Phong danh nghệ nhân: Vẫn chỉ là động viên tinh thần
Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, để được là NNND, trước hết những nghệ nhân ấy phải là NNƯT. Như vậy, không biết những NNƯT đợt này có còn đủ thời gian để chờ đợi đến khi họ đủ điều kiện trở thành NNND hay không? Có còn kịp để hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước hay không?
Chính sách “hậu” vinh danh nghệ nhân dân gian vẫn là một băn khoăn lớn.
Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vừa tổ chức lễ công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian (NNDG) cho các đồng đền, thủ nhang đã có công gìn giữ văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam.
Dẫu vậy, lãnh đạo Hội Văn nghệ dân gian không khỏi lấy làm ngậm ngùi bởi dù Hội đã tiến hành phong tặng danh hiệu nghệ nhân đã hơn mười năm nay, nhưng chế độ, chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân vẫn đang trông chờ vào nhà nước.
Việc phong danh hiệu cho các NNDG đã được Hội Văn nghệ dân gian thực hiện từ năm 2003, nhưng đến nay bên cạnh việc phong danh, chế độ đãi ngộ cho các nghệ nhân vẫn là câu chuyện dài.
Theo GS.TSKH.Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Hội chỉ có thể phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho thuộc nhiều lĩnh vực từ nghệ thuật cổ truyền đến nghề truyền thống… Nhưng đãi ngộ, tiếp sức cho họ như thế nào thì Hội không có khả năng về tài chính nên đây vẫn là một khoảng trống lớn.
Báo Đại Đoàn Kết từng nhiều lần đề cập vấn đề cơ chế chính sách đãi ngộ NNDG. Theo đó, trong dự thảo Nghị định quy định việc hỗ trợ đối với nghệ nhân dân gian, bao gồm nghệ nhân nhân dân (NNND) và nghệ nhân ưu tú (NNƯT) do Bộ LĐTB&XH soạn thảo, những đối tượng nghệ nhân nói trên có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn sẽ được nhà nước hỗ trợ với mức cao nhất 1,1 triệu đồng/người/ tháng.
Cụ thể, theo dự thảo Nghị định quy định việc hỗ trợ đối với NNND, NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn quy định trợ cấp sinh hoạt hằng tháng (dự kiến sẽ có 3 mức trợ cấp: 1.100.000 đồng; 900.000 đồng và 700.000đồng/ người/tháng); được hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng…
Trước đó, việc xét tặng danh hiệu NNƯT được Bộ VHTT&DL dự kiến công bố vào tháng 9/2015. Ước tính, trong số các nghệ nhân trên toàn quốc hiện đã và đang được xét tặng danh hiệu NNƯT sẽ có khoảng 560 người thuộc diện được hưởng trợ cấp nói trên. Nhưng thực tế cho thấy hầu hết nghệ nhân của các loại hình di sản văn hoa phi vật thể như: xẩm, ca trù, hát xoan, ví, giặm,… đều sống trong hoàn cảnh khó khăn.
Theo thống kê, hiện có khoảng 75,3% nghệ nhân ở độ tuổi nghỉ hưu; 50% nghệ nhân thuộc dân tộc thiểu số; 60% nghệ nhân sinh sống gắn với nông nghiệp nên phần lớn không có đối tượng làm việc và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Do đó chính sách này chưa thể lấp “lỗ hổng” đãi ngộ nghệ nhân, câu chuyện đã được bàn tới bàn lui trong vài chục năm qua.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam – Bộ VHTT&DL) cho biết: Ngoài giấy chứng nhận danh hiệu, huy hiệu, về mặt quyền lợi vật chất, các nghệ nhân có lẽ chỉ được hưởng chút tiền thưởng đi kèm. Riêng với nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn thì sẽ được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng. Như vậy, với các nghệ nhân cao tuổi thuộc diện lao động tự do (chiếm số đông trong môi trường hoạt động di sản), những khoản bảo hiểm y tế hay bảo hiểm xã hội cho các cụ vẫn chưa được xem xét.
Trong thực tiễn mai một của nhiều di sản, mức trợ cấp sinh hoạt nếu có cũng không thể bảo trợ cho sức lao động nghệ thuật. Và điều chúng ta đang làm mới chỉ dừng lại ở việc phong danh hiệu, động viên tinh thần mà thôi.
Dù được tôn vinh NNƯT nhưng nhiều “báu vật nhân văn sống” ở tuổi “xưa nay hiếm” có lẽ vẫn phải tiếp tục chật vật với cuộc mưu sinh. Và chế độ chính sách đãi ngộ nghệ nhân, nếu các cơ quan chức năng không sớm triển khai, những “người giữ lửa” ở tuổi xế chiều sẽ không có thêm thời gian để đợi chờ. Được biệt, trong đợt phong tặng danh hiệu NNƯT lần I – 2015 có đến 70% số nghệ nhân đươc công nhận đã bước vào tuổi chiều tà bóng xế. Có những người đã bước qua tuổi 100 như nghệ nhân nhã nhạc cung đình Huế - Lữ Hữu Thi.
Cho đến thời điểm này, lễ phong tặng danh hiệu cho NNDG của nhà nước (khác với của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) năm 2015 đã chậm hơn so với dự kiến. Theo đó, đợt này cũng chỉ có danh hiệu cho NNƯT chứ không có danh hiệu NNND ở lĩnh vực này.
Trong khi, theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, để được là NNND, trước hết những nghệ nhân ấy phải là NNƯT. Như vậy, không biết những NNƯT đợt này có còn đủ thời gian để chờ đợi đến khi họ đủ điều kiện trở thành NNND hay không? Có còn kịp để hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước hay không?
Vì thế rất mong dự thảo Nghị định hỗ trợ nghệ nhân dân gian của Bộ LĐTB&XH sớm hoàn thiện trong thời gian gần nhất. Để những người giữ lửa di sản sau khi nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian cấp nhà nước sẽ không phải đợi chờ quá lâu.