Bệnh gai xương gót?

BS. Phạm Văn Thân 09/09/2015 09:41

Nhiều người cho rằng đây là bệnh xa lạ, ít người mắc nên không quan tâm. Thế nhưng, đó là quan niệm sai lầm. Bệnh này rất hay gặp ở tuổi trung niên, liên quan tới vận động nhiều, hoặc khiêng vác nặng. Vậy cách phòng chữa bệnh như thế nào?

Bệnh gai xương gót?

Tổn thương trong bệnh gai xương gót

Những người có nguy cơ bị gai xương gót là: Người béo phì; trên 40 tuổi; những vận động viên phải luyện tập, thi đấu hàng ngày với cường độ cao; những người có khiếm khuyết ở chân, như tật bàn chân hơi sấp, bàn chân quặp vào trong…

Cách nào phát hiện gai xương gót?

Các dấu hiệu giúp phát hiện bị gai xương gót là: Thấy đau nhức nhối, chói buốt ở vùng xương gót và gan bàn chân. Tính chất đau: đau tăng sau khi vận động mạnh đột ngột hoặc kéo dài, giảm đau sau khi nghỉ ngơi một thời gian. Hay gặp đau nhiều vào buổi sáng, khi mới ngủ dậy và đi những bước đi đầu tiên trong ngày, phải đi đi lại lại một lúc mới giảm đau.

Thường đau khởi phát sau một động tác mạnh đột ngột, chẳng hạn đạp chân mạnh để lấy đà khi thi chạy. Đau tăng lên nhiều khi đi lại trên mặt đường cứng hoặc khiêng vác vật nặng. Đau nhiều làm ảnh hưởng tới công việc cũng như sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Nếu dùng ngón tay cái ấn vào chỗ gót chân thì bệnh nhân thấy đau chói, buốt. Nếu yêu cầu bệnh nhân đứng bằng gót chân, đau thường tăng rất nhiều.

Chụp phim x-quang vùng gót chân có thể thấy hình ảnh gai xương gót là một gai nhọn, nhỏ mọc ra từ mặt dưới xương gót ở vùng gan chân. Ngoài ra trên phim chụp cũng phát hiện những tổn thương nặng và nguy hiểm gây đau xương gót như viêm xương, gãy xương, u xương gót hoặc áp xe phần mềm tại gót chân.

Bệnh gai xương gót? - 1

Bệnh gai xương gót liên quan nhiều đến vận động

Điều trị ra sao?

Nguyên tắc điều trị gai xương gót cần thực hiện là: nghỉ ngơi, chườm lạnh tại chỗ đau, băng chun gan chân để hỗ trợ chân khi vận động và gác chân lên cao khi nghỉ ngơi. Bệnh nhân có thể tự thực hiện các bài tập mat xa gan chân. Sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu như : siêu âm, dùng sóng ngắn, chiếu tia hồng ngoại tại chỗ đau ở gót chân. Đối với các trường hợp đau nhiều cần phải dùng thuốc chống viêm giảm đau như: Paracetamol, aspirin..., đơn thuần hay kết hợp nhiều loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Thủ thuật tiêm corticoid tại chỗ gai xương gót là một biện pháp giảm đau khá hiệu quả, thường dùng khi các biện pháp điều trị nói trên không có tác dụng. Tuy nhiên, việc tiêm thuốc phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa xương khớp, và phải đảm bảo tuyệt đối vô khuẩn để tránh những tác dụng phụ có thể xảy ra như nhiễm khuẩn phần mềm tại chỗ hay viêm xương tủy.

Các trường hợp đau gót chân dai dẳng, đã điều trị bằng các biện pháp nội khoa không có hiệu quả, thì cần phải phẫu thuật cắt bỏ gai xương gót. Tuy nhiên đau trong bệnh gai xương gót không đơn thuần chỉ do yếu tố cơ học là gai xương mà còn do yếu tố viêm tại chỗ, viêm quanh các gân vùng gan chân. Do đó phẫu thuật cắt gai cần cân nhắc hết sức thận trọng vì nhiều khi cắt gai rồi nhưng vẫn còn đau. Những bệnh nhân thường xuyên đau gót chân cần đến khám tại chuyên khoa xương khớp để được tư vấn, phát hiện các bất thường về cấu tạo giải phẫu bàn chân từ đó có các biện pháp chỉnh hình hay phẫu thuật để chỉnh sửa.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần đi giày vải mềm vừa chân. Có thể lót một lớp đệm dầy, đàn hồi như cao su vào đế giày. Đồng thời cần giảm việc đi lại nhiều, khiêng vác vật nặng. Khi nghỉ ngơi, cần thư giãn chân bằng cách gác chân cao.

Phòng bệnh thế nào?

Muốn phòng bệnh gai xương gót, mọi người cần chú ý khởi động kỹ khớp cổ chân và căng cơ chân trước khi lao động hay luyện tập quân sự, thể thao. Sau khi vận động nên thư giãn, thả lỏng chân, gác chân cao, mat-xa gan chân.

Những trường hợp tập chạy hay đi bộ, tốt nhất là thực hiện việc chạy hay đi bộ nhiều lần trong một tuần với quãng đường ngắn thì tốt hơn là chạy một lần với quãng đường dài, gắng sức. Tránh các vận động hay lao động quá sức.

Nên chú ý kiểm soát cân nặng, tránh thừa cân béo phì bằng một chế độ ăn uống cân bằng, hạn chế thức ăn béo, chất ngọt. Cha mẹ có con bị dị tật bàn chân cần đưa đi khám sớm và điều trị tích cực.

BS. Phạm Văn Thân