Cách thoát nghèo của đồng bào Rục
Xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là một trong 4 xã biên giới có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Sau gần 55 năm từ bỏ cuộc sống săn bắt, hái lượm dẫu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống của đồng bào Rục ở Thượng Hóa (Quảng Bình) hôm nay đã có nhiều đổi thay. Đặc biệt, từ khi Bộ đội biên phòng hướng dẫn người Rục tự tay làm ra những hạt lúa nước giữa rừng núi đại ngàn.
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn đồng bào dân tộc trồng lúa nước
Toàn xã Thượng Hóa có 4 bản với 205 hộ, trong đó có 3 bản có đồng bào Rục sinh sống đó là bản Ón, Yên Hợp và bản Mò o ồ ồ. Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình chị Hồ Thi Páy (bản Mò o ồ ồ), người phụ nữ nhỏ nhắn ấy được bà con người Rục coi là tấm gương về ý chí và nghị lực vượt khó. Kể về những chặng đường gian khó của mình, chị Páy vẫn không khỏi bùi ngùi, xúc động. Sinh năm 1972, trong một gia đình có 3 chị em, cũng như bao gia đình khác ở bản, chị Páy quanh năm chỉ biết đến nương rẫy và mò cua, bắt ốc để sinh sống. Tuổi thơ của chị là những ký ức với bữa ăn không no, quần áo mặc không đủ ấm, con chữ cũng không được học hành đến nơi đến chốn.
Năm 1992, chị lập gia đình với một chàng trai cùng quê. Hai bên nội ngoại cùng cảnh nghèo nên không hỗ trợ được gì. Thế rồi, 8 đứa con ra đời trong thiếu thốn bộn bề, cuộc sống gia đình chị càng thêm khó khăn, túng thiếu. Không chỉ thế, biến cố cuộc đời lại ập đến vào năm 2005 khi chồng chị đột ngột qua đời để lại cho chị 8 đứa con thơ dại. Bao nhiêu khó khăn chồng chất lên đôi vai người phụ nữ gầy yếu, một mình chị phải tự xoay xở ở để lo cho con từng bữa ăn, cái mặc, từng chiếc cặp sách để đến trường. Thế nhưng, một mình bươn chải nên cái đói nghèo vẫn đeo đẳng gia đình chị không dứt.
Không riêng chị Páy, mà gần như 100% bà con người Rục ở mảnh đất sơn cùng, thủy tận, khí hậu khắc nghiệt này nằm trong diện đói nghèo, cuộc sống chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng rồi, sự đeo bám của cái đói, cái nghèo đã thôi thúc họ phải vươn lên để tìm ra hướng đi mới. Năm 2009, cơ hội đã mở ra khi cán bộ đồn Biên phòng Cà Xèng trực tiếp “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn bà con đồng bào Rục trồng lúa nước trên vùng đất hoang hóa dưới chân núi đá vôi. Đặc biệt, khi công trình thủy lợi Rục Làn với tổng số vốn gần 4,5 tỷ đồng được Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND tỉnh Quảng Bình đầu tư và đưa vào sử dụng để cung cấp nguồn nước sạch cho bà con, vừa phục vụ nước tưới cho những ruộng lúa nước vừa được khai hoang.
Là một trong những người đầu tiên tham gia trồng lúa nước, nhờ có sự hỗ trợ của BĐBP nên chị Hồ Thị Páy đã thu hoạch được 6 tạ thóc chỉ với 2 sào lúa. Cũng từ đó đến nay, năm nào chị cũng đầu tư thời gian, công sức cho việc làm lúa nước, mỗi vụ cho thu hoạch từ 1,5 đến 2 tạ/ha. Không những thế, chị còn chăm chỉ trồng thêm 4 sào sắn, ngô, rau các loại và chăn nuôi thêm bò, gà để có thêm lương thực, thực phẩm, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Đến nay, đàn bò của gia đình chị đã có 8 con và hàng chục đàn gà cho tổng thu nhập bình quân 20 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, để thay đổi suy nghĩ đã ăn sâu trong tiềm thức bao đời nay của người Rục không đơn giản. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình tuyên truyền, Thượng tá Trần Xuân Hường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: Thời gian đầu, khi BĐBP họp dân để hướng dẫn trồng lúa nước, không có nhiều người làm theo. Để dân tin, BĐBP lại tiếp tục mời 3 trưởng bản cùng bộ đội làm trước. Mặc dù lúa lên tốt, sản lượng thu hoạch tăng cao, nhưng dân làng vẫn không dám làm vì sợ trồng lúa nước sẽ bị trách phạt vì làm trái với tập tục “chặt, đốt, cốt, trỉa” của người Rục.
Thế nhưng mưa dầm thấm lâu. Cùng với sự vận động của Bộ đội biên phòng và thấy đồng bào dưới xuôi làm lúa nước đạt năng suất cao, mang lại cuộc sống đủ đầy, nhiều bà con trong xã bắt đầu tham gia. Sau vụ lúa đầu tiên thành công, các hộ tham gia lao động được chia nhiều lúa, bếp lửa đã hồng rực mỗi buổi chiều, bữa cơm đã không còn phải độn sắn, độn khoai…đồng bào Rục đã thay đổi cách nghĩ, cùng nhau khai hoang, phục hóa, cải tạo đất để trồng lúa nước.
Sau những ngày bám dân, “cầm tay, chỉ việc”, đồng bào Rục ở Thượng Hóa đã quen dần với cây lúa nước. Bây giờ, mỗi khi đến mùa vụ, được cán bộ xã thông báo về lịch nông vụ là bà con xã Thượng Hóa lại tập trung ra đồng làm đất, xuống giống. Trồng lúa nước đã làm cho đồng bào Rục thay đổi nếp nghĩ, và quan trọng hơn là giúp bà con thoát được nghèo cứ quẩn chân họ bao mùa rẫy qua.