Nông sản trước áp lực cạnh tranh

H.Hương 13/09/2015 07:35

Cánh cửa thị trường hội nhập mở ra, thịt ngoại, ô tô ngoại, hoa quả ngoại… tràn vào. Sản xuất trong nước có xu hướng bị thu hẹp do cạnh tranh đến từ các nước TPP, FTA đặc biệt là ngành chăn nuôi.

Người chăn nuôi khó khăn trước việc gia súc, gia cầm từ bên ngoài tràn vào.

Lỗi tại ai?

Theo dự báo, khi mà Hiệp Định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết trong thời gian tới, lượng thịt có xuất xứ ngoại sẽ ồ ạt có mặt tại Việt Nam bởi, lúc đó thuế suất mặt hàng này về 0%, thay vì 10 - 40% (tùy từng mặt hàng) như hiện nay. Đây là viễn cảnh tất yếu vì nhiều nước trong TPP như Canada, Mỹ, Australia, New Zealand chính là 4 cường quốc chăn nuôi của thế giới.

Trong khi đó, giá thành sản xuất các mặt hàng thịt ở Việt Nam đắt gấp đôi các nước bạn. Chẳng hạn giá thành sản xuất thịt heo ở trong nước là 2,08 đô la Mỹ/kg, còn ở Mỹ là 1,41 đô la Mỹ/kg; giá sản xuất thịt bò trong nước là 2,53 đô la Mỹ/kg, còn ở Úc là 1,77 đô la Mỹ/kg.

Điều này cũng khiến cho thịt ngoại ngày càng xuất hiện nhiều trên bàn ăn của người Việt Nam. Chính vì vậy nhiều sản phẩm chăn nuôi của nước ta không thể cạnh tranh được khi hội nhập.

TPP, hay các FTA (Hiệp định kinh tế) được ký kết đang đẩy ngành chăn nuôi đứng trước thảm cảnh phá sản và cả chục triệu nông dân lao động trong ngành này bị lao đao. Nhiều dự cảm ngành chăn nuôi sẽ “thua đau trên sân nhà”, doanh nghiệp chăn nuôi trước nguy cơ phá sản…

Nhưng đó đâu phải là lỗi của hội nhập! Doanh nghiệp chăn nuôi trong nước cũng đang tự lấy đá ghè vào chân mình khi các thông tin chất cấm trong thịt liên tiếp được đưa ra, và ngày càng nghiêm trọng. Từ TP HCM, đến tỉnh Đồng Nai, ngay cả những trong trại chăn nuôi lớn hàm lượng chất cấm được phát hiện trong thịt lợn rất cao.

Chúng ta thường nghe về tiềm năng to lớn cho ngành này, ngành kia khi hội nhập. Chúng ta cũng thường xuyên được các đoàn chuyên gia từ Nhật Bản, Isarel… sang Việt Nam đào tạo công nghệ, ứng dụng các kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến. Nhưng ở mặt ngược lại, trong khi hội nhập yêu cầu rất cao về kỹ thuật, chất lượng của sản phẩm thì Việt Nam vẫn loay hoay, gặp khó khăn.

Thiếu mối liên kết

Các thông tin hội nhập theo nhìn nhận của người dân, lẫn doanh nghiệp, và cả chính chuyên gia cho rằng là vừa thừa vừa thiếu. Không phải chúng ta bỏ rơi nông dân, mà chúng ta phải thay đổi cách thức hỗ trợ nông dân, bởi những cách thức hỗ trợ hiện nay không phù hợp. Cách hỗ trợ người nông dân của chúng ta hiện nay là hỗ trợ kỹ thuật, giống nhưng cái người nông dân cần hỗ trợ là tổ chức sản xuất để hội nhập.

Tại cuộc hội thảo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức bàn về việc cải cách thể chế trong bối cảnh hội nhập diễn ra vào hồi đầu tháng 7, một chuyên gia đến từ nước ngoài đã dẫn chứng rất cụ thể: Nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam bị trả về vì không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật do nước bạn đặt ra. Khi người nông dân được tổ chức chặt chẽ và chuyên nghiệp thì các sản phẩm làm ra có thể hội nhập.

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, lỗ hổng lớn nhất của nông nghiệp là thiếu mối liên kết. “Chúng ta phải thay đổi lại toàn bộ cách tổ chức hệ thống thị trường trong cả nước để nối kết với nền hàng hóa sản xuất lớn và với thị trường toàn cầu hóa thật sự theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh. Trong mối quan hệ kết nối đó, doanh nghiệp phải là người đi đầu”, ông Sơn nói.

Việc liên kết, hợp tác 4 nhà từ lâu đã được Chính phủ quan tâm. Tuy nhiên, cảnh bẻ kèo của cả nông dân và doanh nghiệp liên tục diễn ra, do hai bên chưa có mối quan hệ ràng buộc khiến mô hình này thất bại, vì thế, cho đến nay, dù rất muốn, song nhiều doanh nghiệp vẫn hết sức ngại ngần.

Hướng tới sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn quốc tế

Thói quen tiêu dùng ưu tiên thịt sống hơn thịt đông lạnh tạm thời giữ một mảnh đất cho ngành chăn nuôi Việt Nam nhưng chẳng ai dám chắc thói quen này sẽ tồn tại được bao lâu nữa. Ngành chăn nuôi Việt Nam ngày càng bị lấn át. Các nước như Ba Lan, Hà Lan… đang đẩy mạnh xuất khẩu thịt vào Việt Nam.

Khoan hãy vẽ ra những viễn cảnh Việt Nam phát huy triệt để tận dụng được các lợi thế hội nhập thay đổi nền nông nghiệp nước nhà. Trước hết hãy bàn đến câu chuyện làm sao để sản phẩm ngành chăn nuôi trong nước an toàn, bắt kịp với tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng phải thay đổi một cách căn bản tư duy và phương thức sản xuất và phương thức tổ chức thị trường. Điều đáng mừng là nhiều mô hình chăn nuôi lớn đã xuất hiện với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn.

Chẳng hạn đó là hợp tác giữa Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Vissan và Công ty NutiFood để cho ra đời sản phẩm thịt bò tơ Úc, từ nhà máy hiện đại với công nghệ ngang tầm thế giới. Hay Vinamilk đã xây 5 trang trại nuôi bò ở Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng và theo kế hoạch năm 2014-2015 sẽ thêm 4 trang trại ở Thanh Hóa. Đây đang là niềm hy vọng của ngành chăn nuôi nội địa. Nếu sản xuất bài bản theo chuỗi khép kín, đảm bảo chất lượng, chắn chắc sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn có chỗ đứng vững.

Đại diện một tập đoàn lớn đang đổ vốn khủng vào nông nghiệp cũng cho biết, “để làm ra những sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn quốc tế, yếu tố quyết định là phải sản xuất theo chuỗi”.

Theo phân tích của các chuyên gia nông nghiệp, đòi hỏi của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay là phải gắn với thị trường, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất bền vững, sản xuất theo chuỗi… Để làm được điều này, không ai khác, chính các doanh nghiệp phải vào cuộc.

H.Hương