600 Phó Chủ tịch xã tình nguyện: Bài toán đầu ra

Lục Bình 12/09/2015 09:15

Đề án tăng cường gần 600 Phó Chủ tịch xã về 64 huyện nghèo trong cả nước, do Bộ Nội vụ chủ trì chuẩn bị kết thúc sau 5 năm. Dù hầu hết 580 đội viên dự án được đánh giá là hoàn thành tốt, thậm chí là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhưng tại Đại hội Đảng bộ các xã nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ có chưa tới 25% Phó Chủ tịch xã được bầu vào cấp ủy. Câu chuyện tắc “đầu ra” cho các Phó Chủ tịch xã tình nguyện đang là một thực tế ở nhiều địa phương.

Nhiều vùng khó khăn rất cần đội ngũ trí thức trẻ. (Ảnh: Hoàng Long).

Nhiều xã nghèo thay da đổi thịt

Để tăng cường năng lực cho các xã nghèo, 580 Phó Chủ tịch xã (PCTX) thuộc Đề án 600 trí thức trẻ được bố trí về làm PCTX tại 64 huyện nghèo đã được thực hiện cách đây gần 5 năm. Sau một khoảng thời gian gắn bó với đất nghèo, bằng nhiệt huyết, sức trẻ và tri thức có được, các đội viên đã góp phần làm thay da, đổi thịt những vùng đất khó.

PCTX Yên Thổ, Bảo Lâm (Cao Bằng) Hà Văn Quảng cho biết, sau gần 4 năm gắn bó, cá nhân anh đã quen việc. Hiện 90% phần việc của xã từ tham mưu, chỉ đạo đến trực tiếp hướng dẫn bà con phát triển kinh tế địa phương đã được làm nhịp nhàng. Một điều đáng mừng theo anh Quảng, đời sống của bà con trong xã đã dần được cải thiện. Trước 2011 xã Phong Thổ có trên 90% hộ nghèo, đến nay còn chưa đến 50% hộ nghèo.

Trả lời về dự định trong tương lai khi không trúng cử vào cấp ủy, anh Quảng tâm sự, nguyện vọng của anh là muốn gắn với xã nghèo Yên Thổ, còn rất nhiều việc dang dở cần phải làm. Hiện Yên Thổ đã được bổ sung nguồn cán bộ trẻ từ Đề án 600 PCTX, đề án 500 trí thức trẻ... Nếu có cách làm đúng đắn chắc chắc chắn sẽ giúp đất nghèo bớt khó - theo anh Quảng.

Xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai từ khi được tăng cường PCTX Tráng Seo Pao cũng đã có nhiều thay đổi đáng kể. Vị tân PCTX này đã tự tay đi đo đạc, tính toán, lập dự toán, làm tờ trình xin tài trợ... để đổ bê tông những con đường gập ghềnh, cheo leo trên địa bàn xã.

Đầu tiên, Tráng Seo Pao cho đổ thí điểm tại một điểm đường thôn. Chỉ sau 2 ngày thực hiện, bà con có thể đi xe máy trên con đường bêtông rộng 1m mà trước đây là những lối mòn ngoằn ngoèo bám vào vách núi, chỉ có thể đi bộ.

Từ việc làm nhỏ nhưng thiết thực như vậy đã huy động được sức dân trong việc bêtông hóa những con đường mòn giữa các thôn bản. Đến nay, Tráng Seo Pao đã vận động bà con trong xã làm được 13,5 km đường liên gia, ngõ xóm của 9/12 thôn, 5 km đường liên thôn, đổ bêtông được 200 nền nhà, hoàn thành 400 nhà vệ sinh tự hoại và 220 chuồng nuôi gia súc cho dân bản...

Đánh giá năng lực của đội viên Dự án 600 PCTX, ông Trần Khánh Thục- Trưởng phòng Công tác thanh niên, Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: Hầu hết các đội viên của Nghệ An đều phát huy năng lực, sở trường của mình. Sau một thời gian lăn lộn với vùng đất khó, các bạn đã trưởng thành lên rất nhiều. Đ

ó là lý do khiến 20/26 đội viên dự án đã được bầu vào cấp ủy xã nhiệm kỳ 2015-2020, 6 đội viên còn lại chưa được bầu vào cấp ủy là bởi những đội viên này chưa được chuyển Đảng chính thức, tuy nhiên họ cũng đã được quy hoạch vào các chức danh của xã.

Cán bộ Đoàn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai
cùng bà con Xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai
trong đợt tình nguyện “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”.

3/4 Phó Chủ tịch xã không được bố trí vào cấp ủy xã

Tuy nhiên, số PCTX được bầu vào cấp ủy xã nhiệm kỳ tới không mấy địa phương trong cả nước làm được như Nghệ An. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, kết thúc Đại hội Đảng bộ các xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, chưa đến 25% số PCTX trẻ trong Đề án được bầu vào cấp ủy, đồng nghĩa với việc 3/4 trong số đó không có chức danh quy hoạch.

Điều đáng nói là tất cả những PCTX trong Đề án đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ và có những người hoàn thành ở mức xuất sắc. Tuy nhiên, một thực tế đang phát sinh, nhiều địa phương vẫn coi những PCTX này là người của Đề án.

Sau khi kết thúc, họ sẽ rời địa phương và không đảm đương tốt nhiệm vụ này. Thậm chí, có những địa phương như tỉnh Sơn La chủ trương không bố trí quy hoạch những cán bộ trẻ này trong thời gian tới.

Trả lời lý do vì sao PCTX thuộc Đề án 600 PCTX không được quy hoạch vào cấp ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết: Tổng số biên chế được giao đối với cấp xã và các cấp đã ổn. Năm nay, cũng như 3 năm liên tục gần đây Nhà nước không giao tăng thêm biên chế, các vị trí đã bố trí con người chúng tôi chưa có lối thoát ra để có vị trí cho các em được tuyển dụng. Vì vậy, rất cần văn bản hướng dẫn để có cơ chế đặc thù, chính sách cụ thể để sắp xếp việc cho các em.

Còn nguyên Phó Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng Nguyễn Danh Phương (người đã từng theo dự án từ những năm đầu) cho biết, đội viên dự án không được quy hoạch vào cấp ủy xã là vì các em chưa là đảng viên chính thức. Sau khi chuyển Đảng chính thức đội viên mới được quy hoạch vào cấp ủy.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn của Đề án, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên - Giám đốc Dự án 600 PCTX Vũ Đăng Minh cho biết: PCTX không được vào cấp ủy nhiệm kỳ tới, đây là thực tế tại 64 huyện nghèo. Hiện Bộ Nội vụ đang xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Sẽ có giải pháp cụ thể lo “đầu ra” cho các PCTX.

Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các tỉnh, rà soát, đánh giá chất lượng của các PCTX trẻ sau 5 năm công tác. Nếu các PCTX được đánh giá tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, địa phương phải bố trí sử dụng các em ở vị trí tương đương hoặc chức danh cao hơn. Đối với PCTX được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ sẽ được bố trí làm công chức chuyên môn của các phòng, ban của cấp huyện.

Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phân nguồn biên chế các trí thức trẻ cho các tỉnh. Các trí thức trẻ được lựa chọn qua quá trình thi tuyển của Đề án được thực hiện theo quyết định tăng cường cán bộ cho các xã thuộc huyện nghèo, họ đã thuộc biên chế Nhà nước, nên không nằm trong số lượng tổng biên chế cán bộ công chức cấp xã theo quy định.

Lục Bình