Nhỏ mà không nhỏ
Vấn đề nuôi nhốt động vật hoang dã có quy định của pháp luật, mà những cơ sở được phép nuôi phải tuân thủ. Trong đó, yêu cầu về bảo đảm an toàn tuyệt đối (không để chúng xổng chuồng) được đặt ra như đòi hỏi tiên quyết. Có thể thấy lỗ hổng ở đây chính là sự “lơ mơ” hay nói đúng ra là sự bắt tay của chính quyền địa phương với cơ sở nuôi nhốt.
Người dân Cà Mau bắt được một con cá sấu xổng chuồng (ngày 15/10/2012).
Mới đây, người dân thôn 11, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng phát hiện rắn hổ mang bò vào tận nhà, bành mang đe dọa tấn công. Không phải chỉ một nhà gặp rắn hổ mang, mà nhiều nhà ở thôn này chung cảnh ngộ khiến người dân khiếp sợ. Loài rắn hung hãn này thoát ra từ một hộ nuôi rắn hổ mang gần đó. Câu chuyện chăn nuôi động vật hoang dã lại để xổng chuồng, đe dọa cộng đồng một lần nữa được xới lên. Tuy nhiên, quan trọng hơn là vì sao lại có chuyện đó.
Người phụ nữ bắt gặp con rắn hổ mang chui vào gầm chạn nhà mình kể: “Tôi vừa bước vào trong bếp thì nghe thấy tiếng “phì, phì” ở chạn bát, nhìn vào thì thấy con rắn đen xì đang bành mang. Tôi phải gọi chồng tôi xuống giết rồi mang xác tới nhà cán bộ thôn làm bằng chứng”.
Theo người dân trong thôn, chưa bao giờ có tình trạng rắn hổ mang xuất hiện nhiều như vậy, khiến mọi người rất hoang mang. Có nhà trong vòng 1 ngày đã phải 3 lần dùng gậy đuổi chúng đi.
Sở dĩ có hiện tượng đó là do chính ngay trong thôn có một gia đình làm trại nuôi rắn hổ mang. Loài rắn này rất có giá trên thị trường, kiểu một vốn bốn lời nên người ta bất chấp nguy hiểm đến với chính mình, đến với gia đình và càng bất chấp tính mạng cộng đồng vẫn làm chuồng nuôi nhốt.
Nhưng mà ở đời, chuyện gì cũng vậy, kĩ cách mấy thì cũng có lúc sơ hở, thể là loài rắn độc bò ra. Chúng trườn mình lang thang bất cứ nơi nào, sẵn sàng tấn công con người khi cảm thấy bị đe dọa.
Người nuôi rắn đã vậy, đáng nói nữa là thái độ của chính quyền địa phương. Khi người dân phát hiện nhiều rắn một cách bất thường, đã trình báo. Họ lại còn cẩn thận mang cả “vật chứng” đến, nhưng cũng không nhận được cách giải quyết tích cực.
Thậm chí có vị “quan xã” còn nói rằng, tuy trại nuôi rắn không có giấy phép nuôi động vật hoang dã theo quy định, nhưng chủ trại đã “xin” được nuôi hết đợt này để bán xong rồi đóng cửa. Trong lúc chờ rắn đủ lớn để bán kiếm lời to, thì thử hỏi có nhốt chặt được chúng không, và bà con thôn xóm phải sống trong phập phồng lo sợ đến bao giờ.
Đã thế, đại diện Phòng Nông nghiệp huyện lại cho rằng, không nhận được báo cáo của UBND xã và đây là mô hình nuôi gia đình nên không thuộc diện phòng quản lý. Nói vậy thì ai quản lý đây, ai lo cho dân đây.
Nhân chuyện con rắn hổ mang ở Hải Phòng, lại nhớ đến vụ con cá sấu ở Cà Mau. Cách đây gần 3 năm, nhiều người dân ở đây phát hiện cá sấu trên sông, đôi khi chúng còn lao cả lên bờ kiếm thức ăn. Một cặp vợ chồng ông lão bán than, đã thấy con cá sấu rất to nổi đầu trên mặt nước. Đó là màn mở đầu cho vấn nạn cá sấu xổng chuồng.
Sau đó, người dân liên tiếp phát hiện cá sấu. Một người chở rau tươi ở quê lên bán gặp cá sấu to trên sông Cà Mau, đoạn gần chợ phường 7. Rồi cá sấu cũng xuất hiện ở khúc sông Đầm Cùng (đoạn thuộc địa phận xã Trần Thới, huyện Cái Nước). Tin đồn cá sấu xổng chuồng đến với chính quyền, nhưng lại bị cho rằng đó chỉ là tin đồn thất thiệt, không đáng tin cậy.
Đã thế, “song kiếm hợp bích” giữa doanh nghiệp với chính quyền, công ty nuôi cá sấu ở khu vực này đã phủ nhận bằng cách ra thông báo theo kiểu dọa dân. Nội dung tờ thông báo dán công khai ở nhiều nơi có đoạn: “Nếu ai phát hiện cá sấu thì báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc Công ty. Nếu ai cố tình che giấu hoặc bắt cá sấu mà không thông báo thì sẽ bị xử lý theo pháp luật”.
Cá sấu là loài nguy hiểm, giết chết người như bỡn, để xổng chuồng là không thể chấp nhận. Chính Công ty nuôi cá sấu phải chịu trách nhiệm chứ sao lại đe “xử lý theo pháp luật” người dân bắt cá sấu. Họ đe dân chỉ vì giá trị của con cá sấu là lớn, nên dọa để dân nếu có bắt được thì sợ mà đem giao nộp. Đợt đó, người ta đã bắt dược tới 73 con cá sấu xổng chuồng. Thật là ghê sợ! Bà con nói với nhau rằng, doanh nghiệp đã “dựa hơi” chính quyền và ngành chức năng để “hù” dân, thật không ổn chút nào.
Vấn đề nuôi nhốt động vật hoang dã có quy định của pháp luật, mà những cơ sở được phép nuôi phải tuân thủ. Trong đó, yêu cầu về bảo đảm an toàn tuyệt đối (không để chúng xổng chuồng) được đặt ra như đòi hỏi tiên quyết. Qua hai câu chuyện kể trên cho thấy lỗ hổng ở đây chính là sự “lơ mơ” hay nói đúng ra là sự bắt tay của chính quyền địa phương với cơ sở nuôi nhốt.
Cái bắt tay ấy rất có thể mang lại tai họa cho cộng đồng. Đằng sau sự bắt tay ắt hẳn phải là lợi nhuận, nhưng lợi nhuận ở đây không thuộc về tập thể mà rơi vào túi cá nhân. Còn nếu không phải vậy, thì chí ít chính quyền và cơ quan hữu quan đã thiếu trách nhiệm với dân. Chuyện nhỏ mà không nhỏ chính là thế.