Chiếu chèo sân đình: Khán giả là chủ thể
Nằm trong tour diễn “Tiếng trống chèo 2015”, vừa qua (5/9), tại đình Tháp (Cầu Giấy, Hà Nội), đêm diễn đầu tiên của dự án đã chính thức được khởi động. Sự kết hợp ăn ý giữa các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam và nhóm bạn trẻ thuộc dự án “Tôi xê dịch” đã tái hiện chân thực chiếu chèo sân đình giữa Thủ đô.
Đêm diễn “Tiếng trống chèo” tại đình Tháp.
Có lẽ, với những người thờ ơ với nghệ thuật truyền thống, khi xem chương trình “Tiếng trống chèo 2015” tại đình Tháp (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa qua cũng không thể tin sân khấu chèo lại có sức hút lớn đến như vậy. Hình ảnh khán giả háo hức đến với đêm diễn đã ít nhiều khiến cho người ta thay đổi cách nghĩ về sự hấp dẫn của nghệ thuật truyền thống. Tất cả chỉ có thể được lý giải rằng, chèo được diễn xướng trong không gian đã sinh ra nó. Tiếp đó là bởi cách yêu và thực hiện chương trình của các bạn trẻ đến từ dự án “Tôi xê dịch”.
Sau 2 năm gián đoạn từ dự án “Windy 9: Tiếng vọng ngàn năm” (2013), nhóm bạn trẻ thuộc dự án “Tôi xê dịch” cùng các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Chèo Việt Nam đã khởi động lại dự án chèo sân đình mang tên “Tiếng trống chèo 2015”. Theo đó, kết thúc chương trình tại đình Tháp (5/9), chương trình tới đây sẽ tiếp tục tại đình Tứ Liên (12/9) và đình Xuân Tảo (19/9)- Hà Nội.
Trong các đêm diễn khán giả không chỉ được thưởng thức các làn điệu chèo mà còn được hướng dẫn tìm hiểu, “sắm vai” các nhân vật kinh điển trong các vở Lưu Bình - Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Kim Nham…
NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo VN chia sẻ: Tiếng trống chèo 2015” đảm bảo nguyên vẹn mô hình sân khấu, đạo cụ, cách thức hoá trang của lối diễn trò cổ. Từ đó giúp người xem có trải nghiệm chân thật về những nét đặc sắc của loại hình chèo sân đình. Đây là chương trình phi lợi nhuận, Nhà hát Chèo Việt Nam sẵn sàng ủng hộ các dự án nhằm quảng bá nghệ thuật chèo đến với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ như dự án “Tôi xê dịch”. Vì thế mà khi Nhà hát Chèo VN đặt vấn đề biểu diễn ở 3 địa điểm nói trên tại Thủ đô đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân. Hơn thế, người dân, đồng thời là khán giả nhiệt tình nhất cũng xắn tay vào giúp đoàn biểu diễn lo trang bị ánh sáng, dựng sân khấu.
Chủ nhiệm dự án “Tôi xê dịch” Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Sự thành công của chương trình nằm ở phần rất lớn ở sự ủng hộ của người tham dự, của khán giả. Đây cũng là một bước thử nghiệm về nhu cầu thưởng thức nghệ thuật dân gian tại Hà Nội. Lần này, đối tượng khán giả được mời là những người dân quanh khu vực biểu diễn và các bạn trẻ là sinh viên ở các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội.
Qua một đêm diễn chưa thể đánh giá hết hiệu quả của chiếu chèo sân đình. Nhưng không thể phủ nhận rằng, thành công về cả số lượng khán giả lẫn chất lượng nghệ thuật trong đêm diễn đầu tiên là một tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực khơi dậy tình yêu của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ với những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.