Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội lần thứ III: Vương một chút buồn
Thất bại ở bảng C (18 - 25 tuổi) được cho là độ tuổi chín của các tài năng đang đặt ra những lo lắng về việc “chảy máu chất xám” của piano Việt Nam.
Các thí sinh nhận giải thưởng.
Sau một tuần tranh tài, tối 11/9, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, “Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội lần thứ III” đã chính thức khép lại bằng Lễ Bế mạc và trao giải cho các thí sinh xuất sắc nhất. Mặc dù dành chiến thắng gần như tuyệt đối ở 2/3 bảng đấu, nhưng thất bại ở bảng C (18 - 25 tuổi) được cho là độ tuổi chín của các tài năng đang đặt ra những lo lắng về việc “chảy máu chất xám” của piano Việt Nam (VN).
1. Với tiêu chí tìm kiếm, phát triển và hỗ trợ tài năng trẻ cho âm nhạc cổ điển VN, qua 2 lần tổ chức vào các năm 2010 và 2012, “Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội” đã trở thành một sự kiện văn hóa tiêu biểu của khu vực Đông Nam Á, thu hút không chỉ đông đảo tài năng trẻ trong nước mà còn từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, được giới truyền thông quốc tế đánh giá cao về mặt nghệ thuật và công tác tổ chức cũng như chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống các cuộc thi piano quốc tế chất lượng.
Theo đó, cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội lần thứ 3 do NSND Đặng Thái Sơn làm Chủ tịch danh dự, quy tụ 55 thí sinh đến từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là các tài năng trẻ, từ 10 đến 25 tuổi, được tuyển chọn bởi hội đồng các chuyên gia uy tín, trong đó nhiều thí sinh từng đạt các giải thưởng quốc tế lớn.
Các thí sinh ở mỗi bảng lần lượt thể hiện tài năng qua hai vòng thi cá nhân, trước khi đến với phần chơi Concerto cùng Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội ở vòng chung kết (trừ bảng A chỉ thi độc tấu 2 vòng). Bên cạnh hệ thống giải thưởng chính thức lên tới gần 200 triệu đồng, cuộc thi có nhiều giải phụ dành cho thí sinh trình diễn xuất sắc một số thể loại hoặc tác phẩm trong chương trình thi.
Ban Giám khảo cuộc thi gồm những tên tuổi nổi tiếng trong làng nhạc trong nước và quốc tế như GS.TS Trần Thu Hà làm Chủ tịch Hội đồng và các giám khảo quốc tế đến từ các nước như Hàn Quốc, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Áo, Phần Lan.
Sau một tuần tranh tài, tại bảng A (10 - 13 tuổi), đại diện của VN là Nguyễn Lan cùng với thí sinh Alyssa Kok (Singapore) cùng đồng đoạt giải nhất. Ngoài ra, Lan Anh cũng nhận giải “Thí sinh VN xuất sắc nhất vòng chung kết bảng A” do NSND Đặng Thái Sơn trao tặng.
Ngoài ra, ở bảng A Giải của Hội Âm nhạc Chopin Hà Nội dành cho thí sinh Việt Nam triển vọng thuộc về thí sinh Nguyễn Chúc An. Ở bảng B (14 - 17 tuổi) lại ghi dấu ấn của Ngô Phương Vi khi thí sinh này đã lập cú “hattrick” với giải nhất bảng B, “Thí sinh VN xuất sắc nhất vòng Chung kết Bảng B” và Giải thưởng của Tổ chức “Nhịp cầu Âm nhạc tương lai” Nhật Bản trao tặng.
Cũng ở bảng đấu này, một cái tên khác của VN là Nguyễn Đăng Quang cũng dành 3 giải là “Thí sinh VN chơi thể loại Concerto hay nhất”, “Thí sinh đạt kết quả cao nhất trong số thí sinh VN tham gia thi tại bảng B” và giải nhất bảng B.
2. Tuy nhiên, nếu các tài năng trẻ của VN khẳng định sự vượt trội so với các quốc gia khác ở hai bảng đấu A và B, thì ở bảng C (18 - 25 tuổi), VN lại lập một kỷ lục buồn khi năm thứ 3 liên tiếp “trắng tay”. Ở bảng đầu này, duy nhất thí sinh Vũ Hoàng Cương của VN đoạt giải khuyến khích.
Cụ thể, ở bảng đấu được đánh giá là các thí sinh đang ở độ chín của sự nghiệp những cái tên được xướng danh gồm Yeon Min Park (Hàn Quốc) giành giải giải nhất. Giải nhì và ba thuộc về 2 thí sinh đến từ Nhật Bản là Nakamura và Inagawa Mizuho.
Lý giải về thất bại liên tiếp này, GS.TS Trần Thu Hà - Trưởng Ban giám khảo cuộc thi cho biết: “Sau nhiều năm đào tạo, chúng tôi xác định mục đích chính của mình là ươm mầm những tài năng ở độ tuổi nhỏ, để tạo điều kiện cho các em có cơ hội học tập ở môi trường quốc tế khi trưởng thành. Một trong những minh chứng rõ nhất là ở bảng C số lượng thí sinh VN tham dự còn quá ít, nên chưa thể hiện được hết năng lực với các bạn quốc tế”.
Cùng với đó, nhìn vào kết quả các cuộc thi piano trong nước và quốc tế được tổ chức trong những năm gần đây, VN hoàn toàn không thiếu các tài năng. Đặc biệt, là các tài năng từ 10 đến 17 tuổi. Về các thí sinh ở độ tuổi này, GS.TS Trần Thu Hà cho biết: “Nhiều vị giám khảo ngạc nhiên về tốc độ phát triển của các gương mặt trẻ năm nay. Thậm chí sự “ngang sức ngang tài” của các em khiến BGK không khỏi khó khăn trong việc chấm giải. Nhưng đây là tín hiệu đáng vui mừng cho nền âm nhạc cổ điển nước nhà”.
Vậy mà trong khi các tài năng nhí VN đang dần hé lộ những năng khiếu thiên bẩm thì ở các độ tuổi lớn hơn, đòi hỏi trình độ cao hơn, có một sự thật là các thí sinh VN luôn tỏ ra yếu thế cả về kỹ thuật lẫn khả năng trình diễn. Chưa kể việc lượng thí sinh VN tham gia là khá ít.
Nguyên nhân chủ yếu được nhiều chuyên gia nhận định đó là lâu nay môi trường đào tạo tại các Học viện âm nhạc của VN vốn đang phát triển khá chậm chạp so với xu thế chung của thế giới. Các trường âm nhạc tại VN không còn là mảnh đất “lý tưởng” để nhiều tài năng piano chọn là nơi học tập và phát triển. Hầu hết, các tài năng âm nhạc của VN sau khi được phát hiện đều chọn các quốc gia có nền âm nhạc phát triển để học tập.
Một trong những ví dụ điển hình là những cái tên như Lưu Hồng Quang hay Vicent Vũ (người Canada gốc Việt) - những thí sinh từng đoạt giải tại cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội 2010 - đều đang theo học tại lớp của NSND Đặng Thái Sơn tại Trường ĐH Montreal, Canada.
Ngoài ra, theo NSND Đặng Thái Sơn: Có một sự thật là ở bất kỳ một cuộc thi nào thí sinh quốc tế dự thi đông thì VN vắng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội là một trong những hoạt động cần được khích lệ ở VN.
Cũng theo NSND Đặng Thái Sơn, giải thưởng do ông trao tặng dành cho các thí sinh đoạt giải của VN vào những mùa thi sau cũng sẽ được chuyển đổi từ tiền mặt sang các khóa học bổng, đi trại Hè thế giới. “Với kết quả năm nay, tôi tin chắc khả năng của các tài năng của VN sẽ vươn lên rất nhiều trong tương lai” - NSND Đặng Thái Sơn nhận định.