Tranh chấp chuyển đổi đất nông nghiệp: Ai giải quyết?
Thời gian qua, nhiều hộ dân ở xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa bức xúc trước tình trạng tranh chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp do Nhà nước giao (thời hạn 20 năm). Vụ việc đã kéo dài chưa được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm.…
Đất nông nghiệp đã thành xưởng gỗ.
Mất đất vì nhẹ dạ
Theo đơn gửi các cơ quan báo chí, 3 hộ dân Đoàn Thị Được, Nguyễn Văn Ấm cùng trú tại thôn Xuân Yên và Hoàng Văn Nội trú tại thôn Thuần Nhất, xã Phú Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết: Năm 2004, các hộ dân được UBND xã Phú Lộc chia 1.500m2 đất nông nghiệp theo quy định của nhà nước. Từ năm 2004 đến năm 2011, ba hộ dân nói trên sử dụng đất trồng lúa bình thường.
Thời điểm cuối năm 2011, gia đình ông Hoàng Anh Tĩnh (người cùng xã) đến đặt vấn đề xin chuyển đổi mảnh đất của gia đình bà Được để kinh doanh. Thấy lâu nay làm ruộng nhưng hiệu quả kinh tế không cao, nhà lại có mình bà đã già yếu, con gái đã đi lấy chồng, hơn nữa, ông Tĩnh cũng là người họ hàng trong nhà nên bà Được không chút ngần ngại đổi 500m2 đất cho ông này, với thời hạn 2 năm (31/12/2012).
Để thực hiện mở rộng khuôn viên kinh doanh trên mảnh đất này, năm 2011 và 2014 ông Tĩnh đã lần lượt chuyển đổi, chuyển nhượng đất nông nghiệp tương tự với mảnh đất của gia đình ông Hoàng Văn Nội và ông Nguyễn Văn Ấm. Hai mảnh đất 1.000m2 lấy tên con trai ông Tĩnh là Hoàng Minh Phương (3 mảnh đất này 1.500m2 nằm sát nhau trên cùng một trục đường).
Trao đổi với PV, bà Đoàn Thị Được cho biết: “Anh Tĩnh vốn là người nhà của chúng tôi. Khi nghe anh giãi bày là cần mượn đất sử dụng trong vài năm để làm ăn, khi nào cần sẽ trả lại, tôi đồng ý. Nay gia đình tôi đòi lại đất để canh tác anh lại không trả. Chúng tôi biết kêu ai để đòi lại đất canh tác của mình(!?)”.
Sau khi đã có “mảnh đất vàng” 1.500m2, gia đình ông Tĩnh đã đổ đất, xây dựng xưởng chế biến gỗ trái phép, chính quyền xã thì làm ngơ…
Xã lúng túng
Đầu năm 2015, huyện Hậu Lộc thực hiện “Dồn điền, đổi thửa” theo chủ trương của Nhà nước, 3 hộ gia đình bà Được, ông Ấm và ông Nội yêu cầu cha, con ông Tĩnh trả lại diện tích đất mà họ đã chuyển đổi. Cả 3 gia đình gồm bà Được, ông Ấm, Nội đã “tá hỏa” khi ông Tĩnh đưa ra các “hợp đồng ma” ép buộc các các hộ phải nhận phần đất nằm sâu bên trong của gia đình ông Tĩnh.
Xét thấy sự việc trở nên phức tạp, cả bà Được, ông Ấm, ông Nội làm đơn lên xã Phú Lộc nhằm đòi lại quyền sử dụng đất nông nghiệp chính đáng, hợp pháp của mình. Đến ngày 22/8/2015, xã Phú Lộc triệu tập hai bên tranh chấp để giải quyết nhưng bất thành.
Ông Đoàn Văn Nga, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Việc tranh chấp đất nông nghiệp giữa các hộ, xã cũng đã hòa giải nhưng bất thành”. Tuy nhiên khi PV đặt câu hỏi: “Để giải quyết việc tranh chấp trên, xã căn cứ vào yếu tố nào?”
Ông chủ tịch cho hay: “Xã căn cứ vào hợp đồng chuyển đổi và hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp giữa các hộ”.
“Vậy xã đã xem hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp gốc (hợp đồng có xác nhận dấu đỏ của xã) của các hộ chưa? Ông Nga nói “đã xem rồi” và điện cho bị đơn là ông Hoàng Minh Phương mang hợp đồng gốc lên xã cung cấp cho PV.
Tại đây, bản hợp đồng ông Phương cung cấp đã bị tẩy xóa, nhiều loại chữ viết, loại mực khác nhau, có dấu hiệu chỉnh, sửa.
Điều đáng nói là hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa bà Đoàn Thị Được và ông Hoàng Anh Tĩnh phát sinh ngày 12/11/ 2010; hợp đồng đại diện giữa ông Nguyễn Văn Ấm và ông Hoàng Minh Phương lại không có ngày tháng… nhưng cả 3 hợp đồng chuyển đổi đất nông nghiệp nói trên đều được ông Đoàn Văn Nga, Phó Chủ tịch UBND xã ký, đóng dấu, chứng thực.
Tuy nhiên, chính ông Đoàn Văn Nga - hiện là Chủ tịch UBND xã này xác nhận “năm 2014, tôi mới được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã”. Ông Nga cũng cho biết trước khi được bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, ông giữ chức Trưởng công an xã này.
Khi PV đặt câu hỏi năm 2014, ông mới được bổ nhiệm Phó Chủ tịch UNBD xã, còn hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa các hộ phát sinh năm 2010 mà ông lại chứng thực với chức danh là phó Chủ tịch xã? Lúc này, ông Nga phân trần “Do cấp dưới đưa lên trình ký, tôi không để ý, thành thử bây giờ nhìn ra mới biết”.
Còn việc chính quyền xã Phú Lộc để ông Hoàng Anh Tĩnh xây dựng xưởng chế biến gỗ không đúng mục đích trên đất nông nghiệp, thì ông Nga thanh minh: “Do công tác quản lý đất đai trên địa bàn còn yếu kém, khiến sự việc xảy ra ngoài ý muốn”
Cần làm rõ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa các hộ có hợp pháp hay không; chứng thực của ông Phó chủ tịch UBND xã Phú Lộc trong việc này có giá trị hay không? để giải quyết dứt điểm vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho công dân.