Guatemala tươi đẹp
Guatemala là quốc gia Trung Mỹ, nằm bên bờ Thái Bình Dương và biển Caribe. Đây được coi là cái nôi của nền văn minh Maya với một nền văn hóa bản địa lâu đời. Nhưng cũng ít người biết rằng, nền văn hóa Guatemala đặc sắc đó lại được tạo nên từ rất nhiều dân tộc, với 23 thứ tiếng nói khác nhau, trong đó tiếng Quiche, Kekchi và Mam được nhiều người sử dụng hơn cả.
Sạp bán rau quả trong chợ ở Chichicastenango
Nhìn từ trên cao xuống, đất nước Guatemala như thể một khu vực núi non, ngoại trừ khu vực ven biển phía nam và những vùng đất thấp phía bắc. Nằm gần biển Caribe và Thái Bình Dương, Guatemala trở thành mục tiêu của nhiều cơn bão lớn. Năm 1998 và năm 2005, hai cơn bão Mitch và Stan đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người dân Guatemala.
Là đất nước đa sắc tộc, nhưng tới nay số người bản địa Guatemala lại ít hơn số người nhập cư. Vài thế kỷ qua, người Tây Ban Nha, người Italy, người vùng Scandianavia... từ châu Âu tới lập nghiệp, dần chiếm tới 60% dân số đất nước. Trong khi đó, người bản địa (hay còn gọi là người da đỏ châu Mỹ) chỉ chiếm xấp xỉ 40%. Cùng đó còn có những hậu duệ của các nô lệ châu Phi sống tại Livingston và Puerto Barrios. Cũng không thể nói tới số ít những người Ả rập gốc Liban và Syria; người châu Á đến từ Trung Quốc, Triều Tiên.
Vào năm 1900, dân số Guatemala chỉ khoảng là 885.000 người. Tuy nhiên, trong thế kỷ XX, dân số nước này đã tăng tới 14 lần.
Thủ đô của Guatemala cũng chính là tên của quốc gia, đây là cơ quan hành chính đầu não của đất nước, cũng lại là trung tâm du lịch lớn nhất của nước này. Nó được xây dựng trên nền di tích của một thành phố Maya cổ có tên là Kaminaljuyu. Vì thế, giới khảo cổ học cho rằng, dưới những tầng đất của đô thị này là cả một nền văn minh đã khuất. Nếu tiến hành khai quật, thì đâu đâu cũng tìm thấy dấu vết người xưa.
Cùng với Thủ đô Guatemala, đất nước này còn nổi tiếng với thành phố cổ Tikal nằm trong khu rừng Peten. Thành phố đã được vinh danh là Di sản Thế giới do UNESCO công nhận năm 1979.
Có lẽ trên trái đất không có thành phố nào thú vị như Tikal. Nó được những cánh rừng già che chở. Suốt ngày đêm thành phố dịu mát và đầy bóng râm. Sở dĩ khi xây dựng thành phố này người ta không làm hệ thống thoát nước là do nó tự ngấm xuống lòng đất và chính các cánh rừng đã giữ lại lượng nước ngầm cho nên cư dân thành phố không bao giờ lo thiếu nước.
Những chiếc mặt nạ đặc biệt của Guatemala
Nina Lee- một kiến trúc sư người Pháp gốc Á trong một lần tới Guatemala du lịch, cô đã được giới thiệu tới Tikal và nữ triến trúc sư đã thực sự choáng trước sự hòa quyện giữa những gì con người làm ra với thiên nhiên nơi đây. “Những vạt rừng thưa cùng với những ngôi nhà đã trở thành một công trình kiến trúc có một không hai”- Nina Lee nói.
Hợp thành bởi nhiều sắc dân, nhiều nền văn minh, nhưng có điều gì đó thật khó tả khi đến đất nước này. Người gốc Âu, gốc Phi, gốc Á hay là người bản địa cũng có gì đó na ná giống nhau. Nhất là phong cách ăn mặc. “Trang phục của họ không hẳn như châu Âu mà cũng không hẳn là Nam Mỹ- nó là cái gì đó ở giữa”- vẫn theo Nina Lee. Ngay cả đến việc bên cạnh các nhà thờ Thiên chúa thì trong các thị trấn người ta vẫn thờ các vị thần địa phương. Ví dụ như thị trấn cao nguyên Santiago Atitlan- người dân vẫn gìn giữ hình ảnh của thần Maximon trong biểu hiện của một bức tượng gỗ, vì họ tin rằng đó là hiện thân của thần Maya cổ đại. Ngay cả ngày lễ Phục sinh theo truyền thống Thiên chúa giáo, thì người ta cũng rước cả tượng thần Maximon.
Tới nay, cuộc sống nhiều đổi thay, nhưng phụ nữ sống trong các thị trấn nhỏ vẫn mặc trang phục truyền thống, gồm váy hoa văn sáng màu, áo choàng rộng thùng thình có tên gọi “huipil”. Nhiều người trong số họ đã tự dệt vải, tự cắt may trang phục cho mình.
Nói về âm nhạc, đây cũng là quốc gia hết sức đa dạng về âm thanh và các trường phái. Từ cổ điển Châu âu, dân gian châu Phi cho đến hip-hop Bắc Mỹ hiện đại... đều có cả. Tuy nhiên, trong những ngôi làng và những thị trấn nhỏ, âm nhạc dân gian bản địa vẫn được lưu truyền. Người dân ở đây vẫn rất thích nghe âm thanh của cây đàn Marimba- một nhạc cụ gõ chế tác từ gỗ, không biết ra đời tự khi nào. Trong các lễ hội địa phương, người ta mặc trang phục truyền thống, ăn những món ăn truyền thống, và tấu lên những khúc dân nhạc.
Trong lễ hội ở Guatemala, người ta thường ngụy trang bản thân mình, theo tập tục cổ. Điều đó xuất phát từ nghi lễ và các điệu nhảy của người Maya. Khi nhập cuộc, ai nấy đều đeo mặt nạ. Người ta tin rằng những chiếc mặt nạ sẽ chuyển người đeo nó sang một thực thể khác.
Không phải là để giấu mình như người châu Âu, mà ở đây chiếc mặt nạ hoàn toàn mang yếu tố tâm linh- Nina Lee nói. Những chiếc mặt nạ Guatemala thuộc loại độc đáo nhất thế giới. Nó không quá cầu kỳ cũng không quá chắc chắn. Chúng được làm từ những nguyên liệu thông thường, chỉ có điều là được phủ lên những màu sắc sặc sỡ tưởng như đối chọi nhưng hóa ra là hòa quyện. Đó là điều chỉ có người dân ở đây mới có thể làm được.
Chợ bán hoa bên hồ Atilan
Chính vì thế, du khách đến đây rất thích mua mặt nạ, vừa đẹp mà giá cả lại phải chăng.
Cuối cùng, nếu đến Guatemala mà không đến hồ Atitlan thì thật đáng tiếc. Con hồ này sâu nhất Trung Mỹ. được vây quanh bởi những ngôi làng Maya nhỏ bé, cổ kính. Đến hồ, lạc bước vào những ngôi làng, người ta có cảm giác thời gian trôi ngược về trước vài thế kỷ. Khung cảnh rất cổ kính thanh bình, từ một mái nhà, một gốc cây, một con đường cũng như hiện về từ quá khứ. Còn ngay cạng đó là mặt hồ phẳng lặng sáng như gương, soi bóng những đàn chim trời. Hôm nào cũng vậy, đầu giờ chiều là một cơn mưa lại trút xuống, làm cho nước hồ trở nên sạch hơn. Ở đây nổi tiếng nhất là làng San Marco, với những con đường chật hẹp, là một trung tâm thiền định, chữa bệnh với những điều kỳ lạ...