Dồn điền, đổi thửa- xây dựng nông thôn mới - Bài 1: 300 ha ruộng bị bỏ hoang

Đức Sơn  (Bài 2: Phải đảm bảo dân chủ công khai công bằng) 10/09/2015 08:30

“Cả thôn gần 9.000 hộ dân chỉ yếu sống bằng nông nghiệp, giờ dồn điền, đổi thửa dang dở, ruộng chưa được chia cho dân, nên đã hai vụ ruộng bỏ hoang. Những hộ già yếu, không có sức khỏe thì chỉ biết ra đồng bắt cua, cá kiếm sống qua ngày…”- ông Hải, một nông dân thôn Yên Nội than thở.

Công cuộc đổi mới trong nông nghiệp, đặc biệt với việc ra đời Luật Đất đai 1993 và Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 giao đất ổn định, lâu dài cho nông dân đã tạo nên động lực lớn cho người nông dân làm chủ đồng ruộng, yên tâm sản xuất. Nước ta từ chỗ đói nghèo, phải nhập khẩu lương thực đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, việc chia đất, khoán hộ theo Nghị định 64/CP đã để lại những bất cập như ruộng đất manh mún, khó áp dụng khoa học kỹ thuật, khó cải tạo đồng ruộng, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, nâng cao năng suất, gây khó khăn cho chính người nông dân. Bởi vậy đã hàng chục năm nay, nhất là từ việc triển khai chương trình nông thôn mới, các địa phương đã tiến hành và tích cực dồn điền, đổi thửa.

Dù công tác dồn điền, đổi thửa gặp không ít khó khăn, cùng những bất cập do nhiều nguyên nhân, nhưng đến nay đa số các địa phương đã hoàn thành tốt công tác dồn điền, đổi thửa. Qua thực tế cho thấy, việc dồn điền, đổi thửa đã đem lại những hiệu quả tích cực. Bộ mặt nông thôn, đồng ruộng đã được thay đổi, thuận lợi cho sản xuất, áp dụng khoa học, kỹ thuật, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, đó đây vẫn có những địa phương còn những tồn tại, gây khiếu nại kéo dài do cách làm, cách tuyên truyền, thậm chí xuất phát từ tiêu cực, tham nhũng.

Từ số báo này, Đại Đoàn Kết có một số bài viết, phản ánh, nhìn nhận vấn đề này, những mong góp một tiếng nói chung vào việc hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

300 ha ruộng ở thôn Yên Nội bỏ hoang nhiều tháng qua.

Dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh không ít vấn đề phức tạp ở một số địa phương. Thậm chí có chuyện người dân không nhận, bỏ không cấy lúa hàng trăm ha “bờ xôi, ruộng mật” màu mỡ, chỉ vì chưa thông. Thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội là một ví dụ.

Bi kịch nông dân bỏ cấy

Trong những ngày này, ở mọi vùng quê trên khắp các cánh đồng, nông dân đang tấp nập chăm sóc lúa, hoặc chuẩn bị vụ thu hoạch vụ mùa bội thu. Thế nhưng, kỳ lạ thay tại thôn Yên Nội (Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) có đến 300 ha ruộng màu mỡ đang bị bỏ hoang cho cỏ mọc. Theo tìm hiểu, nơi đây đang là một trong những tồn tại, trong công tác DĐĐT, do chính quyền cơ sở cấp thôn và xã làm sai trong quá trình thực hiện.

Được biết, từ năm 2014, xã Đồng Quang bắt đầu triển khai DĐĐT. Ban đầu người dân đã rất đồng tình với chủ trương lớn này. Tuy nhiên, theo người dân thôn Yên Nội, trước khi thực hiện DĐĐT, thôn chỉ họp dân 3 buổi. Khi phương án chưa được dân đồng thuận thì thôn và xã đã vội đưa máy về múc ruộng, làm kênh mương thủy lợi.

Do chưa có thiết kế nên khi triển khai, đơn vị thi công đã phá vỡ toàn bộ mặt bằng ruộng, đồng ruộng biến thành bãi đất nham nhở. Hệ thống kênh mương nội đồng cũ bị phá vỡ thay vào đó là hệ thông kênh mương thủy lợi nội đồng mới bất hợp lý, không thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Theo bà con nông dân, tại cuộc họp, bà con đều nhất trí với chia khoảng giữa của các thửa ruộng với nhau rộng 50m, nhưng thôn, xã lại chia ruộng lên thành 100m, dẫn đến thửa rộng và dài khác nhau, rất khó canh tác.

Một việc nữa khiến người dân bức xúc, đó là tại khu ván Đông –Tây có hàng chục mẫu ruộng thuộc diện chân cao cần cải tạo lại. Thế nhưng lợi dụng điều này, chính quyền đã thuê máy xúc về múc đất ruộng sâu đến hàng mét để lấy đất màu đi bán. Đáng ra, đúng quy trình họ phải múc một lớp đất màu ở bên trên, rồi múc đất thịt ở bên dưới đi sau đó trả lại phần đất màu cho các chân ruộng để người dân canh tác. Hiện số ruộng trên đã biến thành những chiếc ao nước ngập mênh mông.

Cũng theo người dân, ở ô ruộng 12, thôn và xã còn tự ý múc 4 cái ao trên đất 2 lúa để lấy đất đắp bờ. Trong khi đó theo hợp đồng, đất đắp đường là đất đổ, nhưng khi thi công, đa số múc đất ruộng lên đắp, khiến mặt ruộng biến thành thùng vũng không thể cấy lúa được.

Ngoài ra, người dân cho hay, lợi dụng chủ trương DĐĐT chính quyền xã đã tự ý bán 2,7 mẫu ruộng của 17 hộ dân ở khu đồng Đụn cho một doanh nghiệp làm khu du lịch sinh thái mà không họp bàn với dân. Dân chỉ biết khi doanh nghiệp tiến hành san lấp mặt bằng. Mặt khác, chính quyền thôn và xã giấu diện tích đất, không chia hết đất cho dân canh tác.

Trước sự thiếu dân chủ, làm sai quy định của chính quyền cơ sở, người dân Yên Nội đã phản đối bằng cách kiên quyết không nhận ruộng và không cấy lúa. Thậm chí, có thời gian người dân còn lập các lán trại trên cánh đồng, các lối dẫn vào cánh đồng để phản đối và yêu cầu ngành chức năng làm rõ những tiêu cực trong DĐĐT ở đây.

Trong quá trình tìm hiểu sự việc tại thôn Yên Nội, hình ảnh xót xa chúng tôi bắt gặp là cánh đồng ruộng mênh mông từng là “vựa” lúa của huyện Quốc Oai nay thành đồng cỏ hoang. Những kênh mương, bờ ruộng đang đào bới be bét, nham nhở. Từ đầu xóm đến cuối xóm, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân bàn tán về những tiêu cực xung quanh việc DĐĐT. Rồi những câu chuyện về khó khăn của hàng nghìn hộ nông dân trong thôn khi có ruộng mà không thể cấy.

“Cả thôn gần 9.000 hộ dân chỉ yếu sống bằng nông nghiệp, giờ DĐĐT dang dở, ruộng chưa được chia cho dân, nên đã hai vụ ruộng bỏ hoang. Người nào có sức khỏe thì đi làm thuê, làm mướn có tiền đong gạo chứ những hộ già yếu, không có sức khỏe thì chỉ biết ra đồng bắt cua, cá kiếm sống qua ngày…”- ông Hải, một nông dân thôn Yên Nội than thở.

Theo người dân Yên Nội, vụ chiêm xuân và vụ mùa năm 2015 thôn Yên Nội không gieo cấy lúa, ước tính thiệt hại lên tới 32.000 tấn lúa.

Vì đâu nên nỗi?

Đem những thắc mắc gặp chính quyền địa phương, chúng tôi được ông Vũ Hồng Toàn- Chủ tịch UBND xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) thừa nhận, việc 300 ha ruộng của bà con đã bỏ hoang 2 vụ lúa là có thật. Nói về công tác DĐĐT ở thôn Yên Nội, ông Toàn cho rằng, có sai phạm.

Chính vì vậy, chính quyền xã đã cho Bí thư chi bộ thôn Yên Nội, Trưởng thôn Yên Nội nghỉ công tác. Các lãnh đạo xã (cũ) gồm Bí thư Đảng ủy xã, Phó Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã cũng vừa bị cách chức và cho nghỉ việc vì liên quan đến những sai phạm nêu trên. Ông Toàn mới lên giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Đồng Quang nên giải quyết tồn tại của khóa cũ gặp rất nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền vận động rất vất vả vì dân chưa hoàn toàn tin tưởng.

Ông Vũ Hồng Toàn - Chủ tịch UBND xã Đồng Quang.

“Để giải quyết vấn đề nêu trên, chúng tôi sẽ tiến hành công khai dân chủ, để dân họp bàn và thống nhất. Cái nào chưa hợp lý thì sẽ điều chỉnh với phương châm nhân dân và chính quyền cùng làm và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Chúng tôi đang phấn đấu đến 25/12/2015 sẽ chia xong ruộng và tiến hành gieo cấy…”- ông Toàn khẳng định.

Trước việc 300 ha ruộng bỏ hoang qua hai vụ gieo cấy trong khi người dân “than” thiếu đói và gặp muôn vàn khó khăn, ông Vũ Hồng Toàn lại nói rằng, việc dân bỏ hoang ruộng không cấy lúa không ảnh hưởng gì đến đời sống. Theo ông Toàn, thu nhập chính của người dân Yên Nội chủ yếu từ nghề thợ nề. Mỗi một năm nghề thợ nề đem thu nhập cho nhân dân Yên Nội tiền tỷ. Còn nghề làm nông, đem lại thu nhập không đáng kể nên người dân không mấy mặn mà với đồng ruộng.

Tuy nhiên, ông Toàn cũng khẳng định trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội địa phương, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chiếm tới 45% đến 55% nên đương nhiên nó ảnh hưởng đến quy mô sản xuất, kinh tế của địa phương. Đây là thiệt thòi lớn cho người dân và thiệt thòi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương.

Đức Sơn  (Bài 2: Phải đảm bảo dân chủ công khai công bằng)