Khẩn cấp ứng phó cơn bão số 3
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, cơn bão số 3 hướng thẳng vào khu vực Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Ngày hôm qua (14/9), càng về chiều gió càng mạnh, mưa càng to trên diện rộng. Người dân và chính quyền các địa phương đã và đang dốc lực ứng phó với cơn bão này.
Tấm pano và cây xanh dưới chân cầu quay sông Hàn - Đà Nẵng
bị sóng giật tung. Ảnh:Nguyễn Đông.
Đà Nẵng: Mưa to, ngập nặng, học sinh nghỉ học
Tại TP Đà Nẵng, mưa to từ sáng đến trưa 14/9 gây ngập cục bộ một số tuyến phố, nhiều nơi mất điện. UBND TP. Đà Nẵng đã có công điện khẩn yêu cầu các ngành địa phương triển khai phương án đối phó với mưa bão; thông báo cho học sinh nghỉ học. Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) đã huy động cán bộ giáo viên, học sinh chằng chống trường lớp trước khi ra về.
Bà Võ Thị Thu Sương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Chu Trinh cho biết: “Sáng 14/9, trường đã triển khai phòng chống bão và thông báo học sinh đóng cửa, chèn chống toàn bộ các phòng học trước khi ra về; cho cắt gọt, chèn chống toàn bộ cây cối trong khuôn viên trường”.
Đến trưa qua, TP Đà Nẵng thông báo cho tất cả ngư dân trên các tàu thuyền biết thông tin về diễn biến đường đi của bão số 3 tìm nơi trú tránh an toàn. Thời điểm này vẫn còn 138 phương tiện với 1.270 lao động đang ở trên biển.
Với sức gió mạnh cấp 5-6, nhiều người đi xe máy đã bị quật ngã; một số cây xanh bị quật đổ; tàu thuyền không kịp kéo lên bờ bị sóng đánh chìm... Trưa 14/9, Đà Nẵng có mưa to kèm theo gió giật cấp 5-6.
Theo ghi nhận của phóng viên, một chiếc tàu dù được neo gần bờ, nhưng đã bị sóng lớn đánh chìm. Trên đường ven biển Nguyễn Tất Thành, một số nhà hàng đã bị gió làm sập mái che, nhiều tài sản không kịp di dời. Dọc nhiều tuyến đường như Hà Huy Tập, Nguyễn Tất Thành, Quang Trung..., nhiều cây xanh đã bị quật đổ.
Ngay trong sáng 14/9, lực lượng Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp với gia đình, chủ phương tiện thông báo vị trí, hướng đi của bão để kịp thời tìm nơi trú tránh.
Đại tá Nguyên Quốc Bình - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP. Đà Nẵng cho biết: Có 300 cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng thường trực sẵn sàng 5 tàu, 8 xuồng, 8 ô tô để cơ động trên sông, trên biển.
Người dân Quãng Ngãi lội trong nước để gặt lúa chạy bão.
Quảng Nam: Lúa chìm trong biển nước
Sáng 14/9, chúng tôi có mặt tại vùng biển Tam Thanh, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam. Dù cơn bão số 3 chưa đổ bộ vào đất liền, nhưng trên địa bàn có mưa lớn, gió to cấp 6-7, biển động dữ dội, những cơn sóng lớn cao gần 2m đánh tan hàng chục lều nghỉ mát của người dân, 2 cây trụ mắt canh biển của lực lượng cứu hộ bị gió thổi tung ra biển. Nhiều biển hiệu bị gió quật ngã.
Mưa quá lớn khiến ruộng lúa, hoa màu của người dân bị nhấn chìm trong bể nước. Nông dân dầm mình trong mưa lội bì bõm trong nước để gặt lúa. Có mặt tại cánh đồng tổ 4, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, nước ngập sâu hơn nửa mét, nông dân Nguyễn Ngọc Phẫn than trời: “Khổ quá chú ơi, lúa ngập hết rồi, tôi kêu gần chục nhân công để gom gặt lúa, nhằm vớt vát chút ít. Gần 2 sào lúa chứ ít chi mô. Mà không riêng tôi, bà con làm nông vào mùa này cay đắng lắm!”
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, toàn tỉnh vẫn còn 3.500 ha lúa vụ hè thu 2015 và ít nhất 1.000 ha bắp các loại chưa kịp thu hoạch. Lãnh đạo Sở đã yêu cầu chính quyền cấp cơ sở phải tích cực vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch những ruộng lúa đã chín ở các vùng trũng thấp nhằm hạn chế thiệt hại do tình trạng ngập úng gây ra.
Trong khi đó, tại bờ kè ở khu vực thuộc biển Cửa Đại, TP Hội An, mưa to, kèm theo nhiều đợt cơn sóng cao gần 2m đánh mạnh vào bờ kè ở khu vực này làm hư hỏng nhiều đoạn, nước biển lấn sâu vào bờ. Qua quan sát của chúng tôi, dọc bờ biển Cửa Đại, với sức gió mạnh từ cấp 7 đến cấp 8, nhiều cây xanh, trụ điện nằm ngã dọc theo các tuyến đường trong thành phố. Bờ kè ở một số đoạn bị sóng đánh sập, công tác khắc phục gặp khó khăn do mưa bão ngày càng lớn và kéo dài.
Còn tại miền núi Quảng Nam, từ chiều tối 13/9, địa bàn các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang liên tục có mưa to trên diện rộng, gây lũ ở các sông suối khiến nhiều vùng bị chia cách cục bộ. Ông Bh’riu Quân - Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng xác nhận, mưa lớn cũng khiến nhiều điểm dân cư tại địa phương bị chia cắt, cô lập tạm thời.
Hoàn lưu bão số 3 đã gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 tại đảo Lý Sơn và đảo Cồn Cỏ. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Trị - Đà Nẵng có gió giật cấp 6-7. Khu vực tỉnh Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa tính đến 13 giờ chiều cùng ngày phổ biến 100 - 200mm, có nơi như Trà Khúc 215mm.
Nhiều đoạn bờ kè biển Cửa Đại bị sóng đánh sạt lở.
Trong khi đó, Đại diện Bộ đội Biên phòng cho biết, có tổng cộng 471 tàu/ 5.197 ngư dân đang hoạt động tại vùng biển Hoàng Sa, trong đó Đà Nẵng có 18 tàu, Quảng Nam 110 tàu, Bình Định 253 tàu, Quảng Ngãi 89 tàu và Khánh Hòa 1 tàu. Ngay trong sáng ngày 14-9, Bộ đội Biên phòng các tỉnh đã tiến hành kiểm đếm các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, đã bắn pháo hiệu bão 58 điểm, đồng thời phối hợp với gia đình, địa phương thông báo về hướng di chuyển của cơn bão số 3 cho 48.000 phương tiện và 210.000 người.
Vào lúc 7h16 ngày 14/9 Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Trung tâm II) nhận được thông tin yêu cầu cứu nạn khẩn cấp từ ông Phan Ngọc Liên, thuyền trưởng kiêm chủ tàu QB 92021, trên tàu có 6 thuyền viên đang gặp nạn cách Đà Nẵng khoảng 27 hải lý có nguy cơ chìm. Trung tâm đã điều động tàu SAR 412 tại Đà Nẵng đi cứu nạn và đã tiếp cận tàu bị nạn lúc 9h00 cứu được toàn bộ thuyền viên.
Cùng ngày vào lúc 9h15 gia đình chủ tàu ĐNa 31724 trực tiếp đến văn phòng Trung tâm II báo tin tàu bị hỏng máy thả trôi, gió lớn, có nguy cơ chìm, trên tàu có 3 thuyền viên, yêu cầu cứu nạn khẩn cấp. Lập tức Trung tâm đã điều động tàu SAR 274 rời bến đi cứu nạn.
Ngoài ra, vào lúc 12h ngày 13/9, tàu CBCS của Hải đội 2 đã tiếp cận và cứu vớt được 4 thuyền viên của tàu HD 1597 do ông Lê Văn Bính quê Hải Dương làm chủ, trên tàu có 4 lao động, đang thi công nạo vét cửa Gianh thì mắc cạn và chìm…
Càng về chiều 14/9 khu vực từ Quảng Nam đến Quảng Ngãi càng có mưa to, gió lớn. Người dân hối hả lo chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào neo đậu phòng chống bão. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Đinh Văn Thu đã trực tiếp đi đến các điểm trọng yếu tại phường Cửa Đại và một số nơi, kiểm tra, chỉ đạo Đồn Biên phòng Cửa Đại vận động các chủ thuyền vào nơi trú ẩn.
Ông Thu cũng chỉ đạo, BCH PCTT và TKCN tỉnh, khẩn trương triển khai ngay hoạt động Văn phòng tiền phương tại huyện Hội An để đảm bảo các điều kiện ứng cứu dân ở khu vực phía bắc của tỉnh; ưu tiên thực hiện công tác chằng chống nhà cửa, cơ sở hạ tầng, triển khai phương án di dời dân tại chỗ; các chủ công trình và đơn vị thi công các công trình đang xây dựng dở dang khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình trước khi xảy ra mưa, lũ…
Sở GD&ĐT cũng có văn bản cho học sinh nghỉ học từ chiều 14/9.
Người dân từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi đang gồng mình phòng chống bão để hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra.
Kịp thời đối phó diễn biến bất thường của thời tiết Sáng 14/9, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai 8 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới đã diễn ra. Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Năm 2015 cho thấy rõ nét biến đổi khí hậu và sự thay đổi quá bất thường và ngày càng khó lường của thời tiết, của thiên tai, hạn hán nặng nề, El Nino dài hơn, cường độ cao hơn, sau đợt hạn kỷ lục ở Nam Trung Bộ. Chúng ta chuẩn bị phải lo đợt hạn mới. Ngược lại, mưa lớn kỷ lục trong 50 năm ở vùng mỏ cho thấy nhiều vấn đề về chuỗi số liệu và tần suất dự báo. Phó Thủ tướng yêu cầu các đại biểu dự họp cần tập trung đánh giá, dự báo và có giải pháp ứng phó những bất thường của thời tiết. Theo đó, bão số 3 ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung, tuy cấp gió không mạnh nhưng vùng ảnh hưởng và mưa kèm bão cũng khá phức tạp, có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn trên biển và vùng ven biển. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết 71 tàu và hơn 5.000 người vẫn còn nằm trong vùng ảnh hưởng của bão, đặc biệt qua hệ thống theo dõi tàu gắn chip cho thấy 28 tàu đang trong vùng nguy hiểm, các địa phương cần có phương án đối phó với bão, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. N.Khánh |