Mổ xẻ điểm yếu xuất khẩu thủy sản
Mặc dù đang phải ra sức cạnh tranh với các đối thủ song thủy sản Việt Nam lại bộc lộ hàng loạt điểm yếu: con giống phải nhập khẩu, sản xuất và chế biến chưa theo chuỗi, thiếu chiến lược phát triển dài hạn…
Là 1 trong 5 quốc gia xuất khẩu thủy hàng đầu thế giới nhưng bước sang năm 2015 sản lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam chững lại, thậm chí giảm sút đáng kể. Tính chung 6 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,97% tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo Bộ NN&PTNT, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đang giảm sút rõ rệt ở những thị trường lớn. Cụ thể, Hoa Kỳ - thị trường nhập khẩu hàng đầu của ngành thủy sản Việt Nam, chiếm gần 20% tổng giá trị xuất khẩu nhưng vài tháng trở lại đây sản lượng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm hơn 29%. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc cũng giảm đáng kể gần 12% và 5%.
Nói về nguyên nhân giảm sút sản lượng cũng như giá trị sản phẩm thủy sản cơ quan hữu quan cùng giới kinh doanh cho rằng, giá đồng nội tệ thấp của các nước sụt giảm vô hình trung kéo giảm giá trị sản phẩm.
Cùng với đó, sự cộng hưởng của chính sách hạn chế nhập khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu được duy trì đã gây khó cho ngành thủy sản. Tuy nhiên điều mà DN thủy sản Việt Nam đặc biệt cần chú ý chính là, sự phát triển trở lại của nền kinh tế Hoa Kỳ trở thành lực hút mạnh đối với các nhà xuất khẩu khác. Ví dụ như: Thái Lan, Ấn Độ… đang đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Trước những “rào cản” trên, dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ không đạt được mục tiêu xuất khẩu cho cả năm.
Mặc dù phải cật lực cạnh tranh với các đối thủ truyền thống và các đối thủ mới nổi song thủy sản Việt Nam lại bộc lộ hàng loạt điểm yếu. Đơn cử, con giống phải nhập khẩu từ những thị trường đối thủ cạnh tranh, sản xuất và chế biến chưa theo chuỗi, thiếu chiến lược phát triển dài hạn…
Điều bất cập nhất hiện nay, mặc dù đứng trong top đầu về xuất khẩu tôm nhưng tôm Việt Nam không thể dẫn dắt thị trường. Theo Trần Tấn Tâm - Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng trên là do Việt Nam đang phải phụ thuộc nguyên liệu đầu vào của các nước quá lớn.
“Tôm của chúng ta cạnh tranh với Ấn Độ, Thái Lan nhưng lại nhập con giống từ 2 đối thủ này là bất ổn. Do phải phụ thuộc đầu vào từ hai nước này, vì vậy chất lượng ban đầu khó có thể kiểm soát”, đại diện một DN thủy sản phía Nam lên tiếng.
Không riêng gì con giống, việc chậm xây dựng mô hình chuỗi chăn nuôi - chế biến cũng đang là lực cản đối với ngành thủy sản nói chung và mặt hàng tôm (mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực) nói riêng. GS. TS Bùi Chí Bửu, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho rằng, giống như ngành nông nghiệp, thủy sản Việt Nam phải thay đổi mô hình nuôi trồng và chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm mới hy vọng “đánh bại” các đối thủ khác.
Như vậy vấn đề đặt ra cấp bách đặt ra, thủy sản Việt cần xem lại năng lực cạnh tranh, nếu không sẽ bị đối thủ khác đẩy ra khỏi Top các nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu. Bởi vì, chỉ mới bắt đầu cho cuộc chơi hội nhập đã thấy rõ sự đào thải. Dự báo, khả năng đào thải còn mạnh hơn trong mấy năm tới nếu thủy sản Việt Nam không có sự chuyển đổi lớn quy trình và chất lượng.