Luật hở, kinh doanh đa cấp tung hoành
Mô hình kinh doanh, bán hàng đa cấp phát triển khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở của luật pháp, kinh doanh đa cấp xuất hiện nhiều mánh lới lừa đảo, khiến cho phần lớn người tiêu dùng nhìn kinh doanh đa cấp không thiện cảm.
Nhẹ dạ, mất của
Mô hình kinh doanh đa cấp được pháp luật Việt Nam chính thức thừa nhận cách đây 10 năm – từ thời điểm Luật Quản lý cạnh tranh ra đời. Tuy nhiên, bên cạnh những DN làm ăn chân chính, thì số DN lợi dụng kẽ hở pháp luật để kinh doanh, bán hàng đa cấp bất chính lại xuất hiện ngày một dày đặc trên thị trường, khiến cho nhiều người tiêu dùng “nhẹ dạ cả tin” rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Nhiều người, nghe theo lời dụ dỗ “bùi tai” của những nhân viên trong đường dây kinh doanh đa cấp bất chính đã sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu để thâm nhập vào đường dây đó, để đến khi mọi sự rõ ràng, mới biết mình bị lừa đảo.
Dư luận vẫn chưa quên vụ MB24 hồi năm 2012 – một dạng biến tướng của kinh doanh đa cấp – lừa đảo hàng trăm người dân với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cũng trong năm 2012, Công ty Agel kinh doanh thực phẩm chức năng với mạng lưới hàng trăm hàng nghìn nhân viên vì hoạt động bất chính, lừa đảo, Công ty này đã bị đóng cửa.
Đó chỉ là hai trong những ví dụ mà các DN, tổ chức, cá nhân lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để biến tướng lừa đảo chiếm đoạt tiền, của cải vật chất của người tiêu dùng. Còn rất nhiều trường hợp người tiêu dùng bị mạng lưới kinh doanh đa cấp lừa chiếm đoạt tài sản, song, với số tiền chỉ vài triệu đến vài chục triệu, nhiều người tiêu dùng đành “ngậm ngùi” bỏ qua.
Có một đặc điểm là, các đối tượng lừa đảo bằng hình thức kinh doanh đa cấp chủ yếu hướng vào những người tiêu dùng nhẹ dạ cả tin, hoặc những người thất nghiệp, tầng lớp sinh viên… và cả tầng lớp trí thức, có kiến thức, hiểu biết rộng nhưng vì muốn làm giàu một cách nhanh nhất, vẫn bị lừa vào đường dây kinh doanh đa cấp.
Ông Nguyễn Văn T. (ở phố Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) kể, ông đã được một người thân giới thiệu đến nghe một buổi thuyết trình về kinh doanh đa cấp của một công ty bán thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, khi đến hội thảo, ông T. và hàng trăm người khác tham dự không được nghe về tính năng, chất lượng của thực phẩm chức năng, mà chủ yếu nghe những bài trình bày về việc: Làm thế nào để kiếm tiền nhanh nhất? Ông cũng được tư vấn để tham gia chuỗi bán hàng với tiêu chí nếu càng giới thiệu được nhiều người tham gia thì ông T. sẽ có thêm thu nhập cả chục triệu đồng/ tháng.
Thế nhưng, thực tế không phải như vậy, mặc dù kéo được một số người thân tham gia mua nhưng tiền hoa hồng cũng không có, mà sản phẩm cũng không thấy đâu. Biết mình bị lừa, nhưng ông T. cũng đành ngậm đắng vì đã được cảnh báo rồi mà vẫn ham hố.
Luật vẫn còn kẽ hở
Về bản chất, kinh doanh đa cấp không phải là loại hình kinh doanh xấu. Bởi nếu xấu, pháp luật đã không cho phép loại hình này được tồn tại ở nước ta. Và trên thực tế, nếu xấu, kinh doanh đa cấp đã không thể tồn tại ở nhiều nước trên thế giới hàng trăm năm qua.
Song, kể từ khi du nhập vào Việt Nam, lợi dụng những lỗ hổng của luật pháp, kinh doanh đa cấp đã phát triển mạnh mẽ kèm theo những biến tướng không ai lường hết được. Thực trạng này khiến cho phần lớn người tiêu dùng Việt Nam nhìn mô hình kinh doanh đa cấp với con mắt thiếu thiện cảm, coi như bán hàng đa cấp là một loại “kinh doanh lừa đảo”.
Trước sự biến tướng mạnh mẽ của loại hình kinh doanh đa cấp, năm 2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định 110. Tiếp theo đó Nghị định 42/2014/NĐ-CP với nhiều quy định mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giám sát của cơ quan nhà nước đối với hoạt động của DN bán hàng đa cấp, đồng thời bảo vệ người tham gia trước hành vi lừa đảo, trục lợi.
Theo khẳng định của ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), với việc ra đời của Nghị định 42 sẽ hạn chế thấp nhất những hành vi sai trái về bán hàng đa cấp. Các cơ quan chức năng cũng có tiêu chí để quản lý, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm người tiêu dùng và doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới luật gia, các đối tượng, tổ chức, cá nhân vẫn Lách luật để thực hiện hành vi lừa đảo.
Đơn cử như, Nghị định 42 cấm DN bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi: Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp… Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp… Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hoá hoạt động của DN bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp…
Tuy nhiên, thực tế, nhiều công ty bán hàng đa cấp vẫn cố tình vi phạm những quy định nói trên. Bên cạnh đó, chế tài xử lý cũng chưa mạnh tay, chỉ rút giấy phép kinh doanh khi bị phát hiện vi phạm, nên cũng chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.
Để quản lý loại hình kinh doanh này, cơ quan quản lý cần phải tích cực hơn trọng việc kiểm tra, xử lý, xử phạt những đối tượng vi phạm. Nếu vẫn buông lỏng quản lý với loại hình kinh doanh đa cấp thì những biến tướng vẫn có đất sống.