Xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2: Nhiều trường lo lắng

Phong Vũ 11/09/2015 11:05

Từ hôm nay (11/9) đến hết ngày 21/9, các trường ĐH, CĐ trên cả nước lại tiếp tục bước vào đợt xét tuyển bổ sung lần 2 (NV 3). Nhìn lại toàn cảnh tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay cũng có nhiều sự khác biệt. Một số trường đã hoàn thành chỉ tiêu của mình từ đợt đầu tiên, tuy nhiên vẫn còn những trường đến giờ mới nhận được một phần nhỏ hồ sơ trong chỉ tiêu xét tuyển của nhà trường.

Xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2:  Nhiều trường lo lắng

Trong đợt xét tuyển bổ sung, trái ngược với hình ảnh chen lấn, xếp hàng rút - nộp hồ sơ trong những ngày xét tuyển đầu, đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại các trường ĐH, CĐ lại rất trầm lắng. Nhiều trường đã phải lên kế hoạch chiêu sinh, tìm phương án tuyển sinh riêng trong sự mong chờ, lo lắng.

Viễn cảnh đìu hiu

PGS. TS Vũ Phán – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Phương Đông cho biết: Năm nay trường tuyển 1.900 chỉ tiêu ĐH, CĐ. Trong đợt 1 có 1.510 hồ sơ đăng ký nhưng chỉ có hơn 40% trong số đó nhập học. Trong 10 ngày xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1, trường cũng tiếp nhận được khoảng 700 hồ sơ bao gồm cả xét học bạ và xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia, tuy nhiên không thể phán đoán được có bao nhiêu hồ sơ là thật cho đến ngày thí sinh (TS) nhập học. Nếu tính cả 2 đợt vừa qua, trường chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu.

Ông Phán chia sẻ: “Đến thời điểm này chúng tôi thực sự lo lắng không tuyển đủ chỉ tiêu. Xong đợt 1 của nguyện vọng bổ sung mà vẫn thiếu thì chúng tôi vẫn phải tuyển cho đến khi không tuyển được nữa để đảm bảo chỉ tiêu”.

Còn Trường ĐH Lâm Nghiệp Hà Nội, ông Cao Quốc An – Trưởng phòng Đào tạo cho biết: Trong 10 ngày xét tuyển đợt bổ sung lần 1, tại cơ sở 1 (Hà Nội), Trường mới nhận được 700 hồ sơ/1.800 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung. Vì vậy, trường sẽ tiếp tục tuyển bổ sung ở các đợt tiếp theo cho đến tháng 10.

Viễn cảnh “đìu hiu” trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung là điều khiến ông An bất ngờ: “Theo tình trạng chung, đáng ra số lượng nguyện vọng bổ sung như thế này các em phải được nhân lên bằng 3 lần nhu cầu các trường. Bởi vì các em có 3 phiếu có thể đến được 3 trường khác nhau, như vậy lượng TS di chuyển để nộp khá nhộn nhịp. Nhưng thực tế không như thế”.

Xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2:  Nhiều trường lo lắng - 1

Các thí sinh trong đợt xét tuyển ĐH, CĐ 2015.

Tránh cạn kiệt nguồn tuyển

Nhìn lại 10 ngày xét tuyển nguyện vọng bổ sung, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH – Bộ GD&ĐT cho rằng: Đợt này các trường lo nhiều hơn là TS bởi đã có dấu hiệu cạn kiệt nguồn tuyển. Có nhiều nguyên nhân, chỉ tiêu tuyển sinh Bộ cho các trường thoải mái nhưng mặt khác Bộ vẫn khống chế điểm sàn. Gọi lần thứ nhất các trường tốp trên họ tuyển được. Chưa đủ họ tuyển lần thứ 2. Chưa hết lại tiếp tục lần thứ 3… Như vậy thì các trường tốp giữa và tốp dưới hiện nay đang còn thừa rất nhiều chỉ tiêu vẫn không gọi được. Và khả năng ở các đợt tiếp theo, đợt 3 và đợt 4 chắc đâu đã gọi đủ…

Để tránh nguy cơ cạn kiệt nguồn tuyển, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đề xuất: “Bộ phải kiểm tra lại chỉ tiêu tuyển sinh, phân bố cho hài hòa chứ không phải cho các trường tự định rồi quyết định chỉ tiêu cho mình. Cách đây mấy năm nguy cơ cạn kiệt nguồn tuyển người ta đã tính tới rồi vì chỉ tiêu mà Bộ cho các trường lớn quá và không cân đối giữa khối ĐH và CĐ. Cho nên đối với CĐ cũng cạn kiệt nguồn tuyển chứ không phải ĐH. Đến thời điểm hiện nay chưa thể đánh giá được điểm sàn Bộ định ra như thế là khoa học, chính xác bởi vì không phải ngẫu nhiên mà có sự chủ ý là cho điểm sàn tất cả các khối nhu nhau hết. Chuyện đó hi hữu lắm”.

“Nếu Bộ quản lý hết thì cho TS đăng ký nguyện vọng từ 1/10, tối đa nguyện vọng và xếp 1 lần là xong. Trường nào TS không thích thì không vào. Lúc đó các trường phải cạnh tranh vì thương hiệu, vì chất lượng, cái đấy là cạnh tranh lành mạnh”, ông Khuyến phân tích.

Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Đô cũng góp ý: “Bộ chỉ nên để tối đa cho TS lựa chọn 2 ngành trong nguyện vọng của mình. Thứ 2 là, đã cấp account cho TS để TS biết được điểm thi, số báo danh tại sao mình không làm thêm động tác nữa là đăng ký trực tuyến? Khi đăng ký trực tuyến lập tức các thông số của ngành đó hiện ngay cho các em. Một em vào đăng ký sẽ biết được ngay. Các trường cũng không cần đến phiếu nguyện vọng, sau khi các em nhập học rồi thì các trường cần kết quả thi các em mang đến nộp thôi. Đăng ký trực tuyến, khi nào trúng tuyển thì nộp, giảm số lượng ngành trong một trường để các em thực sự tập trung vào những ngành các em yêu thích. Thêm nữa là rút ngắn thời gian một đợt và tăng số đợt lên cho các em… Với cách này, TS không trúng được ngành yêu thích của trường này thì lần sau sẽ trúng những ngành yêu thích của trường khác”.

Phong Vũ