Phụ huynh 'còng lưng' cõng bảo hiểm y tế
Bộ GD&ĐT đang mong muốn trong năm học mới 2015-2016, Bảo hiểm y tế sẽ được phủ rộng, tiến tới 100% học sinh, sinh viên tham gia Bảo hiểm y tế. Nhiều phụ huynh cho rằng, việc đóng góp là cần thiết nhưng khó chấp nhận được khi tính vào bậc lương của bố mẹ. Với gia đình khá giả thì không ảnh hưởng nhiều, nhưng những gia đình còn khó khăn lại là một khoản lo rất lớn.
Mong muốn 100% học sinh, sinh viên tham gia
Văn bản gửi đi của Bộ GD&ĐT cho biết: Bảo hiểm y tế (BHYT) là một chủ trương lớn, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện. BHYT học sinh (HS), sinh viên (SV) là sự kết hợp toàn diện các yêu cầu của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho HS, SV (từ chăm lo sức khỏe ban đầu tại trường học, tới khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế). Thông qua việc tham gia bảo hiểm y tế HS, SV được giáo dục nhân cách và lối sống nhân ái, chia sẻ khó khăn, đồng cảm với người không may gặp rủi ro.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay có khoảng 85% HS, SV tham gia BHYT. Trong đó, có khoảng 94% HS tham gia và tỷ lệ tham gia của SV là 76%. Tỷ lệ HS, SV tham gia BHYT chưa cao do một số nguyên nhân, chủ yếu như sau: Một số cơ sở giáo dục chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác BHYT, đặc biệt là các cơ sở đào tạo, chủ yếu chỉ các SV năm thứ nhất tham gia BHYT; Công tác truyền thông cho HS, SV và cha mẹ HS về BHYT chưa đạt hiệu quả; Công tác phối hợp liên ngành về bảo hiểm y tế giữa ngành Giáo dục với các ngành Y tế, Bảo hiểm xã hội còn thiếu chặt chẽ.
Bộ GD&ĐT mong muốn mở rộng diện bao phủ BHYT trong đối tượng HS, SV, tiến tới 100% HS, SV tham gia BHYT. Theo đó yêu cầu các Sở GD&ĐT, các nhà trường tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện theo đúng quy định. Đảm bảo 100% HS, SV tham gia BHYT…
Thu bảo hiểm y tế theo hoàn cảnh cụ thể
Việc thu BHYT dựa trên mức lương của bố mẹ cũng đang khiến nhiều phụ huynh cảm thấy băn khoăn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Tài chính trả lời trên báo chí: Việc thu BHYT của HS, SV bằng 4,5% mức lương cơ sở đã được Quốc hội quy định trong Luật BHYT năm 2014 và Chính phủ quy định tại Nghị định số 105 (năm 2014). Khi xây dựng mức đóng BHYT cho HS, SV, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội quy định về mức hỗ trợ đóng BHYT với đối tượng này, bảo đảm phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay vẫn có nhiều phụ huynh không đồng tình. GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ: Xu hướng chung của thế giới, riêng BHYT là phải phủ khắp toàn dân. Nhưng mà muốn phủ khắp thì phải tính xem làm thế nào để toàn dân có thể mua được. Tôi cho rằng mấy triệu trẻ em đi học, mà em nào cũng có thẻ bảo hiểm với mệnh giá vừa phải thôi thì cũng không thể vỡ quỹ được. Cái thẻ BHYT, thực ra mà nói, HS không mấy khi dùng đến. Tôi bảo đảm rằng 1000 em đi học, số HS ốm đau cần y tế một năm chỉ vài em. Tôi nghĩ không nên lấy mệnh giá BHYT HS cao.
Nói về nỗi khổ thu BHYT đầu năm đối với giáo viên, cũng như nỗi khổ kiếm tiền đóng bảo hiểm cho con của các bậc phụ huynh, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết sẽ có kiến nghị với Bộ Y tế, Bộ Tài chính về những khó khăn, vướng mắc của cơ sở khi thực hiện thu và sử dụng BHYT trong trường học.