Để có một năm học hiệu quả

Thủy Anh 15/09/2015 08:35

Trong tuần qua, Bộ GD&ĐT liên tục gửi công văn tới các sở GD&ĐT, các trường học trực thuộc trên cả nước những văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục năm học 2015-2016. Các sở GD&ĐT, các trường học trên toàn quốc cũng đang khẩn trương triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra trong năm học mới đối với từng cấp học.

Để có một năm học hiệu quả

Học sinh háo hức bước vào năm học mới.

Tăng tỷ lệ trẻ mầm non đến trường

Trong các mục tiêu hướng dẫn cụ thể của Bộ GD&ĐT đưa ra trong hoạt động giáo dục mầm non (GDMN) có nhiệm vụ quan trọng: Phát triển mạng lưới trường, lớp; tăng tỷ lệ huy động trẻ. Theo đó, Bộ chỉ đạo: Các địa phương tiếp tục quy hoạch phát triển trường lớp, giành quỹ đất cho GDMN, đảm bảo mỗi xã, phường có ít nhất một trường mầm non. Tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi, duy trì tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi theo quy định của tiêu chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Phấn đấu tỷ lệ huy động trẻ bình quân toàn quốc: trẻ nhà trẻ đạt 26%; trẻ mẫu giáo đạt 89%.

Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ với 3 nội dung: Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn cho trẻ; Đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN; Kiểm định chất lượng GDMN và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Theo đó, các nhà trường cần tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN. Phấn đấu hầu hết các nhóm, lớp thực hiện chương trình GDMN đều tổ chức học 2 buổi/ngày. Tiếp tục tổ chức có hiệu quả việc thực hiện đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Tạo cơ hội cho trẻ chủ động tham gia các hoạt động vui chơi, khám phá, trải nghiệm theo phương châm “học bằng chơi, chơi mà học” phù hợp với độ tuổi. Mở các triển lãm tranh của trẻ tại cơ sở GDMN.

Đặc biệt là công tác xây dựng thí điểm các trung tâm chăm sóc trẻ dựa vào cộng đồng, thực hiện thí điểm tư vấn, bồi dưỡng kiến thức và phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình, cộng đồng ở 04 tỉnh: Lào Cai, Bắc Ninh, Đà Nẵng và Đắk Lắk…

Tiếp tục các cuộc thử nghiệm

Trong năm học mới, đối với tất cả các cấp học, nhiệm vụ đi đầu là tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cụ thể đối với giáo dục Tiểu học, Bộ yêu cầu các trường tiếp tục rút kinh nghiệm và chỉ đạo triển khai có hiệu quả Thông tư 30 về quy định đánh giá HS tiểu học. Thêm vào đó, tiếp tục thực hiện tích hợp dạy học tiếng Việt và các nội dung giáo dục (bảo vệ môi trường; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; quyền và bổn phận của trẻ em; bình đẳng giới; an toàn giao thông; phòng chống tai nạ thương tích; phòng chống HIV/AIDS;…) vào các môn học và hoạt động giáo dục. Việc tích hợp đảm bảo hợp lý, hiệu quả, không gây áp bức đối với HS và giáo viên.

Nhiệm vụ rất được quan tâm nữa là việc triển khai có hiệu quả Mô hình trường học mới Việt Nam theo Dự án GPE-VNEN tại 1.447 trường tiểu học được thụ hưởng dự án, các trường đã nhân rộng mô hình. Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trên tinh thần tự nguyện ở những trường có điều kiện.

Để triển khai hiệu quả Mô hình trường học mới, Bộ chỉ đạo tập trung các giải pháp tăng cường tiếng Việt: Tập trung vào giảng dạy theo tài liệu tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục để đảm bảo HS lên lớp 2 đạt chuẩn năng lực tiếng Việt; chủ động báo cáo các cấp lãnh đạo địa phương, tuyên truyền giới thiệu chia sẻ nội dung về mô hình trường học mới; tập huấn và triển khai đồng bộ, hiệu quả phương pháp dạy phương pháp học, đánh giá HS, tổ chức lớp học nhằm hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất HS…

Nói về vấn đề này, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Đắc Lắk cũng cho biết: Mô hình trường học mới mang đậm tính chất nhân văn, với mục tiêu tạo điều kiện học tập cho trẻ em thuộc các nhóm trẻ khó khăn, phát huy vai trò chủ động của HS trong quá trình học tập… Từ năm học 2013-2014, Đắk Lắk đã nhân rộng mô hình ở 13 trường với 78 lớp (có 4.235 HS tham gia). Năm học 2015-2016 này, Mô hình trường học mới được nhân rộng ở 56 trường tiểu học, 60 trường THCS trên toàn tỉnh.

Bộ cũng chỉ đạo các nhà trường THCS tiếp tục thực nghiệm mô hình trường học mới đối với lớp 7 và triển khai mở rộng mô hình trường học mới đối với lớp 6.

Không tổ chức thi tuyển học sinh đầu cấp

Trong các nhiệm vụ cụ thể được Bộ GD&ĐT đưa ra đối với các cấp học trong năm học mới, luôn chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá: Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kĩ năng của HS về áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” và các phương pháp dạy học tích cực khác.

Đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, các phương pháp thực hành, dạy học theo dự án trong các môn học. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học. Khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ. Bảo đảm cân đối giữa trang bị kiến thức, rèn luyện kĩ năng và định hướng thái độ, hành vi cho HS. Chú ý việc tổ chức dạy học phân hoá phù hợp các đối tượng HS khác nhau.

Đặc biệt, trong công tác đổi mới kiểm tra và đánh giá, Bộ GD&ĐT yêu cầu: Thực hiện nghiêm túc việc không tổ chức thi tuyển HS vào lớp 6, không tổ chức khảo sát HS đầu năm học theo Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT ngày 3/11/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm và nhận xét, đánh giá HS trong việc thi và kiểm tra. Đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của HS.

Chú trọng đánh giá thường xuyên đối với tất cả HS: Đánh giá qua các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở học tập; đánh giá qua việc HS báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình (bài viết, bài trình chiếu, video clip,…) về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành…

Thủy Anh