Logo và 'xe vua'
Lưu thông trên đường quốc lộ, người ta không khỏi thắc mắc trước hình ảnh những chiếc xe quá tải phóng như điên khiến không ít người đi đường và phương tiện khác phải hoảng sợ. Chúng chở quá tải, “vô tư” vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm như những “xe vua”… và mấu chốt câu chuyện lại là ở những chiếc logo?
Gần đây, Cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam nhóm đối tượng trong đường dây mua bán logo “xe vua” gây nhức nhối dư luận. 8 đối tượng trong 2 đường dây bán logo “xe vua” ở TP HCM đã bị bắt.
Lê Thị Cẩm Vân- đối tượng cầm đầu tổ chức bán các logo khai, mỗi logo có giá từ 2,5 - 3 triệu đồng, sử dụng trong 1 tháng, thu lợi bất chính khoảng 3 tỉ đồng/tháng.
Còn Trần Văn Thới, cũng cầm đầu một đường dây bán logo “xe vua” khai nhận đã hoạt động từ tháng 6/2013. Bước đầu xác định hai đường dây trên đã bán hàng nghìn logo loại này cho các chủ xe tải và hứa bảo kê cho các vi phạm quá khổ quá tải, cùng các vi phạm luật khác.
Nếu quan sát những mẫu logo tang vật vụ án mà cơ quan chức năng thu thập được, nó cũng chỉ như bao loại logo bình thường khác. Số tiền bỏ ra in ấn mỗi logo chưa đầy 1.000 đồng. Tuy nhiên chuyện “lạ” là nó lại được bán vượt giá gấp tới 3.000 nghìn lần mà vẫn đắt hàng như… tôm tươi, thậm chí các “thượng đế” còn bỏ tiền mua một cách hoàn toàn tự nguyện?
Việc các đối tượng có móc nối với cơ quan chức năng để bảo kê “xe vua” hay không còn đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng làm rõ, nhưng nghi vấn về việc này của dư luận xã hội thì có từ nhiều năm qua, và diễn ra không chỉ một vài địa phương đơn lẻ.
Bởi ở các địa phương, chuyện những chiếc xe tải hùng hổ lao trên đường được ví những những “cỗ quan tài bay, hung thần xa lộ” không hiếm gặp, gây khiếp đảm cho mọi người, gây ra không ít vụ tai nạn thảm khốc. Song, chẳng mấy khi bị chặn bắt xử lý vi phạm. Dư luận đồn thổi, nhiều xe đã được dán một chủng loại logo “đặc biệt” nào đó như một thứ “bùa hộ mệnh” và thuộc một doanh nghiệp vận tải cũng có tiếng “đặc biệt” nào đó.
Vì thế, những chiếc xe này có thể chở quá tải, có thể đi vào đường cấm, có thể vượt đèn đỏ, né tránh trạm cân “dễ như ăn kẹo”, lại thường vào đúng lúc cơ quan chức năng… “vắng mặt”?
Các hiện tượng trên diễn ra đôi lần thì có thể coi là cá biệt, nhưng nó cứ lặp đi lặp lại quen thuộc thì lại tạo nên sự khác biệt rõ rệt, khiến nó thực sự trở thành những “xe vua” trên đường thì nghi vấn của người dân về “xe vua” là có cơ sở.