Vùng cao và nỗi lo sạt lỡ đất
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng đoàn công tác của tỉnh vừa có chuyến thị sát, kiểm tra tình hình nguy cơ sạt lỡ tại xã Zà Hung và đời sống của đồng bào Cơtu tại xã Mà Coi huyện Đông Giang. Qua đó cho thấy ở những vùng đất này đang tồn tại nỗi lo sạt lỡ đất và những bất cập cần được khẩn cấp tháo gỡ.
Ở miền núi mùa mưa bão năm nào cũng gây cảnh sạt lở đường
khiến nhiều nơi bị cô lập.
Theo huyện Đông Giang, toàn huyện có 26 điểm đối diện nguy cơ sạt lỡ cao với hơn 120 hộ Cơtu đang sinh sống. Rieng tại thôn Xà Nghìn của xã Zà Hùng có 32 hộ đồng bào Cơtu nằm ở vị trí có nguy cơ sạt lỡ cao, ảnh hưởng đến đời sống cũng như tính mạng người dân. Đã có 7 hộ dân di dời đến nơi ở mới an toàn hơn, song còn lại 25 hộ vì không có điều kiện nên chấp nhận sống trong nguy hiểm.
Kiểm tra tại hai khu tái định cư Pachepalanh và Cútchơrun, ông Thanh đã nghe chính quyền địa phương báo cáo về tình hình đời sống của người dân sau 10 năm về nơi ở mới. Theo đó, năm 2005, hai khu tái định cư này có 229 hộ Cơ tu sinh sống, tuy nhiên đến thời điểm này đã phát sinh thêm 126 hộ, do đó dẫn đến tình trạng đất ở, đất sản xuất không đảm bảo. Ngoài ra nước sinh hoạt và các hạng mục công trình trong hai khu tái định cư đều đã bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân, và nguy cơ tái nghèo cao ở hai khu tái định cư này là rất dễ xảy ra.
Trước đó trong chuyến công tác tại huyện miền núi Nam Trà My, ông Thanh cũng đã yêu cầu UBND huyện Nam Trà My chỉ đạo sớm dời dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá đến sinh sống an toàn. Cụ thể ông Thanh đã yêu cầu UBND huyện Nam Trà My đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, nước sinh hoạt, điện thắp sáng,… tại điểm dự kiến bố trí dân cư mới tại thôn 5, xã Trà Cang và vận động di dời 30 hộ dân có nguy cơ cao về sạt lở đất tại 2 Nóc Tak Giang và Tak Chai đến nơi ở mới trước mùa mưa lũ năm 2015. Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc địa phương trong việc thực hiện di dời 30 hộ dân nói trên; đồng thời, tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT để hỗ trợ kinh phí di dời dân theo quy định.
Tại các khu tái định cư vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Trước tình trên ông Thanh đã chia sẻ với đồng bào Cơtu những hiểm nguy, khó khăn, bất cập mà bà con đang gặp phải, đồng thời hứa sẽ cùng với huyện sớm tìm ra những giải pháp cấp bách trong việc di dời dân đến nơi ở an toàn hơn, còn về hai khu tái định cư, tỉnh giao huyện Đông Giang sớm lập đề án, quy hoạch cụ thể đất ở, đất sản xuất cũng như xây dựng các công trình dân sinh thiết yếu, phục vụ đời sống của bà con.