TP Hồ Chí Minh: Hệ thống tượng đài mất cân đối, xuống cấp
TP HCM đang bị động việc đưa nghệ thuật nói chung, điêu khắc nói riêng trong xây dựng các không gian công cộng. Đó là ý kiến chung của rất nhiều các chuyên gia phê bình, nhà điêu khắc tại buổi tọa đàm “Điêu khắc trong không gian công cộng tại TP HCM” do Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND TP HCM tổ chức ngày 9/9.
Tượng đài Trần Hưng Đạo tại Bến Bạch Đằng (TP Hồ Chí Minh).
Theo họa sĩ, Nhà giáo nhân dân Uyên Huy, hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố hiện nay đang rất mất cân đối, nhiều tượng đài bị hư hỏng, xuống cấp. Trong số 50 công trình, tượng đài đang hiện hữu, có 10 tượng đài từ trước 1975, 40 tượng đài được xây dựng từ sau giải phóng đến nay.
Điều đáng chú ý là có đến 76% số tượng đài này là tượng đài lãnh tụ, anh hùng liệt sĩ, sự kiện lịch sử cách mạng; 24% còn lại là tượng đài các loại khác và biểu tượng. Sự thiên lệch quá nhiều trong tỷ lệ tượng đài hay thiếu sự hiện diện của tác phẩm điêu khắc trong không gian công cộng tại thành phố cũng không hẳn vì thiếu tác phẩm.
Điển hình là số tác phẩm thu hoạch sau trại sáng tác điêu khắc quốc tế từ năm 2012 đến nay vẫn chỉ được bố trí rất lộn xộn tại công viên văn hóa Tao Đàn. Mới đây, tháng 4/2015, chính phủ Pháp đã trao tặng một tượng đài cỡ nhỏ, đẹp, theo phong cách hiện đại nhưng chúng ta vẫn chưa khẳng định được vị trí lắp đặt, mặc dù Sở VH-TT&DL cùng Hội Mỹ thuật TP đã đề xuất nhiều vị trí.
PGS.TS, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên nhận định, đa số các công trình điêu khắc hoành tráng của thành phố hiện nay đều thực hiện bằng chất liệu xi măng, bê tông cốt sắt. Chưa kể một số công trình có vị trí và chất lượng nghệ thuật không còn phù hợp với tính hiện đại và nhu cầu phát triển của thành phố. Có rất ít công trình được đặt ở những quảng trường, vườn hoa công cộng trung tâm thành phố để làm điểm nhấn biểu trưng cho nét văn hóa, thẩm mỹ của đô thị.
Hầu hết các công trình này đang được xây dựng ở các di tích lịch sử, trong khuôn viên các bảo tàng, công sở, trường học… Việc xây dựng các công trình, tượng đài lại thường chỉ chạy theo sau. Nghĩa là khu vực này, khu vực khác đã quy hoạch, xây dựng xong, thấy thiếu thiếu, trống trống mới thực hiện công trình điêu khắc lắp vào.
Về xây dựng hệ thống công trình, tượng đài nói chung, công trình, tác phẩm điêu khắc nói riêng trong không gian công cộng tại TP HCM, ngay Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ông Hứa Ngọc Thuận cũng thừa nhận, thời gian qua việc quy hoạch, xây dựng còn thiếu chủ động. Lý do là ngay quy hoạch thành phố cũng còn thay đổi. Như trường hợp công viên 23-9, từ công viên chuyển sang xây nhà hát, sau nhà hát lại có dự án xây dựng bãi ngầm…
Cũng theo ông Hứa Ngọc Thuận, hiện nay thành phố đã có quy hoạch thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các nghệ sĩ có thể tham khảo, đi thực tế để định hình, tính toán sáng tạo tác phẩm cho phù hợp, kể cả về quy mô, thể loại, chất liệu… Việc tổ chức trại sáng tác điêu khắc quốc tế TP HCM 2015 là một trong những hoạt động phục vụ mục đích này. Riêng quy hoạch tổng thể hệ thống tượng đài, trong nhiệm kỳ tới, thành phố vẫn tiếp tục triển khai thực hiện.