Y án 19 năm tù đối với Cựu giám đốc TMV Cát Tường
Cho rằng bản án sơ thẩm quy kết đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Tường- Cựu giám đốc Trung tâm TMV Cát Tường (Hà Nội) là đúng người, đúng tội nên TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Tường.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường cùng Đào Quang Khánh tại phiên tòa phúc thẩm
Ngày 11-9, Tòa án cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973), cựu bác sĩ bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Cựu giám đốc Trung tâm TMV Cát Tường vì liên quan đến vụ án TMV Cát Tường làm chết khách hàng rồi vứt xác xuống sông Hồng nhằm phi tang xảy ra vào tháng 10-2013.
Trong phiên tòa hôm nay, mặc dù Đào Quang Khánh không kháng cáo và cũng không bị kháng nghị, song nhằm làm rõ tất cả các tình tiết liên quan đến vụ án nên Đào Quang Khánh cũng được triệu tập tới phiên xét xử phúc thẩm với tư cách bị án trong vụ án.
Theo Chủ tọa phiên tòa Phúc thẩm nêu diễn biến vụ việc: ngày 19-10-2013, chị Lê Thị Thanh Huyền (41 tuổi, trú tại phố Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến TMV Cát Tường (đường Giải Phóng, Hà Nội) để làm đẹp nâng ngực, hút mỡ bụng thì bị tử vong. Tối cùng ngày, Tường và nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh đã dùng ô tô vận chuyển xác nạn nhân ra cầu Thanh Trì vứt xuống sông Hồng phi tang. Trước đó, tại TMV Cát Tường, Khánh đã trộm chiếc điện thoại iphone của chị Huyền.
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 5-12-2014, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Tường 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và 5 năm về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Tổng hình phạt là 19 năm tù giam. Bị cáo Đào Quang Khánh bị xử phạt 24 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” và 9 tháng tù về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Tổng hình phạt là 33 tháng tù giam.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường cho rằng bản án sơ thẩm quy kết không đúng tội nên Tường lập tức có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Chị Nguyễn Thị Hằng- (vợ Tường) cũng kháng cáo về dân sự liên quan đến chiếc ô tô mà Tường chở nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đi vứt xác. Chiếc ô tô này được tòa cấp sơ thẩm xác định là vật chứng của vụ án nên đã kê biên, tịch thu.
Trong phần thẩm vấn tại tòa phúc thẩm, Đào Quang Khánh khai thời điểm ngày 18-10-2013, khi chị Huyền đến TMV Cát Tường, Khánh đã dắt xe cho chị Huyền vào nơi để xe sau đó nhìn thấy người phụ nữ này đi vào phòng làm việc của TMV Cát Tường. Theo Khánh, việc bàn bạc vứt xác nạn nhân là do Nguyễn Mạnh Tường. Khoảng 23 giờ đêm 19-10-2013, Khánh bắt đầu tham gia bê xác nạn nhân đi phi tang. Việc mang xác nạn nhân lên ô tô, ngoài Khánh ra còn có Lê Văn Công và Nguyễn Mạnh Tường. Khi mang xác nạn nhân đi phi tang có Khánh, Tường và Nguyễn Thị Hằng (vợ Tường). Ngày hôm sau, Khánh còn thuê người vớt chăn, màn, ga gối bị vứt ở dưới sông lên theo chỉ đạo của Tường với giá 4 triệu đồng.
Toàn cảnh phiên tòa phúc thẩm
Tại tòa, anh Lê Văn Công (nhân viên TMV Cát Tường) cho rằng, Tường chỉ đạo Công mang xác nạn nhân lên ô tô. Sau đó, Công cùng Tường và Khánh mang thi thể nạn nhân đến bệnh viện Bưu Điện chứ Công không tham gia vào việc vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng. Lúc đó tôi rất hoảng loạn nên xin về…” Công khai.
Còn anh Nguyễn Quang Thành (bác sĩ bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Thành nhận được đề nghị của Tường đến cấp cứu bệnh nhân nên Thành đã đến TMV Cát Tường để cứu hộ. Thời điểm cấp cứu nạn nhân thì chị Huyền đã tắt thở, sau đó Tường còn nhờ Thành mang xác đến bệnh viện Bưu Điện tuy nhiên Thành đã từ chối.
Tại Tòa, chị Nguyễn Thị Hằng (vợ Tường) trình bày, trong hành trình mang xác nạn nhân đi phi tang, Hằng và Khánh đi xe máy theo xe ô tô của Tường. Việc dẫn ra cầu Thanh Trì vứt xác không phải là ý kiến của Hằng và trong quá trình đó, Hằng có can ngăn Tường nhưng Tường không nghe. Hằng cho biết, vẫn giữ nguyên kháng cáo xin lại một phần chiếc ô tô để góp phần vào việc đền bù cho gia đình nạn nhân.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường vẫn khăng khăng khẳng định, việc vứt xác nạn nhân không phải do Tường đề xuất mà là do Đào Quang Khánh đề xuất. Tường thừa nhận việc phẫu thuật cho chị Huyền, chỉ đạo các nhân viên tiêm thuốc cho chị Huyền khi chị Huyền có biểu hiện bất thường. Tường cũng thừa nhận sau khi phẫu thuật cho chị Huyền, Tường đi lễ chùa với bạn gái. Sau khi nhận được điện thoại của nhân viên báo chị Huyền có biểu hiện co giật, người tím tái đã gọi điện nhờ bác sĩ Nguyễn Quang Thành đến cấp cứu cho nạn nhân. Thời điểm Tường về đến TMV Cát Tường thì nạn nhân đã tử vong.
Về nguyên nhân thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang giảm nhẹ hình phạt, Nguyễn Mạnh Tường cho hay “trong quá trình tạm giam, bị cáo suy nghĩ về hành động của mình là sai. TMV Cát Tường chưa xin giấy phép mà đã hoạt động. Trong quá trình công tác bị cáo chưa để xảy ra sai sót gì. Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự. Bị cáo không cố ý để xảy ra sự việc…bị cáo mong HĐXX xem xét giảm nhẹ tội để sớm về với vợ con”.
Về phía gia đình bị hại, ông Lê Văn Viễn (bố đẻ nạn nhân) cho rằng cấp tòa sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm. Lê Thị Thúy Mai đã có sự bàn bạc với Tường trong việc phi tang nạn nhân. Mẹ đẻ của nạn nhân là bà Nguyễn Thị Hiền cho rằng nếu Tường có trách nhiệm thì con gái bà đã không chết. Còn anh Nguyễn Hữu Huy-chồng chị Huyền đề nghị HĐXX xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tại phần tranh luận, theo đại diện VKS cho rằng, cấp tòa sơ thẩm kết tội Nguyễn Mạnh Tường hai tội danh là đúng người, đúng tội. Mức án 19 năm tù cho hai tội danh của bị cáo Tường là phù hợp. VKS đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đối với kháng cáo xin một phần chiếc xe mà Tường dùng để chở xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền đi phi tang, VKS cho rằng, tòa cấp sơ thẩm xác định đây là chiếc xe phạm tội nên cần truy thu và bổ sung công quỹ là phù hợp. VKS cũng đề nghị bác kháng cáo của chị Nguyễn Thị Hằng.
Trong phần bào chữa cho bị cáo Tường, Luật sư Chu Thị Trang Vân cho rằng, việc chị Huyền tử vong là rủi ro không ai muốn. Tường đã thực hiện nhiều thao tác cấp cứu nạn nhân song bất lực nên hoang mang không đủ bình tĩnh. “Trước khi xảy ra vụ án, Tường là bác sĩ tốt, chỉ vì hành động thiếu suy nghĩ nên phải ra trước vành móng ngựa hôm nay. Kính mong HĐXX xem xét tới nhân thân của bị cáo, việc thay đổi toàn bộ kháng cáo và đã nhận tội cho thấy Tường đã ăn năn, hối cải…” Luật Sư Vân trình bày.
Nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường ôm mặt khóc nức nở “sự việc xảy ra, bị cáo rất đau sót. Bị cáo mong HĐXX khoan dung, độ lượng với bị cáo”.
Sau khi nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm cho rằng, TMV Cát Tường hoạt động không phép, việc hút mỡ bụng, nâng ngực là vi phạm quy định khám chữa bệnh như tòa cấp sơ thẩm quy kết là đúng người, đúng tội không oan. Hành vi của bị cáo Tường gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chị Huyền tử vong. Mặc dù tại tòa phúc thẩm bị cáo Tường thành khẩn khai nhận, gia đình tiếp tục bồi thường thiệt hại nhưng HĐXX xác định không có căn cứ xem xét giảm án cho bị cáo.
Đối với kháng cáo của chị Nguyễn Thị Hằng về việc xin lại một “nửa” chiếc ô tô, HĐXX khẳng định là phương tiên sử dụng vào việc phạm tội, Tòa cấp sơ thẩm quyết định tịch thu ô tô để sung công quỹ là có căn cứ.
Vì vậy, HĐXX quyết định bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo đó, bị cáo Tường phải nhận 19 năm tù cho hai tội danh “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Bị cáo Tường bị cấm hành nghề 5 năm sau khi mãn hạn tù. Chiếc xe ô tô bị tịch thu sung công quỹ.