Lục Yên chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); thời gian qua, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã chủ động huy động mọi nguồn lực, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng bảo tồn phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên.
Triển khai chương trình hỗ trợ tại Lục Yên.
Chị Triệu Thị Minh Hiền- dân tộc Tày- xã Mai Sơn, người được biết đến là nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi với mô hình sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng. Từ 2 bàn tay trắng với ý chí nghị lực của bản thân sau nhiều năm xây dựng và phát triển nghề kinh doanh vật liệu xây dựng.
Đến nay không chỉ giúp gia đình chị thoát nghèo, vươn lên làm giàu với thu nhập trung bình trên dưới 200 triệu đồng một năm, mà còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Chị là tấm gương dân tộc thiểu số tiêu biểu để nhiều người học hỏi. Chị Triệu Thị Minh Hiền tâm sự: “Bản thân tôi cũng được sự hỗ trợ của nhà nước vay vốn phát triển kinh tế, làm ăn, sau nhiều năm đến nay đời sống của gia đình đã ổn định, không vất vả như trước đây nữa".
Huyện Lục Yên hiện có 18 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 80%. Xuất phát từ tình hình thực tế tại các vùng đồng bào DTTS, đại đa số bà con có trình độ dân trí và kinh nghiệm sản xuất hạn chế, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ... vì vậy, huyện đã tập trung thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, dần hình thành các vùng chuyên canh; đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất; phát triển một số ngành nghề truyền thống nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ cơ chế cho nhân dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với sản xuất hàng hóa như: phát triển cây ăn quả đặc sản Cam Vinh, Cam sành, đồng thời chú trọng phát triển đàn trâu, bò sinh sản...
Thông qua các chương trình hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn, như Chương trình 135, 167... của Chính phủ được triển khai hiệu quả ở Lục Yên; tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện duy trì ổn định ở mức 16,42%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 4-6%...
Với sự trợ giúp của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực vươn lên của bản thân nên ngày càng xuất hiện nhiều hộ đồng bào DTTS là tấm gương tiêu biểu trong các phong trào thi đua và đóng góp tích cực vào phát triển KT – XH của địa phương; điển hình như: Mô hình trồng rừng gắn với chăn nuôi của hộ ông Hoàng Văn Pháo- xã Minh Xuân thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; mô hình sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng của hộ chị Triệu Thị Minh Hiền- xã Mai Sơn thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm….
Các chương trình đầu tư cho các xã trong huyện đã được đưa vào sử dụng và phát huy tốt hiệu quả. Hiện, toàn huyện có 100% số xã có đường ô - tô đến trung tâm xã, tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98%; nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, hệ thống thông tin liên lạc được xây dựng nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội trong đồng bào DTTS.
Ông Nguyễn Nguyên Đúng- trưởng Phòng dân tộc huyện Lục Yên cho biết: Với chức năng tham mưu cho UBND huyện quản lý về công tác dân tộc trên địa bàn, trong thời gian qua, được sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của Huyện ủy- UBND huyện, sự phối hợp tốt của các ngành chức năng tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua các chương trình, dự án đã nâng cao đời sống kinh tế- văn hóa cho các hộ gia đình, có tác động tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.