Chống tham nhũng, cần liều thuốc mạnh
Báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2015 của Chính phủ đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến trước khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Trao đổi với ĐĐK, ông Lê Văn Cuông- nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, ở đâu có quyền lực thì ở đó phải có giám sát quyền lực. “Có thiết chế theo dõi chặt chẽ và xử lý thật nghiêm minh thì tôi nghĩ tham nhũng sẽ được ngăn chặn một cách cơ bản”- ông Cuông nói.
Ông Lê Văn Cuông.
PV: Báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2015 của Chính phủ nhận định, dù đã có nhiều quyết tâm nhưng tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân được cho là do thể chế. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng thể chế đã khá hoàn thiện với nhiều văn bản pháp luật. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Lê Văn Cuông: Hàng năm Chính phủ đều có báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Về mặt luật pháp kể từ khi chúng ta ban hành Luật PCTN cũng đã bổ sung nhiều văn bản.
Nhiều vấn đề được cử tri, ĐBQH phản ánh trên nghị trường đều đã được cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu để đưa ra các quy định nhằm làm thế nào để chống sơ hở của pháp luật, tạo sự đồng bộ trong công tác PCTN. Kể cả công tác tổ chức bộ máy cũng như các quy định về vấn đề liên quan đến phòng ngừa, xử lý.
Tuy nhiên tôi thấy quy định tuy nhiều nhưng sức mạnh hay sự răn đe chưa đủ độ, liều thuốc chưa đủ độ, tính khả thi chưa đảm bảo. Có nhiều quy định được ban hành nhưng cần đánh giá xem những quy định đó đã vào cuộc sống chưa? tạo được sự chuyển biến chưa? thì lại chưa được đánh giá tổng kết một cách nghiêm túc.
Cho nên các cơ quan PCTN giải trình cố gắng ban hành nhiều văn bản rồi duy trì họp đẩy mạnh hoạt động, nhưng thực ra rất cần đánh giá xem các văn bản đã sát thực tế, khả thi chưa, hay tổ chức bộ máy chuyên trách để giám sát thực thi các quy định đó đã tốt chưa, thì chưa được quan tâm đúng mức.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng có nhiều biện pháp để PCTN, trong đó có biện pháp kê khai tài sản còn hình thức chưa được phát huy hiệu quả, thưa ông?
- Việc kê khai tài sản đã nói nhiều. Nhưng hiệu quả hiệu lực của việc kê khai không rõ. Các cơ quan cũng đôn đốc nhưng các cái đó không được xác minh, công khai mà chỉ để vào trong hồ sơ của cán bộ thôi. Cho nên người ta kê khai đúng hay sai không có ai xác nhận. Để trong hồ sơ mà không công khai thì ai mà biết được kê khai có đúng hay không? Hay cách nào để cho nhân dân phát hiện, tố cáo về việc không trung thực.
Nhiều năm dư luận cũng nêu rồi nhưng không có giải pháp nào để sửa. Ví dụ trong hơn 1 triệu bản kê khai của cán bộ công chức chỉ có 4-5 trường hợp vi phạm. Kê khai mà không xem xét công khai cho cử tri biết như thế sẽ không có tác dụng.
Tôi nghĩ, chúng ta đã nhìn thấy tình hình thức và không hiệu quả của việc kê khai nhưng tại sao các cơ quan có chức trách nhiệm không nghiên cứu mà cứ để cho nó qua hết năm này đến năm khác?
Vậy theo ông chúng ta cần có giải pháp nào, bởi có quá nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng không thực hiện được và còn hình thức?
- Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nói về nguyên nhân có nhắc đến do thể chế tôi nghĩ rằng cái đó cũng đúng. Bởi vì quy định của ta nhiều nhưng tản mạn, nhẹ “đô”.
Cái quan trọng nhất là phải quy định, có thiết chế giám sát người đứng đầu. Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Họ chính là người có điều kiện tham nhũng, dung túng bao che cho tham nhũng, hoặc chống tham nhũng tích cực.
Trong các văn bản của Nhà nước đều quy định vai trò của người đứng đầu. Trên thực tế cơ quan nào người đứng đầu gương mẫu liêm khiết thì ở đó tình trạng tham nhũng rất khó xảy ra. Ngược lại nếu người đứng đầu không gương mẫu vi phạm thì còn có thể tạo ra phe cánh, lợi ích nhóm. Nếu ai không đồng tình hay khiếu nại tố cáo thì họ bị trù dập, nhiều khi họ biết hết nhưng vì miếng cơm manh áo nên họ sợ. Người đứng đầu là người có quyền lực, cho nên ở đâu có quyền lực thì ở đó phải có giám sát quyền lực.
Nếu không có thiết chế giám sát quyền lực thì quyền lực đó bị tha hóa, bị lợi dụng, là mảnh đất màu mỡ cho người đứng đầu lợi dụng sơ hở để mà tham nhũng. Do đó trước mắt chúng ta cần tập trung vào đối tượng này.
Làm thế nào pháp luật quy định người đứng đầu phải kê khai cụ thể, các cơ quan chức năng phải theo dõi điều tra làm rõ xem người đứng đầu có kê khai trung thực hay không? Có thiết chế theo dõi chặt chẽ và xử lý thật nghiêm minh thì tôi nghĩ tham nhũng sẽ được ngăn chặn một cách cơ bản.
Trân trọng cảm ơn ông!