Liên kết vùng phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: Vẫn lỏng lẻo

Trần Duy Hưng 13/09/2015 21:29

Đó là nhìn nhận của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị ngành Công thương 28 tỉnh thành phía Bắc do Bộ Công thương, UBND tỉnh Nam Định phối hợp tổ chức mới đây tại TP Nam Định.

Liên kết vùng phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm: Vẫn lỏng lẻo

Vấn đề liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã làm nóng
Hội nghị ngành Công thương 28 tỉnh thành phía Bắc.

Chúng ta cứ nói tuyến đường Lao Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh nhưng thực tế trên truyến có cả các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên. Tỉnh nào cũng đều có các mặt hàng hóa chủ lực, cần xuất khẩu nhưng thông tin ra sao, cơ chế chính sách thế nào thì chưa rõ- ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Sở Công thương Lào Cai.

Theo bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, trong bối cảnh hội nhập kinh tế đang ngày càng sâu rộng, việc liên kết vùng để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng.

Tuy nhiên, vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc “hô khẩu hiệu”, họp bàn nhiều nhưng chưa có những hoạt động cụ thể dẫn đến việc liên kết giữa các địa phương phía Bắc trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông sản, thủy sản vẫn rất lỏng lẻo.

Tồn tại ấy, theo bà Lan là do các cấp chính quyền chưa xác định rõ địa phương mình có sản phẩm gì là thế mạnh, doanh nghiệp đang cần hỗ trợ cái gì, cần liên kết với ai, địa phương nào để có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện, thế mới đồng bộ.

“Tôi thấy ở đâu chính quyền quan tâm, chung tay với doanh nghiệp, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm thì nơi đó bật lên. Nhờ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, năm nay việc tiêu thụ vải thiều rất tốt, doanh thu từ vải thiều của Hải Dương và Bắc Giang đã tăng 150 tỷ đồng so với năm trước dù sản lượng không tăng. Hay như sản phẩm dưa hấu ở một số tỉnh miền Trung tại chỗ đang ế như vậy nhưng chỉ cần đẩy mạnh tuyên truyền, có sự liên kết, hỗ trợ của các địa phương miền Bắc, sản phẩm đưa ra ngoài này được bán hết ngay”- bà Lan nêu ví dụ.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cũng “đặt hàng” các địa phương khu vực phía Bắc: “Hiện Hà Nội mong muốn được các địa phương liên kết, hỗ trợ trong việc đưa một số sản phẩm thế mạnh của Hà Nội như may mặc, hàng tiêu dùng…về các địa phương tiêu thụ. Ngược lại, Hà Nội sẵn sàng giúp các địa phương trong khu vực đưa các sản phẩm rau củ quả, thủy hải sản về tiêu thụ tại Thủ đô. Một thị trường với 9 triệu dân nhưng hiện Hà Nội mới chỉ tự đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu sản phẩm rau củ quả”.

Cùng bàn thảo về vấn đề liên kết vùng, ông Đỗ Trường Giang- Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lao Cai nêu vấn đề: Hiện nay chúng ta đã có đường cao tốc Lao Cai - Hà Nội, chỉ một thời gian ngắn nữa tuyến đường này sẽ nối dài tới cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Chúng ta cũng đã có tuyến hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Nhưng do chúng ta chưa có quy hoạch phát triển liên kết vùng nên phát triển rất khó.

“Mới đây, sang Vân Nam (Trung Quốc) tìm hiểu, chúng tôi biết họ đã phê duyệt hành lang kinh tế Côn Minh - Lao Cai - Hà Nội - Hải Phòng, trong đó họ tính rất cụ thể đến các mặt hàng xuất khẩu sang ASEAN và sang Việt Nam. Trong khi đó chúng ta đường thì đã có nhưng cơ chế cho các tỉnh thì chưa rõ. Chúng ta cứ nói tuyến đường Lao Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh nhưng thực tế trên truyến có cả các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên. Tỉnh nào cũng đều có các mặt hàng hóa chủ lực, cần xuất khẩu nhưng thông tin ra sao, cơ chế chính sách thế nào thì chưa rõ”- ông Giang nói.

Trước các ý kiến của đại diện một số địa phương, phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Vỵ- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) đã dẫn ra một loạt các văn bản, trong đó có 4 văn bản của Bộ Công thương phê duyệt các quy hoạch liên quan đến phát triển kinh tế, thương mại, trong đó có các quy hoạch kinh tế, thương mại trong và ngoài tuyến hành lang kinh tế từ các tỉnh miền núi phía bắc về Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Tuy nhiên, ông Vỵ thừa nhận, qua mấy năm thực hiện các quy hoạch trên còn bộc lộ nhiều bất cập, trong đó, việc liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương trong và ngoài các tuyến hành lang kinh tế phía Bắc như thế nào thì vẫn đang là bài toán đặt ra không chỉ với các địa phương mà ngay cả với các bộ ngành ở Trung ương.

Lạc quan hơn, bà Lê Việt Nga - Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, việc liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh phía Bắc đang có những tín hiệu tích cực. Thể hiện qua việc tháng nào trong khu vực cũng có 2 - 3 sự kiện có tính liên kết vùng như hội thảo, hội chợ; thực tế đã giải quyết được những vấn đề nóng như tiêu thụ vải thiều và một số sản phẩm có tính chất mùa vụ vừa qua.

Liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm, theo đánh giá của bà Nga, thời gian qua TP HCM và các tỉnh lân cận đã có sự liên kết vùng rất tốt. Theo đó, 2 năm qua, tại TP HCM đã mở được 10.000 điểm bán hàng bình ổn giá, nhờ vậy đã tiêu thụ được một lượng lớn sản phẩm có thế mạnh của 20 tỉnh lân cận.

“Tôi cho rằng đây là mô hình tốt để các tỉnh khu vực phía Bắc học tập, đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, trong đó Hà Nội cần đóng vai trò nhạc trưởng”- bà Nga đặt vấn đề.

Trần Duy Hưng