Sạt lở ở Quảng Nam, bài toán chưa thể có ngay lời giải

Thanh Tùng (thực hiện) Ảnh: Dương Thanh Tùng 08/09/2015 19:18

Ngày 8/9, tại TP Hội An của Quảng Nam tiếp tục diễn ra Hội thảo quốc tế Việt Nam – Nhật Bản về Cửa sông, bờ biển và kỹ thuật sông (VJWECR 2015) do UBND tỉnh Quảng Nam, Trường Cao đẳng Công nghệ - Kinh tế - Thuỷ lợi miền Trung, Trường Đại học Tohoku (Nhật Bản), Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam, Trường Đại học Thuỷ Lợi phối hợp tổ chức. Sáng cùng ngày, hơn 200 đại biểu tham dự hội thảo đã đi thực tế tại biển Cửa Đại – nơi mà từ năm 2009 đến nay, biển lấn sâu vào bờ trung bình mỗi năm từ 30 đến 50 m

Sạt lở ở Quảng Nam, bài toán chưa thể có ngay lời giải

PV: Tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở biển Cửa Đại của đô thị cổ Hội An những năm qua được nhìn nhận như thế nào – thưa ông?

Sạt lở ở Quảng Nam, bài toán chưa thể có ngay lời giải - 1

Ông Lê Trí Thanh: Sạt lở bờ biển Cửa Đại của Hội An, đã trở thành mối quan tâm, lo ngại sâu sắc – không chỉ của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, của nhân dân TP Hội An, mà còn là sự quan tâm, lo ngại của các nhà khoa học trong nước và nước ngoài vì nó đang đe dọa từng ngày, từng giờ đối với người dân Hội An nói riêng và khu vực tỉnh Quảng Nam nói chung. Tuy nhiên để giải quyết được bài toán này bền vững (làm kè hay làm cách gì đó), để đảm bảo an toàn cho bờ biển Hội An nhưng vẫn giữ được cảnh quan, vẻ đẹp bờ biển phục du du lịch cũng như sinh kế của cộng đồng dân cư, là bài toán không thể dễ dàng có ngay lời giải. Cần phải có sự nghiên cứu tổng quan, lâu dài trên tất cả các mặt – đặc biệt là trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng như hiện nay. Để có thể giải bài toán này, trước mắt tỉnh Quảng Nam đã giao cho các Sở - ngành liên quan phối hợp với các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu của nước ngoài, của Việt Nam, phối hợp với cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan của Bộ - ngành khác, nghiên cứu sâu và toàn diện thông qua nhiều hội thảo khoa học (tổ chức trong nước và ở nước ngoài). Mục tiêu là phải có được cái nhìn toàn diện về xói lở bờ biển Cửa Đại của Hội An, xác định chính xác nguyên nhân, tác động nào dẫn đến việc xói lở từ thượng nguồn xuống hạ du. Đồng thời cũng phải đề ra các giải pháp căn bản trước mắt và lâu dài (kể cả giải pháp về công trình cứng lẫn giải pháp “mềm”).

Song song với đó, trước mắt vẫn phải có ngay giải pháp tình thế để hạn chế việc xói lở ngày càng mạnh ở vùng Cửa Đại. Giải pháp tình thế nhằm đảm bảo an toàn cho các khu du lịch, cho sản xuất nông – ngư nghiệp cũng như đời sống nhân dân.

Chống xói lở như thế nào trong tương lai ở ven biển Quảng Nam và bờ biển Cửa Đại thì hiện tại chúng tôi vẫn đang tập trung nghiên cứu để sớm có một đáp án – đúng hơn là một giải pháp tổng thể cuối cùng

Tác nhân nào được cho là đã gây sạt lở nghiêm trọng ở Cửa Đại – thưa ông?

- Dưới góc nhìn của giới chuyên gia, nhà khoa học thì có nhiều tác động liên quan đến sạt lở bờ biển Cửa Đại, trong đó có cả tác nhân từ con người và tác nhân từ đặc điểm tự nhiên của bờ biển duyên hải Trung bộ và bờ biển, bờ sông trên các hệ thống sông ngòi Quảng Nam. Có ý kiến cho rằng sạt lở biển Cửa Đại và các khu vực bờ biển khác của Quảng Nam là do thiếu hụt lượng bùn – cát ở cửa sông, dẫn đến xói lở ngày càng nhiều. Tuy nhiên để đưa ra ý kiến cuối cùng, dẫn đến giải pháp căn cơ và bền vững thì hiện nay vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn. Trước mắt chúng tôi vẫn phải xử lý tạm thời bằng cách yêu cầu các thủy điện tuân thủ nghiêm quy trình điều tiết, xả lũ, đảm bảo an toàn cho dân cư vùng hạ du, an toàn cho sản xuất canh tác và đặc biệt là đảm bảo an toàn cho khu vực cửa sông trong đó có khu vực sông Thu Bồn đổ ra biển Cửa Đại. Cùng với đó, việc khai thác cát trên các dòng sông (kể cả khai thác có giấy phép) cũng được rà soát lại, hạn chế tối đa tình trạng khai thác ồ ạt, bừa bãi như hiện nay.

Sạt lở ở Quảng Nam, bài toán chưa thể có ngay lời giải - 2

Đến nay vẫn chưa có giải pháp bền vững và lâu dài,
ngăn chặn tình trạng xói lở bờ biển Cửa Đại của Hội An.

Có thể nói, Quảng Nam đang cần những giải pháp lâu dài, căn cơ, bền vững. Kinh phí đảm bảo cho các giải pháp này là rất lớn và sẽ được lấy từ nguồn nào, thưa ông?

- Trước mắt chúng tôi đang tích cực tìm nguồn kinh phí để trồng lại rừng dừa nước ở khu vực cửa sông của Hội An. Việc trồng rừng dừa nước phải tiến hành thường xuyên, bền bỉ để những cánh rừng có thể thực hiện chức năng hạn chế tác động từ bên ngoài đến bờ sông, cửa biển. Đối với khu vực sạt lở ven biển Cửa Đại, chúng tôi khuyến cáo các khu du lịch, trước mắt cũng phải chủ động có giải pháp chống sạt lở. Các giải pháp khi thực hiện đều phải có sự chấp thuận của chính quyền địa phương

Ở các khu vực xung yếu, chúng tôi lựa chọn giải pháp làm kè tạm nhưng về lâu dài, phải tính toán đến giải pháp căn cơ, bài bản sau khi đã có nghiên cứu, kết luận cuối cùng từ cấp quản lý, chuyên môn và đặc biệt là từ giới chuyên gia, khoa học

Sạt lở cửa sông, bờ biển Quảng Nam thực tế diễn ra rất nghiêm trọng, gây hậu quả khó lường nhưng chưa thể có ngay lời giải trong ngày một ngày hai. Để khắc phục, ngăn chặn sạt lở ở biển Cửa Đại, cần một nguồn kinh phí rất lớn.

Về việc này, chúng tôi đang tích cực huy động các nguồn lực từ bên ngoài (chủ yếu là từ các tổ chức quốc tế) để vừa hỗ trợ cho nghiên cứu, vừa có đảm bảo tài trợ cho quá trình thi công các công trình chống sạt lở sau này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã làm việc với Bộ - ngành Trung ương để bố trí nguồn kinh phí, cộng với một phần vốn của địa phương làm đối ứng, huy động các nguồn lực khác cho thi công các công trình chống xói lở vững chắc. Các dự án du lịch chịu tác động của bờ biển cũng phải tham gia đóng góp vào.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Tùng (thực hiện) Ảnh: Dương Thanh Tùng