Ly kỳ những bức ảnh giá 2 triệu USD

Linh Chi 10/09/2015 01:13

Chỉ trong vòng có vài ngày, hàng chục nghìn người đã tham gia quyên góp tiền - và số tiền này đã lên tới hơn 2 triệu USD - cho Mặt trận Giải phóng Lao động gán nợ, một tổ chức có trụ sở ở Lahore (Pakistan) với mục đích giúp giải phóng những công nhân phải làm việc như nô lệ ở các lò gạch của nước này để trả nợ.

Một trong những bức ảnh chụp nhân công gán nợ tại một lò gạch ở Pakistan. (Nguồn: FB).

Những vòng xoáy

Câu chuyện bắt đầu từ một bức ảnh chụp người sáng lập của tổ chức trên - bà Syeda Ghulam Fatima - mặc một bộ đồ vàng đang đứng giữa một lò gạch xung quanh đầy đất màu đỏ quạch. Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Brandon Stanton sau đó được đăng tải lên tài khoản Facebook có tên “Humans of New York” (HONY), một dự án của chính tác giả bức ảnh nhằm mô tả cuộc sống thường nhật của người dân thành phố New York (Mỹ).

“Fatima đã cống hiến cuộc đời mình để chấm dứt tình trạng nô lệ gán nợ. Bà đã từng bị bắn, bị chích điện và đánh đập vô số lần vì hoạt động nhân đạo của mình” - Stanton kể lại trên tài khoản facebook HONY của mình.

Bên cạnh việc giới thiệu Fatima với cư dân mạng, nhiếp ảnh gia Stanton cũng đăng tải một số bức ảnh gây sốc về những nhân công phải làm việc như khổ sai cả ngày trời tại các lò gạch ở Pakistan với hy vọng sẽ trả được khoản nợ khổng lồ mà có khi cả đời làm lụng cũng không hết.

“Nó giống như một vòng xoáy không thể thoát khỏi. Họ chỉ trả cho bạn 200 rupee cho mỗi 1.000 viên gạch làm ra, và lợi nhuận lại vào chủ lò, trong khi khoản nợ cứ thế tăng lên” – một công nhân đóng gạch giấu tên ở Lahore nói với CNN – “Các chủ lò gạch thông đồng với nhau và họ còn bán chúng tôi qua lại cho các lò khác. Mới cách đây 10 ngày, cả gia đình tôi bị bán với giá 2,2 triệu rupee”.

Thủ đoạn tinh vi của chủ lò gạch

Theo một bản báo cáo đang được chuẩn bị trình lên Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có hàng triệu người dân nghèo ở Pakistan đang làm việc cực nhọc mà không được hoặc được trả rất ít tiền để có thể trả khoản nợ của họ cho các ông chủ. Tình trạng này cứ thế kéo dài trong khi các chủ lò gạch không bị truy tố, dù cho chính quyền Pakistan cấm ngặt thuê lao động gán nợ.

Được biết ngành công nghiệp sản xuất gạch ở Pakistan chiếm tới 3% GDP của nước này, và những người sở hữu lò gạch thường sở hữu khối tài sản khổng lồ. Với khối tài sản như vậy, họ thậm chí còn gây ảnh hưởng đến các nhà làm luật theo cách mà không ai có thể tưởng tượng được.

Đa phần các công nhân gán nợ đều thuộc tầng lớp nông dân nghèo khó nhất ở Pakistan. Vì không may vướng vào tình cảnh tuyệt vọng, họ đã buộc phải ngửa tay xin vay một khoản tiền nhỏ để đổi lấy công việc tạm thời trong vài tuần ở các lò gạch. Khi công việc thời vụ này kết thúc, những người nông dân này lại bị chủ ép phải làm việc tiếp với lý do họ đã được nhà chủ cung cấp chỗ ăn ở và thức ăn trong suốt thời gian làm việc, và vì vậy cần phải làm việc tiếp để trả khoản nợ gần như bị nhân lên gấp đôi.

Một báo cáo mới đây của Hãng CNN đã mô tả lại quá trình trở thành một công nhân gán nợ từ một nông dân Pakistan.

“Chị tôi bị yếu thận nên gia đình quyết định bán toàn bộ tài sản và gia súc trong nhà để lo cho chị ấy. Không còn lựa chọn nào khác, tôi đã vay 5.000 rupee (50 USD) của một lò gạch và nghĩ rằng có thể trả nợ sau khi làm việc khoảng 20 ngày”.

Thế nhưng, chỉ trong vài tuần, khoản nợ đã tăng lên đến 11.000 rupee (108 USD), và sau đó lên đến 30.000 rupee (294 USD). Giờ đây khoản nợ của người nông dân này đã là 350.000 rupee (3.400 USD). Trong khi người chị đã chết từ lâu, anh vẫn phải làm việc cho tới tận bây giờ với khoản nợ ngày càng tăng chứ không bao giờ giảm.

Tình trạng lao động kiểu gán nợ ở Pakistan trước đây đã từng được đề cập nhiều lần, nhưng sau khi HONY đăng tải những bức ảnh về họ - và Fatima – trực tiếp trên Facebook, nó đã thu hút được trên 14,8 triệu lượt người theo dõi.

Sứ mệnh của Fatima

Trong suốt nhiều năm qua, bà Fatima cùng chồng đã vượt qua vô vàn thử thách, thậm chí đối mặt với cái chết, trong nỗ lực giải cứu và tái hòa nhập những nhân công gán nợ ở Pakistan. Có lần, Fatima đã phải cải trang thành một kẻ ăn mày để tìm kiếm một bé gái 4 tuổi bị các chủ lò gạch giam giữ vì lo gia đình cô bé chạy trốn. Sau vài ngày, bà đã tìm thấy cô bé khi nghe thấy tiếng khóc từ nhà của chủ lò gạch và đến Tòa án để yêu cầu có hành động từ phía cảnh sát. Cảnh sát sau đó ập đến ngôi nhà này và tìm thấy cô bé đang trong tình trạng tuyệt thực và cấm khẩu trong nhiều tuần.

Sau khi câu chuyện được đăng tải trên HONY, tác giả Stanton đã đăng tải thêm một đường dẫn đến website có tên “Hãy giúp Fatima chấm dứt lao động gán nợ” nhằm gây quỹ cho tổ chức của bà. Chỉ trong vòng 12 giờ đồng hồ, khoản tiền đóng góp đã lên tới 1 triệu USD và 60 giờ sau đó, nó đã tăng lên gấp đôi, tức 2 triệu USD. Được biết trước khi quỹ này được thành lập, bà Fatima gần như đã khánh kiệt vì công cuộc giải phóng những lao động gán nợ, thậm chí bà còn không chi trả nổi tiền thuốc men cho chính bản thân mình.

Đây là một bước tiến lớn đối với những lao động gán nợ phải làm việc như nô lệ ở Pakistan, khi hình ảnh của họ nhận được sự quan tâm và thương cảm của toàn thế giới. Và đó là câu chuyện kỳ diệu về những bức ảnh trị giá 2 triệu USD.

Linh Chi