Gian nan xóa mù chữ

Phương Linh 09/09/2015 09:55

Hiện cả nước mỗi năm vẫn có khoảng hàng chục nghìn người không biết đọc, viết, tính toán cơ bản - thông tin đưa ra tại hội thảo “Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ trong tiến trình xây dựng xã hội học tập” vừa diễn ra ngày 8/9 tại Hà Nội, nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Bình dân học vụ (8/9/1945 - 8/9/2015) và Ngày Xóa mù chữ quốc tế, khiến nhiều người bất ngờ.

Gian nan xóa mù chữ

Học sinh vùng cao. Ảnh:Đức Anh

Công tác xóa mù chữ cần được coi trọng thực sự

Hội thảo do Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT và UNESCO tại Việt Nam tổ chức. Theo ông Vũ Công Hinh - Vụ trưởng Vụ GDTX, Bộ GD&ĐT: Cách đây 70 năm, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, 95% dân số nước ta mù chữ. Đó thực sự là một khó khăn thách thức lớn đối với chính quyền Cách mạng non trẻ.

Trong bối cảnh đó, Hồ Chủ tịch đã coi xóa mù chữ (XMC) cũng cấp bách như chống giặc đói và chống giặc ngoại xâm. Nha bình dân học vụ được thành lập với nhiệm vụ triển khai chiến dịch chống nạn mù chữ trên toàn quốc. Khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi, đâu đâu cũng có lớp Bình dân học vụ với tinh thần “Người biết chữ dạy người không biết chữ”. Chỉ sau 1 năm đã có thêm 2 triệu người được XMC.

Đến năm 2000, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia XMC-PCGDTH: Hầu hết trẻ em trong độ tuổi đều được đi học tiểu học; 94% dân số trong độ tuổi 15-35 đã biết chữ. Đó thực sự là một mốc son trong lịch sử.

Tuy nhiên, sau khi được công nhận đạt chuẩn quốc gia, một số địa phương đã lơ là trong công tác XMC. Để đẩy mạnh hơn nữa công tác xóa mù chữ trong bối cảnh xây dựng xã hội học tập, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”, điều đó cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với công tác XMC.

Tuy nhiên, theo ông Hinh, công tác XMC hiện vẫn còn có những tồn tại. Ông nói rằng: Ở một số địa phương công tác XMC chưa thực sự được các cấp chính quyền quan tâm. Nhận thức của người dân về công tác XMC còn hạn chế, chưa thấy rõ được ý nghĩa vai trò và lợi ích của việc biết chữ đối với cuộc sống của mình, cho sự phát triển chung của cộng đồng. Có người biết chữ nhưng lại bảo mình không biết chữ… Hay là công tác điều tra cơ bản số người mù chữ hàng năm của các địa phương cũng vậy, cũng chưa được coi trọng. Số liệu báo cáo không cập nhập và sai thực tế.

Một số địa phương có khi còn không điều tra mà cập nhập số liệu theo báo cáo từ năm trước theo mô tuýp năm sau ít hơn năm trước. Mặc dù Bộ đã có xây dựng bộ phần mềm cập nhập thường xuyên về vấn đề này, nhưng công tác điều tra tới từng hộ gia đình của các địa phương vẫn còn đang xem nhẹ…

Ông Hinh nêu quan điểm: Để có thể đạt được mục tiêu của Đề án XMC đến năm 2020, các địa phương cần phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; Đổi mới công tác quản lý, điểu tra, vận động và tổ chức lớp XMC; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia công tác XMC…

Ông cho rằng các địa phương cũng phải chủ động nghiên cứu và biên soạn tài liệu XMC phù hợp với các DTTS dựa trên tài liệu do Bộ ban hành như tăng cường thời lượng dạy tiếng Việt lớp 1, 2 cho người DTTS mới học chữ, biên soạn các tài liệu mỏng theo các chủ đề trong chương trình tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Khoa học… để giúp người mới học chữ có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với tiếng Việt và hạn chế quên chữ.

Làm sao để không bị tái mù chữ?

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Một người được coi là mù chữ theo truyền thống là người không có kĩ năng đọc, viết, làm phép tính cơ bản… Trong nhiều năm chúng ta cứ theo đó để XMC. Chúng ta đã từng nói xoá được mù chữ. Nhưng dựa vào số liệu của Bộ GD&ĐT hiện nay thì mỗi năm chúng ta vẫn có hàng chục ngàn người không biết đọc, viết, tính toán cơ bản. Thêm vào đó là vấn đề, những người đã được XMC nhưng không được sử dụng nên “tái mù”. Xóa được xong lại tiếp tục tụt xuống. Chúng ta làm suốt năm này năm kia nhưng không làm được. Chúng ta phải tìm hướng giải quyết, để không kéo dài.

Ông Dong cho rằng: Ở ta phải có một lớp thứ hai, gọi là lớp sau XMC. Cũng chưa phải đã hết mù chữ cơ bản đâu vì vẫn có thể quên. Buộc phải có bổ túc... Nếu muốn XMC một cách cơ bản để không tái mù phải bàn đến XMC chức năng. Người mù chữ chức năng là người mà trình độ kỹ năng đọc, viết, tính toán không đủ để họ thực hiện những chức năng cần thiết mà hoạt động đòi hỏi, chủ yếu là hoạt động lao động, nghề nghiệp. Chính vì thế mà giáo dục bổ sung hay giáo dục tiếp tục là điều kiện tiên quyết để tránh mù chữ lại.

Theo ông Dong, “nói đến XMC chức năng là nói đến học tập suốt đời”. Sắp tới chúng ta phải đẩy mạnh dạy nghề cho nông dân, những nghề đơn giản thôi. Mỗi người phải có một nghề. Chỉ đi kiếm việc làm là không được. Phải làm sao cho các cán bộ nhân viên trong cơ quan đoàn thể cũng phải học…

“Hiện nay bàn về xóa mù chữ chức năng, chúng ta bàn đến việc “mù” cái gì thì xoá cái đó. Mù nghề thì xoá mù nghề. Mù công nghệ thông tin thì xoá mù công nghệ thông tin... Đó thuộc về lĩnh vực mới. Hưởng ứng theo sự phát động, tinh thần của UNESCO chúng ta phải làm tốt cái này. Đã XMC thì phải xóa mù chữ chức năng, may ra mới bền vững được”.

Về vấn đề này, ông Vũ Công Hinh cũng nêu quan điểm: Đối với những người mới được xóa mù chữ, đặc biệt là người DTTS, trong đời sống giao tiếp sử dụng ngôn ngữ dân tộc là chủ yếu, ít có cơ hội sử dụng tiếng Việt. Vì vậy, người DTTS mới biết chữ, nếu sinh hoạt trong môi trường ít được sử dụng tiếng Việt rất dễ bị tái mù chữ. Điều cần thiết là phải củng cố và phát triển hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức các lớp học XMC…

Hơn nữa, cần biên soạn tài liệu chuyên đề theo chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu người học. Cập nhật kiến thức, kĩ năng, chuyển giao công nghệ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của các dân tộc để giúp người mới biết chữ có cơ hội sử dụng tiếng Việt nhiều hơn. Phối hợp với thư viện, nhà văn hóa xã cung cấp sách báo, tài liệu thiết thực cho người dân. Tổ chức mô hình thư viện di động để phục vụ người dân học chữ và củng cố kết quả biết chữ ở các vùng sâu vùng xa. Tổ chức các lớp học nghề truyền thống, ngắn hạn cho người mới biết chữ…

Bà Katherine MullerMarin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam: Tương lai bắt đầu từ bảng chữ cái

XMC cơ bản và XMC chức năng là những yếu tố vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo hòa nhập và bình đẳng xã hội hướng tới phát triển kinh tế, xã hội bền vững cho mọi người. Tương lai bắt đầu từ bảng chữ cái…

Bằng việc trao quyền cho mỗi phụ nữ và nam giới, XMC giúp đẩy mạnh phát triển bền vững trên mọi bình diện, từ dịch vụ chăm sóc y tế và an ninh lương thực tốt hơn cho đến xóa nghèo đói và thúc đẩy việc làm bền vững.

XMC chính là nền móng vững chắc để đảm bảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, một điều vô cùng quan trọng để xây dựng xã hội học tập và để đảm bảo năng lực cạnh tranh của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực. Song, biết chữ cũng là một phương tiện để tiếp cận cơ hội, và mưu cầu hạnh phúc cá nhân.

Phương Linh