Sách và văn hóa đọc
Sáng 10/9, tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), Triển lãm – Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam lần thứ 5 đã khai mạc với sự tham gia của hơn 100 NXB, đơn vị phát hành sách trong và ngoài nước.
Rất đông độc giả đến Triển lãm - Hội chợ sách ngày khai mạc.
Dù trời lất phất mưa, nhưng bạn đọc vẫn nô nức đến với hội chợ sách quốc tế-Việt Nam lần thứ 5. Tâm lý chung của nhiều học sinh - sinh viên và các độc giả, ở những hội chợ sách lớn như thế này, cùng với việc được tham gia nhiều hoạt động như: Giao lưu, giới thiệu sách của các tác giả; tọa đàm về văn hóa đọc, về kỹ năng, phương pháp đọc sách hiệu quả… thì người đi hội chợ cũng mong muốn mua được nhiều sách giá rẻ, phù hợp với túi tiền.
Và tại đây một cuộc trình diễn sách qui mô cũng khiến khách tham quan thấy hài lòng. Trong đó phần triển lãm trưng bày các mô hình, biểu tượng liên quan đến sách và văn hóa đọc; các hiện vật tư liệu quý hiếm liên quan đến sự hình thành, phát triển của sách gắn với hoạt động xuất bản của Việt Nam qua các thời kỳ; trưng bày hơn 3.000 xuất bản phẩm theo chủ đề “Việt Nam phát triển và hội nhập” giới thiệu thành tựu của đất nước sau 30 năm đổi mới với 3 giai đoạn chính: Giai đoạn 1986 – 1996, giai đoạn 1997 – 2007 và giai đoạn 2008 đến nay.
Khu vực Hội chợ với 200 gian hàng của trên 100 đơn vị xuất bản, phát hành trong nước và nước ngoài được chia làm các khu vực: Khu vực dành cho các đơn vị tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phát hành các nước; Khu vực dành cho các đơn vị trong nước gồm NXB, đơn vị phát hành, công ty in, công ty thiết bị trường học, dịch vụ công nghệ thông tin, tư vấn giáo dục… Khu vực tổ chức sự kiện với 30 hoạt động sẽ diễn ra trong suốt thời gian diễn ra Triển lãm – Hội chợ sách quốc tế lần thứ 5.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, Triển lãm - Hội chợ sách Quốc tế - Việt Nam lần thứ 5 năm 2015 với chủ đề “Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển” trưng bày, giới thiệu các xuất bản phẩm có giá trị và những tư liệu, hiện vật liên quan nhằm tái hiện hành trình phát triển của sách gắn liền với tiến trình phát triển của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã đạt được sau 30 năm đổi mới và phát triển.
Đặc biệt, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Triển lãm còn trưng bày các xuất bản phẩm giới thiệu về các nước thành viên và những đóng góp, dấu ấn của Việt Nam trong quá trình gia nhập ASEAN, xây dựng cộng đồng ASEAN vì mục tiêu hoà bình, ổn định, phát triển và hướng tới người dân.
Tất nhiên, ngoài ý nghĩa tôn vinh sách, những hội chợ - triển lãm sách được tổ chức cũng góp phần nâng cao văn hóa đọc hôm nay. Trong tháng 9 này, cùng với Triển lãm Hội chợ Sách quốc tế-Việt Nam, sẽ còn có Hội sách 2015 sắp được khai mạc tại Hoàng thành Thăng Long. Sở dĩ nói câu chuyện văn hóa đọc, bởi trước đó từ năm 2014, nhân Ngày Sách Việt Nam lần đầu tiên (21-4), các hoạt động liên quan tới Ngày hội Sách và văn hóa đọc đã diễn ra sôi động trên cả nước. Dẫu vậy, hoạt động này cũng mới chỉ dừng lại ở việc bán và mua sách là chủ yếu.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, chúng ta đang bị đặt trước một thách thức lớn về sự đọc, bởi theo thống kê thì hiện mỗi năm mỗi người Việt Nam chưa đọc hết một đầu sách (0,8 cuốn). Sự thách thức ấy còn biểu hiện ở nghịch lý doanh thu bán sách, theo thống kê nghe có vẻ cao qua những Ngày hội Sách các năm, nhưng chiều sâu văn hóa đọc thì lại là khái niệm mơ hồ.
Nếu chiểu theo các cấp độ về sự đọc mà các chuyên gia nghiên cứu đã chia ra, thì cái sự đọc hôm nay của người Việt đang chỉ dừng lại ở cấp độ 1 - thấp nhất: chỉ đọc lướt cho biết thông tin theo kiểu tiêu dùng chứ không đọc sâu để dò tìm lớp nghĩa ẩn chứa bên trong đáy chữ, hay còn gọi là “bóng chữ”, nhất là chữ văn chương trong các tác phẩm xuất sắc về ngôn từ.
Kỳ vọng về việc tôn vinh và nâng tầm văn hóa đọc nhân những ngày hội sách như thế này, nhưng kể cả những nhà quản lý cùng những người yêu sách vẫn không khỏi băn khoăn về việc tạo dựng nét đẹp, thói quen văn hóa đọc trong cộng đồng.
Để công chúng không quay lưng với sách, để tạo được thói quen đọc sách cho mọi người rõ ràng không đơn giản và một chốc, một lát nhìn thấy kết quả ngay. Những hoạt động liên quan đến hội chợ sách còn là cơ hội để các đơn vị xuất bản tìm kiếm cơ hội hợp tác trong và ngoài nước; thúc đẩy xuất bản cũng như nhu cầu đọc của công chúng. Song lâu nay dường như các hoạt động tích cực dành cho sách đó chưa đủ để nhiều người thấy một sự thay đổi lớn cho văn hóa đọc ở tương lai gần.
Cũng thật có lý khi người ta đã phân tích rằng: Các hoạt động dành cho sách chỉ là hoạt động mang tính bề nổi và theo tính định kỳ “đến hẹn lại lên”, không và chưa phải là căn nguyên để khơi dậy tình yêu sách của công chúng. Bởi nếu người ta yêu sách thực sự, mê đọc sách, thường xuyên đọc sách, thường xuyên cập nhật các thông tin về sách thì sẽ không cần đợi đến ngày hội sách, đến dịp giảm giá sách mới mua. Để cảm nhận được những giá trị của sách, rõ ràng người ta cần có thời gian để thẩm thấu và yêu sách. Do đó, những hoạt động nhân dịp này nhen nhóm hi vọng sẽ góp phần vào việc tiếp lửa cho văn hóa đọc.
Tháng 9, nhưng lại nhằm tiết ngâu, Hà Nội mưa nhiều. Triển lãm - Hội chợ sách quốc tế - Việt Nam lần thứ 5 sẽ mở cửa miễn phí và kéo dài đến hết ngày 14-9. Mong rằng thời tiết không gây ảnh hưởng đến sách và những người tham gia hội chợ sách.