nghi thức cúng sức khỏe cho voi

Tại Đắk Lắk, người Ê Đê là 1 trong 47 dân tộc anh em cùng chung sống. Do tính chất đặc thù ấy mà văn hóa người Ê Đê ở đây mang tính chất mở, hội nhập, nhưng vẫn giữ lại cho mình những gì thuộc về bản sắc.
Theo tác giả Minh Ngọc, người Ê Đê ở Đắk Lắk định cư ở các huyện M’Drăk, Ea Kar, Krông Păcê, Krông Buk, Krông Năng, Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Ana, Krông Bông, thành phố Buôn Ma Thuột, Buôn Đôn, thị xã Buôn Hồ, với trên 30 dòng họ. Bà con sống theo từng buôn, mỗi buôn khoảng trên 500 - 600 người, có nhà cộng đồng, nhà riêng của từng hộ, có bến nước, rừng thiêng, đất định cư, đất canh tác, khu nhà mồ…
Đời sống tinh thần của bà con rất phong phú, với nhiều lễ hội đi suốt vòng đời của mỗi con người, từ lúc còn nằm trong bụng mẹ đến khi sinh ra, lớn lên rồi trở về với thế giới tổ tiên ông bà. Người Ê Đê có nhiều nghi lễ, bao gồm: Lễ cúng khi người mẹ mang thai, cúng trước khi sinh, cúng đặt tên, cúng đầy tháng, cúng đầy 1 mùa rẫy, cúng đầy 3 mùa rẫy, cúng đầy 7 mùa rẫy, cúng tròn 15 mùa rẫy, cúng trưởng thành (tròn 17 mùa rẫy), cúng sức khoẻ hàng năm của mỗi gia đình, cúng sức khoẻ cho chủ nhà khi bước vào tuổi 50, 60, 70, 80…

Tái hiện lễ cúng bến nước của nghệ nhân xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa

Ngay khi người mẹ mang thai được 3 tháng, bà con đã làm lễ cúng cầu mong đứa trẻ sinh ra sẽ khoẻ mạnh và thông minh. Trong lễ đặt tên cho đứa trẻ, người ta cũng thần Bah Huê - vị thần che chở trẻ sơ sinh và con người. Trong nghi lễ vòng đời của người Ê Đê, lễ trưởng thành dành cho người con trai. Sau lễ, chàng trai được tự do đi làm ăn xa, hoặc tìm bạn đời và kết nghĩa anh em với người khác buôn.
Còn với lễ hội, người Ê Đê cũng có nhiều nghi thức khác nhau, chủ yếu gắn với sản xuất nông nghiệp, cầu mong mùa màng bội thu.
Trước hết phải kể đến lễ cầu mưa và lễ cầu mùa. Đây là những nghi lễ (dần dần biến thành lễ hội) rất quan trọng của người Ê Đê. Nó đánh dấu thời điểm một mùa rẫy mới bắt đầu. Người ta cầu xin thần linh cho mưa thuận, gió hòa, rẫy nương tươi tốt, thóc lúa đầy kho. Một số nơi, bà con còn tổ chức lễ mừng trận mưa đầu mùa. Lễ này có thể làm riêng từng nhà, cũng có thể mở hội chung toàn buôn. Mâm lễ gồm nhiều sản vật nhưng không thể thiếu một ống đựng lúa, cây gậy chọc lỗ và các gói nhỏ hạt giống.

Chuẩn bị rượu cần cho lễ kết nghĩa anh em

Tới nay, lễ cúng bến nước của người Ê Đê đã được ghi nhận với tư cách là một di sản văn hóa. Lễ tiến hành trong 2 ngày, nhằm cầu thần nước, tạ ơn thần nước và kết hợp sửa sang bến nước. Trong ngày thứ nhất, người ta sửa lại đường lên xuống bến nước, sửa lại cầu tắm giặt, thay ống dẫn nước và máy nước. Sang ngày thứ hai, vào lúc sáng sớm chủ bến nước sai con cháu làm 3 con heo (một con cúng tổ tiên ông bà, một con cúng thần bến nước, một con cúng sức khỏe cho chủ bến nước); đồng thời buộc 7 ché rượu tại gian khách của nhà dài để cúng các vị thần linh.
Đoàn đi ra bến nước để làm lễ cúng và mời thần về bao giờ cũng phải có thầy cúng, chủ bến nước, hai người cầm khiên đao, ba người mang lễ vật. Nhân vật chủ bến nước là người có uy tín trong buôn, làm ăn phát đạt, gia đình hòa thuận. Mọi người sẽ cùng nhau chúc sức khỏe chủ bến nước như một hành động khâm phục. Sau đó, tất cả bà con trong buôn cùng tổ chức ăn uống, ca hát, nhảy múa rất vui vẻ.

Đáng chú ý trong lễ cúng bến nước là sau khi thầy cúng làm lễ xong, sẽ trao cần rượu cho già làng uống trước, sau đó mới đến dân làng, nhưng theo thứ tự phụ nữ uống trước, đàn ông uống sau. Sau hai ngày thực hiện nghi lễ, sáng sớm ngày thứ ba thầy cúng cùng chủ bến nước sẽ thực hiện việc mở cổng làng để kết thúc nghi lễ, và các hoạt động trong buôn trở lại bình thường.

Cúng bến nước ở Buôn Đôn

Người Ê Đê ở Đắk Lắk còn tổ chức lễ ăn cơm mới khá linh đình. Cơm mới là những hạt gạo được gia đình trồng ở một mảnh đất riêng, được gọi là “đất thiêng”, không được trồng trọt một thứ gì ngoài cây lúa để cúng tế các vị thần, hoặc làm ma chay khi cha mẹ qua đời. Khi thu hoạch người phụ nữ chủ nhà hoặc cô con gái lớn nhất, phải bứt bằng tay chứ không được dùng các công cụ khác. Lễ cúng cơm mới được tổ chức trong từng gia đình, nhà nào suốt lúa xong sớm, cúng trước. Nhà nào gặt xong sau, cúng sau. Tuy nhiên, lễ cơm mới không chỉ gói gọn trong từng nhà, bởi chủ nhà bao giờ cũng mời bà con xa gần, hàng xóm láng giềng đến vui chung. Chính vì thế, đây cũng lại là một hình thức gắn kết cộng đồng được mọi người tôn trọng.
Trong lễ này, bao giờ người phụ nữ chủ gia đình cũng cầm cần ché rượu đầu tiên. Sau đó mới trao cần cho chồng, rồi lần lượt đến mọi người. Người già được mời uống rượu trước, đến trung niên rồi thanh niên. Nữ trước, nam sau.
Trong thời gian làm lễ cúng cơm mới (từ tháng 11 tới tháng 3 năm sau), thì đây cũng là lúc nông nhàn, người ta cũng có thể tiến hành các lễ khác, như lễ cầu chúc sức khỏe cho người cao tuổi, lễ thành đinh cho con gái con trai, lễ cưới cho những lứa đôi nên duyên vợ chồng, lễ bỏ mả cho người chết đi đầu thai kiếp khác… Những nghi lễ ấy gắn kết cộng đồng, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó, sẻ chia trong buôn làng Ê Đê.

BẮC PHONG (tổng hợp)