Đấu tranh phòng, chống tham nhũng: Kết quả chưa tương xứng với thực tế
Nhận định về báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2015, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được kết quả tích cực nhưng chưa tương xứng với thực tế.
Phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban Tư pháp kết thúc, ngày 11/9.
Ngày 11/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015. Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, việc xem xét, xử lý các hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm, nặng về xử lý hành chính; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều có tăng nhưng vẫn thấp so với số tài sản bị chiếm đoạt.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện và chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Kết quả PCTN thời gian qua đã có tác dụng phòng ngừa, răn đe nhất định đối với tệ tham nhũng, tuy nhiên tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp.
Theo ông Lượng, tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Tình hình tham nhũng diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực.
Qua phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng xảy ra cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính chất có tổ chức của vụ việc, vụ án tham nhũng ngày càng rõ nét hơn, mức độ tham nhũng lớn, một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; Nhiều vụ án tham nhũng phức tạp có yếu tố nước ngoài, phần nào ảnh hưởng đến nhìn nhận của quốc tế về tình hình tham nhũng ở Việt Nam.
Ông Lượng cho biết, những hạn chế trên là do một số văn bản, đề án quan trọng phục vụ cho công tác PCTN còn chậm; nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn phổ biến. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra tăng hơn so với năm 2014 nhưng còn ít.
Việc xem xét, xử lý các hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm, nặng về xử lý hành chính; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều có tăng nhưng vẫn thấp so với số tài sản bị chiếm đoạt.
Nhận định về báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2015, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Đình Quyền cho rằng, công tác PCTN đã đạt được kết quả tích cực nhưng chưa tương xứng với thực tế.
Đa số các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả không rõ nét hoặc còn hình thức, thiếu hiệu quả, nhất là các biện pháp để bảo đảm kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trả lương qua tài khoản, chuyển đổi vị trí công tác.
“Đối tượng kê khai tài sản, thu nhập còn rộng, thiếu tập trung vào các đối tượng có nguy cơ tham nhũng. Nhiều năm liền Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị cần có giải pháp phù hợp nhưng mới chỉ dừng lại là thay thế hình thức trả lương cho cán bộ, công chức qua tài khoản. Định mức tiêu chuẩn thiếu phù hợp dẫn đến phát sinh tư tưởng tìm mọi cách để bù chi phí- cũng là nguyên nhân phát sinh tư tưởng tham nhũng”- ông Quyền chỉ rõ.
Ông Đỗ Văn Đương- Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, báo cáo vẫn đánh giá là tham nhũng diễn biến phức tạp nhưng tội phạm tham nhũng thì lại giảm sâu, do đó cần phải làm rõ nguyên nhân. “Tại sao cơ quan điều tra chống tham nhũng chuyên trách ở cấp tỉnh, huyện phát hiện tham nhũng rất ít? Có vướng mắc gì? Có hay không chính quyền địa phương “xin” được chỉ xử lý hành chính? Như vậy dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
Thời gian qua, kiến nghị thu hồi tài sản nhưng không thực hiện thì phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu địa phương khi mới xử lý được 3 người chưa phản ánh đúng tình hình “đánh bùn sang ao”- ông Đương nói.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đào Thị Xuân Lan đề nghị làm rõ chưa nghiêm ở cơ quan nào? Có thống kê được số vụ cụ thể không? Nếu chỉ chung chung thì không làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong PCTN.
“Báo cáo cũng đánh giá tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp, tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn phổ biến, biểu hiện nạn hối lộ, chạy chọt, lót tay. Tuy nhiên cũng không nêu được con số trong thời gian qua đã xử lý như thế nào. Nếu chỉ đánh giá chung chung mà không đưa được con số cụ thể sẽ gây cho người dân lo ngại”- bà Lan chỉ rõ.
Theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong, việc phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu đã kéo dài nhiều năm. “Báo cáo phản ánh tình trạng hối lộ, tham nhũng vặt, kể cả chạy án là có, đã xuất hiện tình trạng lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực. Vậy phải làm rõ nhóm nào?”- ông Phong đặt vấn đề.
Trước ý kiến cho rằng tham nhũng chưa được ngăn chặn là do thể chế, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng thể chế luôn luôn được hoàn thiện. Cần làm rõ do thể chế hay chủ yếu là quyết tâm chính trị, tổ chức thực hiện chưa tốt.
Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng nói: “Thể chế có hạn chế nhưng nếu chúng ta quyết tâm thì sẽ đạt được kết quả như mong muốn. Không nên đổi lỗi cho thể chế. Chừng nào còn có tâm lý le lói hy vọng tham nhũng sẽ bị xử lý nhẹ thì chừng đó kết quả PCTN sẽ không phát huy hiệu quả”.