Chậm giảm cước theo giá xăng dầu: Doanh nghiệp taxi bắt tay làm giá

Thanh Giang 08/09/2015 22:09

Ngày 8/9, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức tọa đàm giá cước vận tải và quyền lợi của người tiêu dùng. Tại đây nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp vận tải đang bắt tay nhau để “móc túi” người tiêu dùng.

Chậm giảm cước theo giá xăng dầu: Doanh nghiệp taxi bắt tay làm giá

Giá xăng giảm sâu, nhưng cước taxi không chịu giảm. Ảnh: Hoàng Long.

Lợi nhuận đang chảy vào túi doanh nghiệp vận tải

Theo Hội Thẩm định giá Việt Nam, giá cước taxi tại Việt Nam đang cao hơn các nước khác trong khu vực. Nếu như tại TP HCM giá cước taxi ở mức 14.500 - 15.500 đồng/km, tại Hà Nội là 11.000 - 13.900 đồng/km thì ở Bangkok (Thái Lan) chỉ có giá 3.800 đồng/km, Manila (Philippines) 5.700 đồng/km, Jakata (Indonesia) 6.300 đồng/km…

Đặc biệt, Singapore - một trong những thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới mà giá cước taxi chỉ ở mức 8.700 đồng/km.

Theo tính toán của chuyên gia, phí xăng dầu chiếm tới 25- 35% cước vận tải. Chính vì vậy, khi giá xăng dầu biến động thì giá cước vận tải biến động theo. Tuy nhiên, có một nghịch lý là khi xăng dầu tăng thì cước vận tải tăng nhanh, nhưng khi xăng dầu giảm thì cước không giảm hoặc giảm rất chậm. Đây là hiện tượng không bình thường.

Đặc biệt trong năm nay, kể từ khi lập đỉnh cao nhất 20.711 đồng/lít vào ngày 19-6 thì sau 5 lần xăng dầu giảm liên tiếp cước vận tải vẫn “án binh bất động”. Nhiều hãng taxi giữ nguyên giá cước đối với các xe Getz, Giant i10, Kia Morning…

Rõ ràng, tình trạng DN taxi dửng dưng với việc giảm giá cước theo giá xăng dầu đồng nghĩa với việc người tiêu dùng bị thiệt hại nặng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) lý giải, khi xăng giảm 16,3% (so với trước ngày 4/7) mà giá cước chưa giảm, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng phải chịu thiệt hại khoảng 591 - 888 đồng/km.

“Với hàng triệu người sử dụng dịch vụ vận tải thì số tiền thiệt hại về phía người tiêu dùng và tiền lợi nhuận của người kinh doanh sẽ không hề nhỏ”- ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam khẳng định: “Giá cước vận tải hoàn toàn có thể giảm. Nếu giá cước không giảm là vô lý và không thể chấp nhận được”.

Ông Thỏa phân tích, so với trước ngày 4/7 giá xăng giảm 16,3%, dầu diesel giảm 17,23%. Với mức giá đó giá cước vận tải phải giảm tương ứng. Đơn cử, đối với xe chạy xăng chi phí chiếm 25 - 35%, giá cước sẽ giảm khoảng 4,1 - 5,7% tùy loại xe. Nếu như ở Hà Nội, cước taxi khoảng 11.000 - 12.000 đồng/km thì giảm khoảng 448 - 685 đồng/km.

Còn tại TP HCM giá cước taxi khoảng 14.500 - 15.500 thì giảm được 591 - 884 đồng/km. Riêng đối với xe chạy dầu, chi phí dầu chiếm 35 - 45%, giá cước sẽ giảm khoảng 6 - 7.75% tùy loại xe. Ví dụ, với giá vé khoảng 82.500 đồng/km cho quãng đường 150km sẽ giảm được 4.975 - 6.367 đồng/vé.

Về việc này, các hãng vận tải thường đưa ra nhiều nguyên nhân, nhưng không thuyết phục bởi trên thực tế rất ít trường hợp xăng dầu tăng giá nhưng giá cước không tăng.

Nhận định về nguyên nhân không giảm giá cước vận tải của các DN, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, nói là tốn kém trong chỉnh đồng hồ là không ổn. Cần phải khắc phụ lỗi kỹ thuật chứ không thể xen kỹ thuật vào kinh tế.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi: “Liệu vấn đề cục bộ có phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất cập cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần từ năm 2011 đến nay? Độc quyền sẽ dẫn đến thao túng thị trường”.

Chậm giảm cước theo giá xăng dầu: Doanh nghiệp taxi bắt tay làm giá - 1

Vận tải hành khách chậm chạp giảm giá cước vận chuyển theo giá xăng dầu. Ảnh: S.Xanh.

Các hãng taxi lớn “chỉ đạo” giá

Theo Hội Thẩm định giá Việt Nam thông tin, cước vận tải không giảm theo giá xăng dầu là không đúng cơ chế thị trường, không đúng luật giá; có những DN chiếm thị phần lớn trên thị trường thực hiện vai trò “chỉ đạo” giá. DN chiếm thị phần lớn không giảm giá thì ông DN nhỏ không thể giảm được. Đây chính là gốc rễ của vấn đề.

Liên quan đến vấn đề có hay không các DN vận tải “bắt tay” nhau để làm giá, bà Phạm Quế Anh- Giám đốc Tổ chức Tín thác và đoàn kết vì người tiêu dùng khẳng định, chi phí mỗi xe một khác nhau nhưng các hãng taxi thực hiện tăng giá cùng một ngày, cùng mức ấn định thì điều này chứng tỏ DN taxi có sự bắt tay.

Thực tế cho thấy, Luật Cạnh tranh đang bị vô hiệu hóa trên thị trường vận tải. Nếu để các DN vận tải vào chung một thị trường thì thấy thị phần của từng DN không đáng là bao. Nhưng chia nhỏ thị trường ra thì lập tức thị phần của các DN tăng lên rất nhiều. Tại TP.HCM, có khoảng 6 hãng taxi nhưng Vinasun chiếm 45% thị phần, Mai Linh 35% thị phần. Người tiêu dùng thấy mức giá hiện hành là cao nhưng DN thấy thấp, nên chăng giải quyết giá từ góc độ cạnh tranh - theo bà Quế Anh.

Nhìn tổng thể, ông Nguyễn Tiến Thỏa mong muốn, người tiêu dùng phải tự bảo vệ quyền lợi của mình. Đối với hợp đồng vận tải lớn cần phải có phụ lục khi nhiên liệu tăng - giảm, thay vì phải nghe theo DN.

Cơ quan quản lý nên công khai DN giảm giá tốt và DN chây ỳ để người tiêu dùng lựa chọn hoặc tẩy chay. Đồng thời, nhà nước cần tổ chức đánh giá lại hình thái thị trường từ đó để có cơ chế quản lý phù hợp hơn. Nghĩa là phải xử lý tận gốc, không để lặp đi lặp lại hành vi phi thị trường.

Thanh Giang