LHP Việt Nam lần thứ 19: Có gì mới?

Minh Quang 07/09/2015 21:35

Năm nay, dự kiến Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 19 sẽ được tổ chức tại TP HCM. Tiêu chí của LHP lần này là hướng đến các tác phẩm điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc.

Cảnh trong phim “Những người viết huyền thoại”.

Được biết, Bộ VHTT&DL cũng vừa ban hành Điều lệ LHP Việt Nam lần thứ 19. Theo đó, sự kiện này sẽ có nhiều điểm mới như: Lần đầu tiên trong lịch sử LHP Việt Nam, cùng với chương trình phim dự thi theo thông lệ, sẽ có chương trình Toàn cảnh Điện ảnh Việt Nam; thay vì chấp nhận tất cả các phim gửi đến đăng ký đều được đưa vào dự thi, LHP Việt Nam lần thứ 19 sẽ lập Hội đồng tuyển chọn phim cho cả 2 khu vực: phim dự thi và phim chiếu trong chương trình toàn cảnh ở tất cả các thể loại (phim truyện, tài liệu, khoa học, hoạt hình); giải bình chọn của khán giả cũng được trao cho bộ phim có nhiều phiếu bình chọn nhất của mỗi chương trình (phim dự thi và phim chiếu trong chương trình Toàn cảnh Điện ảnh Việt Nam)…

Với người làm nghề, các kỳ LHP Việt Nam từ trước tới nay luôn là cơ hội để tôn vinh những người làm phim, tôn vinh những tác phẩm điện ảnh xuất sắc. Còn với khán giả yêu thích điện ảnh, LHP cũng là cơ hội để họ được thưởng thức những tác phẩm đã được chọn lọc từ BTC. Nhưng càng ở những kỳ tổ chức gần đây, LHP ngày càng kém hấp dẫn khán giả.

Trước đó, tại LHP Việt Nam lần thứ 18 (diễn ra tại TP Hạ Long - Quảng Ninh năm 2013), khán giả đã tỏ ra thất vọng bởi không ít những bộ phim được trình chiếu thuộc dòng phim mỳ ăn liền, hoặc có nội dung rất nhảm.

Chẳng hạn như ở hạng mục Phim truyện, trong số 23 phim tham dự thì có 4 phim của các hãng phim nhà nước, số còn lại của các hãng tư nhân. Trong đó “Những người viết huyền thoại” - bộ phim dựa theo đề tài truyền thống được đích thân Cục Điện ảnh đặt hàng ẵm giải Bông sen vàng thì không có gì đáng ngạc nhiên nữa. Nhưng phim đặt hàng từ bục vinh quang nhận giải ra tới rạp, lại là cả một vấn đề.

Người trong nghề cũng thừa nhận rằng giờ đây phim về đề tài chiến tranh, hậu chiến đang không có đầu ra. Trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng, xét một cách công bằng thì đề tài chiến tranh không bao giờ là cũ. Nhưng ở mỗi một thời điểm, hoặc mỗi một thời đại làm phim, người ta sẽ có những cách nhìn khác.

Phân tích như vậy, nhưng đề cập đến khâu phát hành, không riêng gì đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, mà nhìn chung lâu nay tư duy làm phim nhà nước tồn tại đã quá lâu, nên không chỉ với phim truyện nhựa, mà với các thể loại phim hoạt hình, phim tài liệu… các đạo diễn thường đổ tại đơn vị phát hành, hoặc đổ lỗi tại thiếu kinh phí quảng bá cho phim. Điều này đúng nhưng không hẳn thế.

Chúng tôi cũng đã từng đặt ra vấn đề phim tài liệu ra rạp, tại sao không? Bởi nhắc tới phim tài liệu, khán giả thường nghĩ đến một thể loại phim khô khan, nhàm chán và kém thu hút. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều tác phẩm phim tài liệu mới ra đời, đi theo phong cách làm phim khác biệt đã và đang mang lại cho khán giả những cái nhìn mới về một loại hình phim vốn khuôn mẫu, nay mang hơi thở và mềm mại hơn.

Mà điều gây ngạc nhiên nhất, có lẽ, tác giả của những thước phim đó, chính là những bạn trẻ. Họ khai thác mọi khía cạnh của cuộc sống và xã hội, từ đối tượng quen thuộc như gia đình, bạn bè, người thân cho đến những đề tài “gai góc” của xã hội như bạo hành gia đình, tảo hôn...

Chính những tác phẩm điện ảnh mới mẻ này cùng những thành công đạt được đã thổi một luồng gió mới, phần nào xoá đi định kiến trong mắt khán giả về thể loại phim tài liệu vốn tưởng chừng như nhàm chán; vốn mặc định bởi những đề tài hẹp như chiến tranh và hậu chiến chẳng hạn. Và cũng ở dòng phim tài liệu, một bộ phim thu hút sự chú ý của công chúng suốt thời gian qua là “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” - một dự án phim độc lập thành công ở khâu phát hành, cơ hội để phim tài liệu của những đạo diễn trẻ bon chen ra rạp đang rộng mở. Một băn khoăn được đặt ra: không lẽ nhìn hiệu quả của dòng phim độc lập, những đơn vị làm phim vẫn được bao cấp ít nhiều không mảy may chạnh lòng?

Trở lại với chủ đề LHP Việt Nam lần thứ 19 tới đây, nhiều người vẫn băn khoăn: Liệu những điểm mới như đã đề cập ở trên có đủ sức làm nên một diện mạo mới cho điện ảnh Việt hay không?

Chỉ biết rằng mỗi kỳ LHP diễn ra, những người làm công tác quản lý điện ảnh đều đưa ra một slogan “đao to búa lớn”, nhằm định hướng con đường và sự phát triển cho nền điện ảnh nước nhà trong một giai đoạn. Nhưng cả LHP Việt Nam lần thứ 18 đã qua và lần thứ 19 tới đây, thì chủ đề vẫn rất giống nhau chứ chưa có sự đột phá. Đó là: “Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập”.

Minh Quang